Sự kiện: GIÁO DỤC | KHOA GIÁO | HỌC ĐƯỜNG
Bốn, năm năm học đại học, ra trường với tấm bằng loại ưu nhưng nhiều sinh viên vẫn long đong tìm việc mà chưa đâu vào đâu.
Bằng ưu về quê...làm hương vòng
Tốt nghiệp Trường CĐ Y tế Ninh Bình với bằng giỏi, Thảo hăm hở mang hồ sơ đi đến các bệnh viện nhưng rồi 4,5 lần cứ mang hồ sơ đi lại mang về. Bệnh viện lớn không được, Thảo xin vào làm tư nhân ở các phòng khám.
Làm việc cho phòng khám của Trung Quốc được 2 tháng, Thảo xin nghỉ. Bác sĩ chính ở đây là người Trung Quốc mà cô cũng không giỏi ngoại ngữ vì thế việc giao tiếp, trao đổi công việc hàng ngày bi hạn chế.
Công việc tại phòng khám thường xuyên phải làm đến tối lại làm cả thứ bảy, chủ nhật mà lương lại thấp nên Thảo quyết định thôi việc..
Thảo nộp thêm 2 cơ sở tư nhân ở đường Giải Phóng nhưng cũng vì lý do “ma cũ bắt nạt ma mới” mà lương ba cọc ba đồng, được gần 2 triệu/tháng. Suy đi tính lại, tiền xăng xe, tiền ăn trưa, tiền nhà trọ nên Thảo quyết định về nhà kiếm việc ở quê....nối nghiệp làm hương vòng.
Hùng tốt nghiệp bằng khá ĐH xây dựng, chật vật mang tấm bằng đi xin các nơi nhưng đến công ty nào cũng nhận được câu hỏi: “ Đã đi làm ở đâu chưa? Chỉ nhận nếu có kinh nghiệm làm việc được trên 6 tháng”.
Hùng là con của một gia đình khá giả, không phải lo lắng đến kinh tế nhiều. Vì vậy, trong suốt quãng thời gian trên giảng đường ĐH, cậu không đi làm thêm ở bất cứ đâu. Đến tháng về quê, bố mẹ chu cấp tiền từ A đến Z.
Hùng không va chạm với cuộc sống, khó khăn hay thử làm bất cứ công viêc nào liên quan đến ngành đang theo học. Ra trường, kiến thức sách vở thì có nhưng kinh nghiệm để áp dụng vào thực tế công việc thì Hùng còn non nớt.
Bơ vơ đi xin việc, mà họ ưu tiên những người có kinh nghiệm trên 6 tháng, với Hùng đây là thử thách lớn.
Hùng quyết định xin bố mẹ ít vốn, rủ thêm 2 người bạn cùng học hồi cấp 2 bàn nhau mở quán sữa ngô và đồ ăn vặt sau cạnh mấy trường tiểu học, THCS đường Trần Bình (Cầu Giấy)...chờ cơ hội.
Nhạy cảm khi nói đến “việc làm”
Thu Hương, tốt nghiệp bằng giỏi chuyên ngành kinh tế (Trường ĐH Kinh tế quốc dân). Cầm tấm bằng đỏ - Hương nộp hồ sơ xin việc tại 6 ngân hàng và nhận được lời hứa hẹn: “Em cứ để hồ sơ tại đây, khi nào có kết quả ngân hàng sẽ thông báo”.
Hơn 1 năm ra trường, Hương đã lọ mọ đi khắp các nơi tìm việc nhưng cho đến tận bây giờ vẫn thất nghiệp. Quanh quẩn ở nhà phụ giúp gia đình bán quán giải khát ở cạnh trường cấp 3.
Lớp ĐH của Hương cũng có không ít trường hợp bằng giỏi ra trường mà vẫn long đong với hai chữ “công việc”. Ngọc là trường hợp như thế.
Ra trường cùng nhau, cũng là đôi bạn thân cùng tiến trong suốt 4 năm trên giảng đường ĐH nhưng cho đến thời điểm này mỗi khi gặp nhau hai người lại thở ngắn, than dài cho số phận.
“Có khi tớ bỏ quách Hà Nội để về quê xin việc, làm văn thư ở xã cũng được. Tuy lương thấp không đủ sống nhưng vẫn còn có gia đình hỗ trợ thêm chứ ở thành phố cứ vật vờ hơn năm nay rồi mà chẳng đâu vào đâu. Tháng nào cũng phải trăn trở lo trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước sinh hoạt…” - Ngọc than thở.
Ngọc tốt nghiệp cử nhân kinh tế, ra trường cũng toán loạn đem hồ sơ đến các nhà tuyển dụng nhưng cũng được trả lời những câu tương tự như: “ Cần có kinh nghiệm làm việc” hoặc “ Cứ về, bao giờ có kết quả công ty sẽ gọi điện lại”.
Có thời gian, cô mang tấm bằng ra một salon cắt tóc, gội đầu để xin làm kế toán ở đó. Lương tháng cũng được gần 2 triệu, đỡ đần một phần cho sinh hoạt hàng ngày mà không phải xin trợ cấp thêm của gia đình.
Một lần, có người quen ở quê lên cắt tóc đúng quán cô làm việc và về xì xào ầm ĩ với mấy người cùng làng. Người nhà quê thấy sao nói vậy, có câu chuyện nhỏ như con kiến lại tam sao thất bản lên thành con voi khi gặp nhau ở đầu chợ: “ Con nhà ông Y, bà B học hành gì đâu, thấy làm ở quán cắt tóc gội đầu trên Hà Nội, tưởng thế nào, ai dè…”. Họ xách mé nọ kia. Sau lần đó, Ngọc bị bố mẹ gọi về quê cấm đoán nên cô quyết định nghỉ việc.
Mỗi khi có người hỏi: “ Thế đã xin được việc làm chưa?”, Ngọc lại cáu gắt và phủi tay chán nản: “ Xin mọi người đừng ai nói đến hai chữ “việc làm” trước mặt cháu trong thời điểm này với ạ”.
Thảo, Hùng, Hương, Ngọc chỉ là bốn trong số vô vàn những sinh viên tốt nghiệp loại ưu mà vẫn chật vật với nghề nghiệp. Để thời gian chết là sai lầm hết sức nghiêm trọng. Mỗi công việc sẽ cho bạn không ít thì nhiều những kỹ năng nhất định. Vì thế thay vì đợi cơ hội đến các bạn hãy tự tạo cơ hội cho chính bản thân mình.
Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn |
Kenhtuyensinh
Theo: Báo Vietnamnet