Sự kiện: Giáo dục, thi cử, tuyển sinh, thi đại học

Đề thi bám sát chương trình THPT, chủ yếu lớp 12, có tiếp nối kiến thức lớp 10, 11.

Ngày 3-7, đợt 1 kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013 chính thức bắt đầu. Thí sinh khối A, A1 và V sẽ đến trường làm thủ tục dự thi. Điểm mới năm nay dễ khiến thí sinh nhầm lẫn là thứ tự các môn thi đã thay đổi so với các năm trước. Bộ GD&ĐT cũng tìm phương án mới để xác định điểm sàn.

Giáo viên phổ thông cùng ra đề ĐH, CĐ

Thưa ông, đề thi tuyển sinh năm nay ra theo hướng nào để đảm bảo tính phân hóa, sàng lọc thí sinh?

+ GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT: Đề thi được xây dựng trên nguyên tắc nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12, bao quát toàn bộ chương trình, kiến thức đã học. Đề thi không quá khó, không quá dài, không đánh đố thí sinh và không ra vào những phần đã được giảm tải, những phần đã cắt bỏ hoặc đã chuyển sang phần đọc thêm. Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý, những phần kiến thức lớp 12 có tính tiếp nối từ lớp 10, 11 phải được ôn tập kỹ vì có thể sẽ nằm trong nội dung đề thi.

Do đề thi bao quát toàn bộ chương trình nên có tính phân loại cao, đòi hỏi thí sinh phải biết xâu chuỗi kiến thức theo vấn đề, biết cách phân tích, lập luận tốt. Đề thi sẽ có một phần dễ để thí sinh trung bình làm được. Kế tiếp là tương đối khó hơn dành cho thí sinh khá và một vài câu rất khó dành cho thí sinh giỏi.

Đề thi đại học sẽ bám sát chương trình THPT
GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT:

Làm sao định lượng được đề thi không quá khó, không đánh đố, thưa ông?

+ Năm nay Bộ chọn thầy, cô dạy phổ thông chiếm đa số trong Ban Đề thi vì họ nắm được trình độ thí sinh, khả năng làm bài của thí sinh và chọn hướng ra đề phù hợp. Mặt khác, trong Ban Đề thi có thầy, cô dạy ĐH để các thầy, cô biết được yêu cầu, trình độ như thế nào thì mới có thể học được ĐH, CĐ.

Các môn khoa học xã hội có tiếp tục ra theo hướng mở?

+ Đề mở mang tính ứng dụng cũng sẽ được áp dụng trong đề thi tuyển sinh, giúp thí sinh ngoài kiến thức cơ bản còn có những suy luận, ứng dụng trong thực tiễn… Đề thi như vậy thì học thuộc lòng, học vẹt không có tác dụng. Không chỉ đối với đề thi môn ngữ văn, các môn thi tự luận cũng sẽ ra đề mở để phát huy tính sáng tạo, thể hiện năng lực tư duy, suy nghĩ… của thí sinh.

Đề thi đại học sẽ bám sát chương trình THPT
Thí sinh chỉnh sửa giấy báo dự thi tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Ảnh: QUỐC DŨNG

Sẽ thay đổi trong xác định điểm sàn

Thưa ông, phương án điểm sàn năm nay được Bộ xây dựng như thế nào?

+ Mọi năm xây dựng điểm sàn trước hết dựa vào tổng chỉ tiêu của các trường ĐH, CĐ, trong đó có lưu ý chế độ ưu tiên đối tượng, khu vực. Mặc dù số lượng trên điểm sàn dôi dư rất lớn nhưng các trường địa phương, trường ngoài công lập vẫn tuyển sinh khó khăn do thí sinh không dịch chuyển từ thành phố lớn về địa phương, hoặc do các trường chưa khẳng định được thương hiệu, chưa tạo được sức hút đối với thí sinh.

Do đó, năm nay sẽ có thay đổi trong nguyên tắc xác định điểm sàn. Điểm sàn không nhất thiết phải bám vào chỉ tiêu, nên số lượng trên điểm sàn có thể dư nhiều hơn nữa nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Hội đồng xác định điểm sàn dựa vào phổ điểm, vào kết quả làm bài của thí sinh… sẽ họp để tư vấn trình bộ trưởng quyết định một mức điểm sàn chính thức cho năm 2013 phù hợp với các khối thi.

Đọc lướt đề, chọn câu dễ làm trước

Khi làm bài, thí sinh phải lướt qua một vòng đề thi để chọn câu dễ làm trước, còn thời gian thì làm câu khó. Đề thi đảm bảo một dải độ khó, dễ nên tùy theo trình độ, thí sinh không nhất thiết phải làm được toàn bộ đề thi vì đáp án, barem chấm thi đều chi tiết tới 0,25 điểm. Do đó thí sinh không nên bỏ sót  những câu hỏi có thể làm được.

Với cách ra đề thi hiện nay thì học vẹt, học tủ không còn tác dụng nữa nên thí sinh phải học bao quát, biết hệ thống kiến thức. Ba đợt thi ĐH, CĐ trong thời gian ngắn, thí sinh cần chú ý tập trung để hệ thống lại kiến thức đã học và không nên đi luyện thi để ảnh hưởng sức khỏe. Khi vào phòng thi, thí sinh phải bình tĩnh và tuân thủ các quy chế phòng thi. Không được mang các thiết bị cấm vào phòng thi. Nếu mang điện thoại di động, cũng như các thiết bị công nghệ cao vào phòng thi thì lập tức sẽ bị đình chỉ thi dù có sử dụng hay không.

GS-TSKH BÙI VĂN GA, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Theo Báo Giáo dục Việt Nam