>> Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, học đường

Nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, GS. Trần Phương khẳng định như vậy trong bối cảnh trường đại học mở tràn lan tại các tỉnh như hiện nay. Theo GS Trần Phương năng lực đại học ở địa phương không thể đáp ứng được quy mô, yêu cầu đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, thực tế là rất nhiều trường thiếu trầm trọng giáo viên, ngược lại nếu chỉ căn cứ vào sự phát triển của cơ sở vật chất thì các trường ở địa phương sẽ không gặp khó khăn do nguồn vốn tỉnh cấp rất lớn.

Trường tỉnh chạy quanh mượn giảng viên

GS. Trần Phương nêu thực trạng hiện nay các trường đại học ở tỉnh không đủ trình độ để phát triển trường đại học: “Xin thưa rằng tỉnh có đủ trình độ để xây trường đại học không? Tôi cho phần lớn các tỉnh không có trình độ, vì sao? Thống kê những người tốt nghiệp đại học và những người tốt nghiệp thạc sĩ trở lên thì Hà Nội chiếm gần một nửa (khoảng 40%), Tp. HCM chiếm 1/4 , các tỉnh thành khác chiếm phần còn lại, như vậy làm gì có thầy giáo?”.

giáo sư Trần Phương

Giáo sư Trần Phương

GS. Trần Phương: Cần dứt khoát không bao cấp cho các trường công, nếu sinh viên hoàn cảnh khó khăn đi học đã có nhà nước cho vay.
Không có giảng viên thì khó mà có chất lượng giáo dục, ngay cả giảng viên đi thuê, đi mượn cũng không thể đáp ứng được, sẽ dẫn đến không có sinh viên theo học, chính vì vậy một số trường ở tỉnh hiện đang lao đao tìm giảng viên. GS. Trần Phương dẫn chứng, cách đây ít lâu Chủ tịch HĐQT trường đại học Lương Thế Vinh (Nam Định) đã phải lên tận Hà Nội để “cầu cứu” trường của GS. Trần Phương, cho mượn một số thầy cô giáo để về trường giảng dạy:

Sau khi nghe Chủ tịch nhà trường trình bày tôi thấy trường mới mở mà thành lập tới 20 ngành, trong đó có cả CNTT, QTKD, Chăn nuôi..., trường mới mở thì làm sao có giảng viên dạy nhiều thế? Tôi đồng ý cho trường mượn thoải mái giảng viên và lãnh đạo trường Lương Thế Vinh mượn vài ông Trưởng khoa trường tôi, nhưng mấy ông đó chỉ đứng tên để “bịp” Bộ GD&ĐT mà thôi, ngược lại Bộ GD&ĐT cứ thấy tên Trưởng khoa là tiến sĩ thì cho phép..., nhưng mấy ông tiến sĩ đó ngồi dạy ở Hà Nội đã hết thời gian còn đâu đi về Nam Định?”. GS. Trần Phương thẳng thắn.

Tương tự, trường đại học Thành Đông (Hải Dương) cũng rơi vào  tình cảnh không tuyển sinh được do chưa có đội ngũ đảm bảo yêu cầu. GS. Trần Phương cho biết, chính trường ông (Trường đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội) đã cho 50 chỉ tiêu về trường Thành Đông nhưng với điều kiện: “Trường Thành Đông tự thuyết phục sinh viên về đó học và tốt nhất là thuyết phục chính con em người Hải Dương học ở đấy, nhưng cuối cùng cũng chẳng thuyết phục được vì từ Hải Dương lên Hà Nội chỉ 60km, học sinh được đến học ở trường đào tạo đàng hoàng, ra đời còn có việc làm, chứ học  trường tỉnh, thầy giáo chưa có, ông thạc sĩ làm hiệu trưởng, danh nghĩa là tiến sĩ nhưng ông đó thì ở tận đâu đâu. Đội ngũ giáo viên gần như chưa có gì, như thế sinh viên nào dám nghĩ dạy họ thành người được?” nguyên Phó thủ tướng, GS. Trần Phương nói.

Lãnh đạo trường Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cũng nhấn mạnh lại rằng, rất nhiều tỉnh không đủ năng lực để mở trường đại học, vì có những trường muốn có một chức danh giáo sư làm Hiệu trưởng nên mời một giáo sư không liên quan tới các ngành đào tạo của trường về làm Hiệu trưởng cho “oai”.

Bây giờ gần như tỉnh nào cũng có trường đại học, nhưng tôi nói thật 10-20 nữa những tỉnh đó vẫn chưa hình thành trường đại học được là vì vẫn thiếu giáo viên, tuy nhiên chỉ xây cơ sở vật chất thì tỉnh thừa sức”.

GS. Trần Phương cũng cho rằng, ngay cả các trường công lập hiện nay, đặc biệt là 100 trường công lập ở các tỉnh thậm chí 10 năm nữa vẫn chưa thành... trường. Vấn đề chất lượng kém này Bộ GD&ĐT xử lí như thế nào? Quan điểm của GS. Trần Phương hiện nay chúng ta đang ham mở trường công lập theo tình trạng này thì chỉ là hình thức, vấn đề này Bộ GD&ĐT phải kiểm điểm xem có hình hình thức không, có phải chịu áp lực đối với cấp tỉnh không?==> Tràn lan thành lập trường đại học, cao đẳng

Trường công có đáng bao cấp 70% học phí?

GS. Trần Phương thẳng thắn đề nghị cần phải xem lại trường công có đáng phải bao cấp 70% học phí nữa không, vì thực tế đất nước chỉ dành 20% ngân sách cho giáo dục, con số đó là tối đa không thể hơn được, chúng ta cũng phải xem lại tiêu tiền vào việc gì cho hợp lí, và nếu dùng tiền như hiện nay nền giáo dục đất nước khó tiến lên được.

“Hai lần, Đại hội X và XI Bộ Chính trị có mời tôi lên phát biểu, tôi nói rằng không có một nước nào mà bắt trẻ con phải nộp học phí, vậy mà ta trẻ từ mầm non trở lên đã phải đóng học phí, nhà nước không làm tròn trách nhiệm của mình, thu thuế của dân ít nhất tất cả Chính phủ trên thế giới này đều bảo đảm cho trẻ con từ mẫu giáo lên tới tiểu học được đi học miễn phí” GS. Trần Phương bức xúc.

tuyển sinh

Kiến nghị xóa bao cấp học phí trường công lập

Nếu như 20% ngân sách đó chúng ta bảo đảm cho trẻ con không phải nộp học phí và nhiều thứ khác thì tự hỏi chúng ta còn bao nhiêu tiền? Hiện nay chúng ta bao cấp cho tất cả sinh viên trường công lập 70%, chưa kể nhà nước bỏ tiền ra để xây trường, câu hỏi của GS. Trần Phương, nếu còn giữ bao cấp này thì thử hỏi giáo dục tiến lên bằng cách gì?

Từ đó, ông đưa ra một giải pháp, theo đó, tất cả các trường công lập đều phải yêu cầu phụ huynh đóng tiền chi phí đào tạo cho con em  mình, trừ một số ngành đặc biệt chứ không phải trường đặc biệt. Kể cả ĐHQG cũng không bao cấp.

Trường công nhà nước không cấp tiền nữa, có cơ sở đó là quá quý rồi, cứ chiêu sinh nhưng mà phải tự thu tự chi. Hội nghị Trung ương lần này hãy tự giải phóng khỏi bao cấp cho các trường công lập, chỉ bao cấp hay cấp học phí cho những ngành nghề mà nhà nước đặc biệt quan tâm. VD đào tạo Kĩ sư nguyên tử, ngành này cần tuyển người giỏi vào cấp học bổng hoàn toàn, kể cả kinh phí ăn. Còn tất cả các trường công như ĐH Thương Mại, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương thì thu học phí như trường NCL, phải làm dứt khoát như vậy” GS. Trần Phương đề nghị.

Nhiều chuyên gia giáo dục từng khẳng định 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục hiện nay không thể bao cấp cho toàn hệ thống. Quan điểm này cũng được ông Vũ Ngọc Hoàng – Phó ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương ủng hộ, cần phải mở rộng hình thức xã hội hóa giáo dục, cả xã hội chung tay làm giáo dục, từ đó mới có nguồn lực phát triển cho giáo dục, đảm bảo nguồn nhân lực để tiến tới công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước vào năm 2020.

Nhưng cũng nhiều người lầm tưởng rằng, xã hội hóa giáo dục đơn thuần là mở ra các trường ngoài công lập (NCL), xã hội hóa không chỉ lập ra hơn 80 trường NCL mà xã  hội hóa trước hết phải áp dụng chính trong hệ thống các trường công lập (toàn dân muốn đào tạo con em mình phải bỏ chi phí, nếu ai nghèo không có tiền đi học thì đã có nhà nước cho vay).

“Trường tôi học phí hơn 9 triệu/năm nhưng sinh viên vẫn vào ào ào. Tôi cho rằng tư tưởng bao cấp quá nặng nề ở lãnh đạo nên không dám chuyển hướng, vì thế 20% ngân sách sẽ ngồi im, không phát triển được. Tôi cảnh báo, nếu lãnh đạo không chuyển hướng thì đại học không phát triển” GS. Trần Phương khẳng định.

Sinh viên tất cả các trường công trừ một số ngành trọng điểm thì nhà nước không bao cấp, phải nộp học phí. Phải mở rộng trường NCL, hiện chúng ta mới có 80 trường có đáng gì. Malaysia có 600 trường NCL, tôi biết Nhật Bản 80% sinh viên là NCL mà vẫn tốt như thường.

Trường NCL là những ai, toàn những giáo sư bạc đầu dạy công lập, về hưu còn sức khỏe thì vào các trường NCL làm. Các vị Thứ trưởng, Bộ trưởng về hưu cũng nên mở trường NCL để cho dân tận dụng được trí tuệ của các vị”.

Theo Báo Giáo dục, tin gốc