Bộ Giáo dục - Đào tạo đã bất lực?!

Yêu cầu thí sinh phải chịu trách nhiệm tố cáo tiêu cực, liệu Bộ GD-ĐT đã thật sự “bó tay” trước nhiệm vụ làm lành mạnh, trong sạch hóa thi cử và dồn gánh nặng này lên vai thí sinh?

Mất bò mới lo làm chuồng

Cuối tháng 12/2012 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo sửa đổi, bổ sung quy chế thi tốt nghiệp THPT, trong đó Khoản 1 Điều 20 của Quy chế được sửa đổi, bổ sung ghi rõ: “Thí sinh được mang bút viết, thước kẻ, bút chì đen, tẩy chì, êke, thước vẽ đồ thị, dụng cụ vẽ hình”.

Như vậy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ không cấm thí sinh mang các thiết bị như camera hay máy ảnh vào phòng thi, nhằm mục đích tố cáo tiêu cực (nếu có) xảy ra trong quá trình thi.

Sau khi vụ gian lận trong thi cử tại trường THPT DL Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang) được phanh phui, hàng loạt các clip tố cáo việc giám thị tiếp tay cho việc quay cóp của học sinh được tung lên mạng Internet, các cơ quan quản lý đều tỏ ra “bối rối” trong việc xử lý công và tội của thí sinh quay clip. Ngay sau đó, Bộ GD-ĐT đã phát ra thông báo sẽ cho phép thí sinh mang máy quay vào phòng thi nhằm "minh bạch hóa công tác tuyển sinh".

chong tieu cuc, quay phim, thiet bi quay phim, ghi am, thiet bi ghi am, tieu cuc thi cu, petrotimes

 

"Sự cố Đồi Ngô" khiến nhiều nhà quản lý "bối rối".


Cụ thể, Bộ GD-ĐT cho phép thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình không có chức năng phát hình và xem lại tại chỗ vào phòng thi. Thí sinh có thể kiện giám thị nếu họ bị đình chỉ thi vì mang các thiết bị được phép vào phòng thi, còn nếu để xảy ra vi phạm thì giám thị lại bị kỷ luật.

Tuy nhiên, ngay từ tháng 7/2012, sau khi “sự cố Đồi Ngô” vừa diễn ra, thông báo của Bộ GD-ĐT đã vấp phải sự phản ứng của dư luận xã hội. Phần lớn ý kiến đều cho rằng quy định này không những không giúp giám sát tiêu cực mà còn tiếp tay cho nhiều tiêu cực khác nảy sinh, bởi có thể làm lộ đề thi và gây khó khăn cho trường trong coi thi.

Thế nhưng, trong dự thảo mới nhất bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành, Bộ đã chính thức cho phép camera, máy ảnh được “đồng hành” cùng thí sinh trong quá trình thi tốt nghiệp THPT.

Đặt gánh nặng lên vai thí sinh

Lý do mà Bộ GD-ĐT đưa ra Dự thảo bổ sung Quy chế thi tốt nghiệp THPT hiện hành nhằm “tăng cường các biện pháp chống tiêu cực trong tổ chức thi, góp phần làm trong sạch, lành mạnh hóa thi cử”.

Bên cạnh đó, người cung cấp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực của thông tin và bằng chứng đã cung cấp. Đặc biệt, thông tin và danh tính của người cung cấp thông tin sẽ được bảo mật.

Dự thảo của Bộ GD-ĐT đưa ra, thoạt nhiên có vẻ nâng cao vai trò của thí sinh và “nới rộng” quy định trong thi cử đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT, với mục đích “lành mạnh hóa thi cử”. Tuy nhiên, trên thực tế, Bộ đã đặt thêm một gánh nặng lên vai những học sinh cuối cấp.

Cần khẳng định, nhiệm vụ của học sinh là học và thi, chứ không phải mang camera, máy ảnh vào phòng thi để giám sát giám thị và các thí sinh khác. Thật khó có thể tưởng tượng cảnh một thí sinh bước vào kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp lỉnh kỉnh những thiết bị ghi âm, ghi hình cùng ánh mắt dò xét lẫn nhau. Một kỳ thi như vậy, có lẽ không dám gọi là “thành công” hay "suôn sẻ"!

Thêm vào đó, nhìn từ sự cố Đồi Ngô, nguồn cơn của tiêu cực có lẽ không phải ở học sinh mà chính là do chính người lớn, mà cụ thể là các giáo viên, giám thị và các phụ huynh. Xuất phát từ tâm lý đua tranh, sợ thua kém người khác của cha mẹ; xuất phát từ tâm lý “thương” học trò, bệnh thành tích của giám thị, giáo viên và nhà trường đã khiến cho tiêu cực nảy sinh và tồn tại như một căn bệnh dai dẳng từ nhiều năm nay. Căn bệnh cố hữu ấy không thể chữa lành bằng việc “dồn” trách nhiệm vào tay học sinh.

Ngay cả cậu học sinh Đỗ Ngọc Sơn – người trực tiếp quay các clip tố cáo tiêu cực tại trường THPT DL Đồi Ngô, có lẽ cậu bé ấy cũng chỉ bị người lớn sai bảo chứ không nghĩ tới việc làm “trong sạch, lành mạnh hóa thi cử”, cậu bé chỉ biết học và thi như bao bạn bè cùng trang lứa khác. Thế nhưng “nhờ” người lớn, cậu đã nổi tiếng một cách bất đắc dĩ và cũng lo sợ, hoảng hốt trước thông tin sẽ bị kỷ luật, trượt tốt nghiệp.

Tiêu cực trong thi cử xuất phát từ căn bệnh thành tích dai dẳng nhiều năm nay, thử hỏi Bộ GD-ĐT với đầy đủ các ban bệ, các chuyên viên đã không thể chữa lành được; vậy các học sinh cuối cấp, những đứa trẻ chưa đầy 18 tuổi, chúng sẽ chữa bằng cách nào?!

Thiết nghĩ, đối với dự thảo lần này, Bộ GD-ĐT đã trốn tránh nhiệm vụ chính của mình và đẩy trách nhiệm tố cáo, hạn chế tiêu cực sang cho các thí sinh. Đó không phải việc của học sinh, mà chính là nhiệm vụ mà xã hội đã giao cho các ban, ngành của Bộ GD.

Có lẽ, để giải quyết dứt điểm các tiêu cực trong thi cử các cấp, không thể chỉ nhờ một bức ảnh, một đoạn clip mà xong, nó cần sự vào cuộc một cách nghiêm túc của các tầng lớp trong xã hội mà nòng cốt chính là Bộ GD-ĐT.

Dư luận vẫn đang chờ đợi vào việc xây dựng quy chế cho những kỳ thi nghiêm túc, một đội ngũ giáo viên trong sạch và một đội ngũ thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm; chứ không phải một vài dự thảo, quy định chỉ có tác dụng… trên giấy.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn

Kenhtuyensinh

Theo: báo Petrotimes