Tin tức: GIÁO DỤC / DU HỌC / TUYỂN SINH / HỌC BỔNG / TRƯỜNG QUỐC TẾ

Dù đa phần trường học và ký túc xá đều có phòng y tế nhưng xem ra hoạt động cho có chứ chưa mấy quan tâm đến nhu cầu có thực của học sinh - sinh viên (SV).

Cửa đóng then cài

Chúng tôi đến trạm y tế của Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM vào lúc 15 giờ 30 ngày 11.9. Dù vẫn còn trong giờ hành chính nhưng cửa khóa then cài. Ghé qua phòng cấp cứu, gõ cửa nhưng chẳng thấy ai lên tiếng. Nếu chẳng may vào thời điểm đó có SV bị cấp cứu đưa đến trạm thì không biết phải kêu ai, vì ngay tại đây không có bất kỳ một thông tin hay số điện thoại nào để SV liên lạc.

Nguyễn Thị Vân Anh (SV năm 2, Khoa Quản lý đất đai) cho biết: “Lần nào bị nhức đầu, cảm cúm đến trạm y tế xin thuốc uống cũng thấy khóa cửa cả”. Theo các SV, trường hợp có bác sĩ trực thì cũng khám rất sơ sài, qua loa. Lê Mỹ Ngọc (SV năm 2) nhớ lại: “Khoảng tháng 10 hay tháng 11 năm ngoái, một bạn học chung lớp của mình bị đau bụng. Bạn bè chuyển xuống trạm y tế, có y bác sĩ khám qua loa rồi cho nằm ở đó, không thấy họ nói gì cũng không làm giấy chuyển viện. Thấy nhỏ bạn đau quá nên bạn bè chở nó qua Bệnh viện đa khoa Thủ Đức”.

 

Chất lượng y tế học đường đến đâu, Phòng y tế trong trường học, thanh niên, tuyển sinh, sức khoẻ học đường

 

Hàng chục năm nay, ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nơi có khoảng 1.500 SV ở nội trú, không có trạm y tế để phục vụ SV. Nguyễn Thị Thu Hồng (SV năm 4, Khoa Địa lý) bức xúc: “Mong ước của hầu hết SV trong khu nội trú là sớm có trạm y tế. Mình luôn có ý kiến cần xây dựng một trạm y tế, nhưng dường như những kiến nghị của SV không “đủ đô”, nên nó đã bị rơi vào quên lãng”.

Ký túc xá ĐH Ngân hàng TP.HCM hiện có 3.000 SV nội trú nhưng trạm y tế cũng không có người trực 24/24 giờ.

Phòng đa năng

Không riêng gì ĐH, các học sinh phổ thông cũng học tập trong môi trường thiếu hụt điều kiện chăm lo sức khỏe. Theo thống kê và nhận định của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay 100% trường học đều có phòng y tế hoặc góc y tế nhưng nhiều năm qua không thể hiện được vai trò của mình.

Đến Trường tiểu học Phan Văn Trị (Q.1), nhìn khắp 2 dãy nhà, chúng tôi chỉ thấy bảng gắn tên các lớp học, phòng chức năng, thư viện văn phòng. Vô tình bước vào phòng chuyên môn, nhìn sâu vào trong mới thấy phòng y tế! Một phụ huynh lớp 2 của trường này cho hay: “Tôi chả biết phòng y tế nằm ở chỗ nào, khi con bị bệnh, tôi cho thuốc vào cặp và dặn cháu uống sau bữa ăn, vậy thôi”.

Còn tại một trường mầm non khá nổi tiếng tại Q.5, phòng y tế nằm lọt thỏm trong văn phòng và dường như chỉ có chức năng chứa đồ. Phụ huynh nhóm lớp nhà trẻ của trường này phản ánh: “Có hôm cô giáo của con tôi điện thoại báo cháu ngủ dậy thì có hiện tượng mệt, nôn, gọi tôi đến đón cháu về để cho đi khám bệnh. Khi tôi đến thì thấy cháu ngồi trong lớp chờ mẹ mà không hề thấy nhân viên y tế của trường”. Phụ huynh này cho rằng: “Những lúc như vậy rất cần nhân viên y tế ở bên cạnh phòng khi cháu xảy ra điều gì bất thường”.

Hằng ngày, khi vui chơi, hoạt động trong trường học, học sinh không tránh khỏi tai nạn dù nhẹ hay nặng. Thế nhưng một học sinh lớp 7 tại Q.1 cho biết: “Dù phòng y tế có nhân viên nhưng khi tụi em bị chảy máu, chạy vào phòng y tế thì cô đưa cho chai ô xy già kêu tự rửa vết thương”.

Mặc dù được bố trí phòng và bàn ghế, tủ thuốc, giường bệnh nhưng phòng y tế Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình) cũng được dùng làm nơi thu học phí, tiền ăn… vào mỗi đầu tháng.

Quy định mỗi trường ít nhất một cán bộ y tế

Thông tư 35 liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về việc định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập cho phép mỗi trường được một nhân viên y tế học đường.

Năm 2007, văn bản hoạt động y tế trong nhà trường của Bộ GD-ĐT quy định trình độ của cán bộ làm công tác y tế trường học từ trung cấp y trở lên…

Cán bộ làm kiêm nhiệm công tác y tế trường học phải được bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác y tế trường học.

Nhiều nguyên nhân khiến các trường lơ là việc chăm sóc sức khỏe học sinh - sinh viên (HS-SV). Trong đó vẫn là những lý do muôn thuở như thiếu nhân sự, chưa thật sự cần thiết…

Không dám mơ tới bác sĩ

Từ năm 2006, Bộ GD-ĐT đã ra thông tư cho phép mỗi trường biên chế một cán bộ chuyên trách y tế. Tuy nhiên, đã gần 6 năm trôi qua, tại TP.HCM đến nay chỉ có huyện Cần Giờ đạt 100% trường học có cán bộ y tế nhờ chính sách cho vùng sâu vùng xa. Theo thống kê của Sở GD-ĐT đầu năm nay, chỉ khoảng 51% trường có cán bộ chuyên trách, trong đó 2/3 đạt trình độ trung cấp, số còn lại chỉ mới có trình độ trình độ sơ cấp, chưa đạt chuẩn quy định nên không tuyển được vào biên chế. Số trường còn lại, thủ thư, nhân viên phòng thí nghiệm… kiêm nhiệm công tác y tế.

Ông Lê Duy Tân, Trưởng phòng GD Q.2 từng chia sẻ: “Về mặt nhiệm vụ thì cán bộ y tế phải kham nhiều công việc ở trường học như chăm lo sức khỏe cho HS, giáo viên, đảm bảo bữa ăn, lo các dự án của lĩnh vực này, chương trình, sổ sách, hồ sơ… Đặc biệt vào lúc cao điểm dịch bệnh thì công việc của lực lượng này vô cùng vất vả. Thế nhưng hiện nay chế độ lương thấp, cơ hội nâng cao chuyên môn cũng rất hạn chế. Vì lý do đó mà đến nay, Q.2 vẫn chưa thể mời được bác sĩ nào về công tác”.

Ông Lê Nguyên Vịnh, Trưởng phòng GD Q.11 cũng thừa nhận: “Hiện nay Q.11 cũng chỉ mới có khoảng 50% số trường có đội ngũ cán bộ này. Chúng tôi chả dám mơ mời được bác sĩ mà mới chỉ nhắm thấy SV ngành y dược hệ trung cấp nào thì “đặt chỗ”. Thế nhưng ra trường không em nào nhận lời vì đi làm các bệnh viện, phòng khám tư nhân thu nhập cao hơn ít nhất 2 lần”.

Bà Nguyễn Nữ Kim Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mỹ (Q.Bình Thạnh), bùi ngùi kể lại: “Mới năm trước đây, trường tuyển được một cô tốt nghiệp trung cấp y. Nhưng chưa kịp mừng, một tháng sau cô xin nghỉ để đi bán thức ăn nhanh chứ lương 1,5 triệu đồng nhà trường trả không đủ sống”. Trước thực trạng này, bà Trần Kim Thanh, Phó giám đốc Sở GD-ĐT nhìn nhận: “Cán bộ y tế học đường biến động, nghỉ việc liên tục, Sở cập nhật không kịp”.

Cũng có trường bằng mọi cách tìm người lo công việc này. Hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Bình Thạnh tiết lộ: “Để tạo nguồn, trường tuyển một em vừa tốt nghiệp THPT rồi đưa đi đào tạo sơ cấp, trung cấp. Thế nên phòng y tế có đầy đủ dụng cụ nhưng đành phải cất đi”. Như vậy cũng chưa chắc ăn vì theo lãnh đạo một trường THPT ở huyện Củ Chi: “Đến khi có bằng trung cấp rồi, nhiều người lại đi tìm việc ở nơi khác chứ chả chịu gắn bó với trường”.

Trước mắt, để giảm bớt khó khăn khi tuyển dụng, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc sở cho hay: “Về mặt chính sách, Sở đang làm đề án xin UBND TP hỗ trợ cho cán bộ y tế học đường được hưởng lương theo ngạch giáo viên trình độ trung cấp hoặc cao đẳng cùng một số phụ trội khác”.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Bình, Trưởng trạm Y tế Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết: “Chỉ có một bác sĩ và 2 y tá, chúng tôi không thể nào sắp lịch để trực nổi 24/24 giờ. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là việc tuyển dụng nhân sự, Để tuyển được y, bác sĩ làm việc gắn bó lâu dài với trạm y tế của trường cũng rất khó vì mức lương thấp và không có cơ hội tiếp cận với các thiết bị y khoa hiện đại để nâng cao trình độ tay nghề”.

Có bệnh viện xung quanh, đâu cần phòng y tế !

Giải thích về việc phòng y tế các trường ĐH, ký túc xá (KTX) hoạt động không hiệu quả, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh, Trưởng trạm Y tế Trường ĐH Ngân hàng cho biết: “Trạm y tế chỉ có một bác sĩ và 2 y sĩ nên rất thiếu về nhân lực. Hơn nữa, SV thường ở độ tuổi trẻ nên rất khỏe, không có bệnh gì nhiều. Hy hữu lắm mới có một trường hợp đi cấp cứu vào ban đêm. Đối với những trường như thế thì bảo vệ tại những khu nhà nơi các em ở sẽ đưa các em đến bệnh viện cấp cứu”.

Trả lời câu hỏi vì sao không thành lập trạm y tế? Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó giám đốc KTX Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, lý giải: “KTX này nếu có trạm y tế thì tốt hơn nhưng thực ra cũng không cần thiết lắm vì xung quanh đây có rất nhiều bệnh viện. Nếu SV chẳng may có chuyện gì thì chúng tôi đã có đội ngũ bảo vệ trực chiến 24/24 giờ để chở các em đi cấp cứu. Còn bây giờ mà thành lập một trạm y tế thì phải cần ít nhất 3 người (1 bác sĩ, 2 y sĩ) nhưng chưa chắc ê kíp này đã trực nổi 24/24 giờ. Hơn nữa, kinh phí của nhà trường chưa cho phép làm chuyện này”.

Thế nhưng theo một số SV nội trú tại đây, họ gặp nhiều khó khăn khi không có trạm y tế. Nguyễn Thị Phương (SV năm 4), tâm sự: “Bản thân mình và các bạn trong phòng thường hay mắc phải chứng bệnh tuột can xi và đau bụng. Nếu như trong KTX có trạm y tế thì tụi mình đỡ tốn kém và mất công đi bệnh viện”

Tin HOT: ti le choi, ty le choi, du hoc my, du hoc anh, du hoc uc, du hoc singapore, tieng anh, hoc tieng anh, thi tot nghiep, diem thi tot nghiep thpt, diem thi dai hoc, diem chuan dai hoc, diem chuan, diem thi

Kênh Tuyển Sinh (Thanhnien)