Thầy và trò Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành trong giờ học
GD&TĐ - Trải qua 40 năm (16/3/1975 – 17/3/2015) sau ngày giải phóng, từ một vùng đất bom cày, đạn xới, Kon Tum nay đang trỗi dậy từng ngày.
Trong thành quả chung ấy, nhiều người nhận định có sự đóng góp không nhỏ của ngành Giáo dục tỉnh Kon Tum đã miệt mài trong hành trình xóa mù chữ, nâng cao trình độ dân trí, để cái chữ về cho lúa thêm bông…
Diệt “giặc dốt”
Là “vùng đất lửa” trong chiến tranh nên sau giải phóng, Kon Tum đứng trước muôn vàn khó khăn. Ngoài “giặc đói”, ngoài nạn Fulro, Kon Tum còn phải đối mặt với “giặc dốt”.
Bởi theo số liệu thống kê vào thời điểm tháng 10/1975 - khi 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, Kon Tum thì lúc bấy giờ chỉ có khoảng 25.000 học sinh và hơn 600 giáo viên cho tất cả các ngành học.
Trường học tập trung chủ yếu ở các vùng thị xã, thị trấn hoặc lân cận. Đa số học sinh là người Kinh, khoảng 95% đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ.
Giáo viên chủ yếu được đào tạo trước giải phóng, hầu hết chưa bắt nhịp được với một chương trình và hệ thống giáo dục khá mới mẻ, đặc biệt ở các môn khoa học xã hội.
Lực lượng giáo viên miền Bắc tăng cường cho miền Nam còn quá ít ỏi. Hệ thống thư viện, sách giáo khoa, thiết bị dạy học hầu như không có gì.
Trước bối cảnh đó, tỉnh Kon Tum nói riêng, tỉnh Gia Lai - Kon Tum nói chung đã có những kế sách cực kỳ trí tuệ để giải quyết vấn đề dân trí vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; nếu dân không đọc, không biết viết thì làm sao có thể nắm được thông tin Cách mạng.
Chủ trương của tỉnh lúc này là nhanh chóng ổn định và từng bước đưa sự nghiệp giáo dục vượt qua những chướng ngại tất yếu ban đầu, với những nhiệm vụ trọng tâm là: Thanh toán nạn mù chữ, nâng cao trình độ văn hóa cho cán bộ, thanh niên; cải tạo nền giáo dục cũ, xây dựng nền giáo dục XHCN; bảo đảm các điều kiện cho giáo dục phát triển; coi trọng đúng mức và đầu tư thích đáng cho các vùng dân tộc.
Với chủ trương trên, khoảng 300 cán bộ, giáo viên từ chiến khu trở về, từ miền Bắc chi viện vào. Tiếp sau đó là khoảng 100 giáo viên khăn gói lên Gia Lai - Kon Tum, từ Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình.
Hàng trăm giáo viên của chế độ cũ đã được sử dụng lại sau những khóa tập huấn cấp tốc. Gần 30 trường học, với hơn 250 lớp phổ thông cấp I mở cửa cho hơn 1 vạn học sinh tiểu học đến trường.
Phong trào chống mù chữ, học bổ túc văn hóa được phát triển rộng khắp và trở thành một phong trào rầm rộ, được nhân dân đồng tình hưởng ứng vào những ngày đầu sau giải phóng.
Chỉ trong vòng gần 3 năm sau ngày giải phóng, Gia Lai - Kon Tum đã thanh toán nạn mù chữ cho hơn 4 vạn người, trong đó có một tỉ lệ đáng kể đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa, phổ cập lớp Ba cho toàn dân và phổ cập lớp Năm cho cán bộ cốt cán, thanh niên ưu tú.
Đầu tư cho tương lai
Năm 1991 ghi dấu một sự kiện đáng nhớ của tỉnh Gia Lai - Kon Tum: Chia tách thành hai tỉnh, Gia Lai và Kon Tum. Sự nghiệp giáo dục của hai tỉnh anh em lại đứng trước những thời cơ, vận hội và những khó khăn mới.
Theo PGS.TS.NGƯT Nguyễn Sỹ Thư – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, xét trong tương quan chung của hai tỉnh, phần khó khăn, thách thức lớn hơn thuộc về giáo dục tỉnh Kon Tum.
Bởi ở Kon Tum lúc này, hệ thống trường lớp còn sơ khai, toàn tỉnh chỉ có 109 trường từ mầm non đến THPT; cơ sở vật chất còn hết sức thiếu thốn, lạc hậu với 477/1.131 phòng học làm bằng tranh, tre, nứa, lá; trang thiết bị giáo dục hầu như là con số không; đặc biệt toàn tỉnh còn 108 làng trắng về giáo dục.
Đội ngũ giáo viên vừa thiếu trầm trọng, lại vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Mặt bằng dân trí còn thấp, tỷ lệ người mù chữ cao, chiếm 17,7%; việc huy động học sinh ra lớp gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở các cấp học, bậc học còn rất hạn chế.
Tỷ lệ người đi học trên số dân rất thấp, trong 10 người dân thì chỉ có 1 người đi học.
Vấn đề phải khẩn trương tháo gỡ để phát triển là: Xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp với phương châm xóa “làng trắng” về giáo dục và tạo điều kiện tối đa để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh. Nếu năm 1991, toàn tỉnh còn có 108 làng trắng về giáo dục, đến năm 1996 đã xóa “làng trắng” về giáo dục.
Năm 2000, tổng số trường trong toàn tỉnh là 171, tăng 62 trường so với năm 1991. Đặc biệt là trong 15 năm từ 2001 - 2015, hệ thống trường lớp đã phát triển mạnh.
Đến nay, toàn tỉnh đã có 398 trường học với hơn 142.000 học sinh theo học 6.131 lớp.
Những số liệu này có thể khẳng định, hệ thống trường lớp đã có những bước phát triển rất lớn, và đã đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của người dân.
Trong 40 năm qua, đặc biệt là gần 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, ngành Giáo dục Kon Tum không chỉ tập trung phát triển hệ thống trường lớp về mặt số lượng mà còn coi trọng về mặt chất lượng của hệ thống các trường.
Từ con số không về thiết bị dạy học, sau năm 2000, đặc biệt là trong những năm trở lại đây, thiết bị giáo dục được trang bị đồng bộ, hiện đại đảm bảo yêu cầu dạy học và đổi mới giáo dục.
Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia đã được chú trọng và đã đạt thành tựu quan trọng.
Nếu giai đoạn từ năm 1991 - 2000, toàn tỉnh không có một trường đạt chuẩn quốc gia nào, đến năm 2011, số trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh là 80 trường, tỉ lệ 22,3.
Ngành Giáo dục Kon Tum cũng tăng cường bổ sung, tập trung bồi dưỡng, chuẩn hóa giáo viên. Đến nay, toàn ngành có gần 10.000 cán bộ, giáo viên tham gia quản lý, đứng lớp giảng dạy học sinh thuộc các cấp học: Mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Bên cạnh bổ sung về số lượng, đội ngũ nhà giáo đã được bồi dưỡng, chuẩn hóa và chất lượng đội ngũ đã được nâng lên rõ rệt. Nếu năm 1991, vẫn còn 65% đội ngũ chưa đạt chuẩn đào tạo, đến năm 2000, con số này đã giảm còn 17% và đến nay chỉ còn 1,7%.
Tỷ lệ giáo viên giỏi cấp tỉnh hàng năm không ngừng tăng, năm 1991, toàn tỉnh có 75 GV giỏi cấp tỉnh, đến năm 2011, toàn tỉnh có 205 giáo viên giỏi cấp tỉnh.
40 năm nhìn lại, đã có biết bao gương mặt của các tập thể, cá nhân, các thế hệ thầy trò ngành Giáo dục Kon Tum trở thành những tấm gương tiêu biểu cho mỗi giai đoạn.
Thành tích này là kết quả bao công sức đóng góp của biết bao những gương mặt hy sinh thầm lặng ở những vùng đồng bào dân tộc, tận các thôn làng xa xôi hẻo lánh...
Tất cả đã giúp cho ngành Giáo dục Kon Tum liên tục gặt hái những “mùa vàng bội thu”.
Tỷ lệ học sinh có hạnh kiểm khá, tốt tăng, xếp loại yếu kém giảm; tỷ lệ học sinh có học lực từ trung bình, khá giỏi tăng hàng năm; tỷ lệ tốt nghiệp THPT, tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ hàng năm tăng, chất lượng giáo dục mũi nhọn, tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi khu vực ngày càng tăng.
Nếu năm 1991, toàn tỉnh chỉ có 3 học sinh giỏi quốc gia, đến năm 2000, số học sinh giỏi quốc gia của tỉnh là 8 học sinh và đến năm 2011, con số này đã là 28, đứng vị thứ 26/68 đơn vị tham gia.
Trong những ngày tháng có nhiều ý nghĩa lịch sử này, nhìn lại những thành quả đạt được của ngành Giáo dục Kon Tum trong 40 năm qua có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong đào tạo chất lượng nguồn nhân lực - hướng đến một tương lai phát triển bền vững của tỉnh nhà.
Kênh tuyển sinh (Theo Giaoducthoidai.vn)