Xóa bỏ cơ chế nhà nước hà hơi, tiếp sức cho các trường đại học 

Ngày 21/9, Hiệp hội các trường Đại học Cao Đẳng Việt Nam tổ chức Tọa đàm đóng góp ý kiến sửa đổi về các luật giáo dục tại Trường Đại học Thăng Long, Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, Giáo sư Trần Hữu Nghị - Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng đã đưa ra quan điểm về nhiều vấn đề liên quan đến Luật Giáo dục Đại học.

Trước hết, Giáo sư Trần Hữu Nghị đề nghị ban soạn thảo sửa luật Giáo dục Đại học phải làm sao sử dụng được ngay tránh quy định chung chung, dẫn đến việc luật ban hành còn phải chờ thông tư hướng dẫn, công văn chỉ đạo mới áp dụng được.

Vấn đề Giáo sư Trần Hữu Nghị quan tâm đầu tiên là quan điểm về tự chủ. Ông cho rằng, tự chủ là quyền lợi chứ không phải trách nhiệm của các trường đại học. Luật Giáo dục Đại học cần thể hiện rõ quan điểm này.

Lý giải về ý kiến của mình, Giáo sư Nghị phân tích: “Tự chủ phải là quyền lợi chứ không phải là nghĩa vụ có nghĩa nhà nước không bắt buộc bất cứ một cơ sở giáo dục công lập nào thực hiện tự chủ cả.

Mà tự chủ là trách nhiệm, thuộc tính của cơ sở giáo dục đại học không tách rời. Bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải xem đó là đương nhiên”.

Qua ý kiến phát biểu của Hiệu trưởng Trường Đại học Dân lập Hải Phòng có thể thấy rằng, nhà nước không thể mãi nuôi nấng, bao bọc, chịu trách nhiệm tất cả các cơ sở giáo dục đại học.

Làm như vậy, các trường đại học sẽ mãi không thể phát triển lên.

Trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi cần thiết bổ sung trên tình thần, “nhà nước không chịu trách nhiệm mà giao các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm”.

Phải xóa được tình trạng các trường Đại học dựa mãi vào kinh phí và nguồn ngân sách của nhà nước. Để thay bằng chính sách, “nhà nước nắm vai trò định hướng trong các cơ chế, chính sách, nắm trọng trách đảm bảo các cơ sở giáo dục luôn thực hiện được trách nhiệm với cộng đồng”.

Nói cách khác, các trường đại học phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm, giải trình tất cả những vấn đề đối với nhà nước và đối với xã hội.

Đừng mãi phân biệt sinh viên trường công và trường tư
Giáo sư Trần Hữu Nghị

Trong bài phát biểu của mình, Giáo sư Trần Hữu Nghị cũng rất quan tâm nguyên tắc cơ chế, kinh phí từ ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ của nhà nước đối với người đi học ở các cơ sở giáo dục đại học.

Theo Giáo sư Trần Hữu Nghị, nguyên tắc cơ chế, kinh phí ngân sách hỗ trợ người học đại học của nhà nước chưa rõ ràng, chưa cho thấy được sự công bằng đối với người đi học ở các cơ sở giáo dục đại học.

Trong bối cảnh cơ sở giáo dục đại học có nhiều cơ quan chủ quản khác nhau như trường công, trường tư….thì vấn đề ngân sách của các trường thực tế có những sự khác biệt, có sự mất công bằng giữa các trường, giữa người học ở các trường.

Giáo sư Nghị chỉ rõ: “Trong khi, Điều 16 của Hiến pháp nước ta quy định: “Mọi người có quyền bình đẳng trước pháp luật và không ai bị phân biệt đối xử về đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội”.

Tuy nhiên, sinh viên các trường đại học Việt Nam đang gián tiếp bị phân biệt đối xử do chính sách, ngân sách, do vốn ưu đãi và các hỗ trợ khác về giáo dục của nhà nước.

Đối với trường ngoài công lập, từ mầm non cho đến đại học do không được cấp ngân sách nhà nước nên người học ở đây nhiều năm qua không được hưởng sự ưu đãi của nhà nước.

Không những thế, sinh viên các trường ngoài công lập còn chịu đóng nhiều chính sách thuế như thuế ký túc xá, thuế ăn uống, thuế gửi xe trong trường…thậm chí, phải chịu thuế đất của nhà nước.

Cũng là công dân của một nhà nước, cũng là sinh viên tại sao họ phải chịu hoàn toàn kinh phí đào tạo, phải đóng thuế, phải trả thuế trong khi người học các trường công thì không. Sự khác biệt này là vô lý và có thể tạo ra sự bất ổn trong xã hội về sau”.

Trước thực trạng trên, theo Giáo sư Trần Hữu Nghị đề nghị bổ sung vào Luật Giáo dục Đại học các vấn đề như: “Luật phải làm rõ nguyên tắc cơ chế cấp kinh phí, nguyên tắc hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục đại học.

Phải làm sao, các nguyên tắc đó đảm bảo được sự minh bạch, bình đẳng, tương xứng với quyền lợi, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học.

Có thể sử dụng cơ chế hợp đồng, đặt hàng đào tạo với các trường ở một số ngành. Các trường được đặt hàng phải công khai trên cơ sở tiêu chí, năng lực đào tạo không phân biệt trường công hay trường tư”.

Bên cạnh minh bạch cơ chế hỗ trợ tài chính đối với các cơ sở giáo dục đại học, vị chuyên gia này còn cho rằng cần thiết trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi phải làm rõ nguyên tắc cơ chế hỗ trợ kinh phí đối với người học trong các trường đại học.

Ngoài ra, Luật phải cụ thể hóa được các chế tài quản lý, ưu đãi nhà nước đối với các trường đại học tư thục hoạt động vì lợi nhuận hoặc không vì lợi nhuận.

Luật mới phải thể hiện đậm nét chủ trương của nhà nước trong việc khuyến khích các trường hoạt động không vì lợi nhận phát triển.

Cần quy định rõ ràng, đặc biệt các tiêu chí công nhận trường không vì lợi nhuận và trường hoạt động vì lợi nhuận. Trách nhiệm và quyền lợi của mỗi mô hình.

Trường vị lợi nhuận có thể coi như doanh nghiệp tư nhân. Còn trường không vì lợi nhuận coi như doanh nghiệp xã hội, phúc lợi cộng đồng.

Theo Giáo dục