Cần loại bỏ định kiến

Giờ học tiếng Anh tại một trường THCS ở TP.HCM. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Tăng thời lượng lên 6 - 12 tiết/tuần


Theo tiến sĩ Nguyễn Quốc Toàn, Phó giám đốc Ernst & Young VN, chúng ta cần một “cuộc cách mạng” về dạy và học tiếng Anh. Một cuộc cách mạng về suy nghĩ, cách tiếp cận cũng như loại bỏ những định kiến.

Nên bắt đầu bằng một thay đổi nhỏ nhưng chủ chốt dẫn đến những phản ứng dây chuyền lớn. “Tôi xin đề nghị đừng coi việc học tiếng Anh là học ngoại ngữ nữa. Hãy biến việc dạy tiếng Anh trở thành một việc cấp thiết, có tính sống còn như dạy tiếng mẹ đẻ ở VN. Cả nhiệm kỳ của một Bộ trưởng Bộ GD-ĐT chỉ cần dành để xóa “nạn mù chữ” tiếng Anh là đủ”, ông Toàn nhấn mạnh. Theo ông Toàn, chỉ cần một thay đổi nhỏ là dạy tiếng Anh ngay từ lớp 1, tăng 6 - 12 tiết một tuần. “Số lượng tăng sẽ tạo ra động lực chọn những giáo trình tốt và hiệu quả hơn. Giáo viên và nhà trường sẽ biết cách dạy thế nào, triển khai ra sao khi số giờ dạy tăng lên gấp ba lần. Cha mẹ học sinh cũng sẽ tiết kiệm hàng nghìn tỉ đồng gửi con đi học tiếng Anh ở ngoài và đưa đón con đi học thêm”, ông Toàn phân tích.

Ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ tịch HĐQT Trường TH-THCS-THPT Việt Mỹ (VASS), cho biết: “Hiện nay giáo viên dạy tiếng Anh và chương trình không đạt chuẩn. Chương trình quá nặng nề về ngữ pháp và vẫn duy trì cách dạy cổ điển. Thời lượng tiếp cận tiếng Anh cũng quá ít thì dễ dẫn đến thất bại”, ông Bảo nói.

Người thầy sử dụng được tiếng Anh


Tiến sĩ Giáp Văn Dương, người xây dựng trường học trực tuyến GiapSchool, đưa ra 4 nguyên nhân giải thích hiện tượng kết quả điểm thi tiếng Anh thấp. Đó là do thầy, do trò, do nội dung chương trình giáo dục, do phương pháp giảng dạy. Trong đó, ông Dương cho rằng nguyên nhân quan trọng là ở khâu giáo viên chưa đạt chuẩn, nội dung quá khô cứng và xa rời thực tế, học sinh học bằng sách giáo khoa phổ thông không sử dụng được, dần dà sẽ trôi đi mất. Phương pháp giảng dạy ở phổ thông cũng không phù hợp.

“Để thay đổi, mấu chốt là ở người thầy. Phải tìm ra phương pháp nào đó đào tạo người thầy “sử dụng” được tiếng Anh, không phải người trung gian truyền tải ngữ pháp và từ vựng tiếng Anh cho học trò. Qua đó mới dạy được học sinh cách sử dụng tiếng Anh. Họ sẽ tự tìm nội dung chương trình tốt, thay đổi cách dạy theo cách tốt nhất cho học trò của mình. Đề án 2020 cũng quan tâm đến việc này nhưng đào tạo người thầy theo cách cũ, vẫn bám sát nhiều điều cũ. Hiện nay đề án đã đi được 2/3 chặng đường mà kết quả chưa thay đổi được bao nhiêu. Tôi e ngại rằng đề án này sẽ bị thất bại”, ông Dương nói.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ, cho rằng nếu thay đổi cùng lúc nhiều thứ thì hệ thống sẽ không làm nổi. Cốt lõi là tạo nên sự hứng thú học tiếng Anh của học sinh. Muốn như thế, cốt lõi vẫn là tự do cho người thầy, không quản lý theo kiểu quá hành chính thì chính người thầy sẽ biết làm gì cho học sinh thú vị.

Kỹ năng đọc kém


Hiện nay, học sinh học ngoại ngữ, chủ yếu là tiếng Anh, không chỉ học trong nhà trường mà còn theo học ở các trung tâm ngoại ngữ. Ở đó chương trình học hướng đến sự phát triển 4 kỹ năng, chú trọng giao tiếp, thế nhưng đề thi lại không thể kiểm tra được trình độ nghe nói của thí sinh. Ngoài ra, hầu hết học sinh bây giờ rất yếu từ vựng nên khả năng đọc kém.


Cao Huy Thảo (Nguyên hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM)

Đề thi chưa kiểm tra đủ 4 kỹ năng


Đề thi năm nay có sự phân hóa cao, 2 bài đọc hiểu (chiếm 30 câu) và phần bài luận, chỉ những thí sinh sử dụng điểm thi vào ĐH mới đầu tư để trả lời, còn lại chủ yếu làm “lụi” hoặc bỏ trống. Xu thế học ngoại ngữ trong nhà trường cũng cố gắng hướng học sinh đến việc phát triển 4 kỹ năng, nhưng đề thi chỉ dừng lại ở việc lồng ghép một vài tình huống giao tiếp hằng ngày chứ không thể kiểm tra được kỹ năng nghe và nói.


Lê Thanh Tùng (Tổ trưởng tổ tiếng Anh Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, TP.HCM)

 

Theo Thanh niên, nguồn: http://thanhnien.vn/giao-duc/can-loai-bo-dinh-kien-727606.html