TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - THÔNG TIN TUYỂN SINH - BÁO GIÁO DỤC

Tin liên quan:

>> Số lượng tiến sĩ ở Việt Nam tỉ lệ nghịch với chất lượng

>> Việt Nam là lò đào tạo Tiến sĩ

>> Tiến sĩ ngành kinh tế đi đào tạo thiết kế web

 

Số liệu thống kê cho thấy, Việt Nam có nhiều tiến sỹ nhất Đông Nam Á và có rất nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi trí tuệ quốc tế, nhiều nhà khoa học trở thành chuyên gia hàng đầu ở các viện nghiên cứu.

Tuy nhiên cho đến nay, khoa học Việt Nam vẫn được xếp vào khu vực chậm phát triển.

Thực trạng đáng suy ngẫm...

Tại buổi đóng góp ý kiến cho Luật Khoa học công nghệ (KHCN) sửa đổi vừa qua tại Hà Nội, PGS.TS Phạm Bích San, Phó Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết: Không có trường đại học (ĐH) Việt Nam nào được đứng trong bảng xếp hạng 500 trường ĐH đứng đầu thế giới. Số lượng các bài báo công bố quốc tế của cả nước 90 triệu dân trong một năm chỉ bằng khoảng số lượng của một trường ĐH Thái Lan. Vậy mà số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á...

Có một thực tế đang diễn ra khiến không ít người suy ngẫm, đó là số lượng đào tạo khoa học quá nhiều. Tính riêng khối nông nghiệp thì Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam có tới 18 viện trực thuộc. Ở khối thủy lợi, có 8 viện, 38 trường, 18 hiệp hội và 19 hội chuyên ngành. Vì các tổ chức cồng kềnh, chồng chéo và nhiều tổ chức trung gian; các bên không kết hợp được nghiên cứu với đào tạo và chuyển giao công nghệ, cơ chế tự chủ bị phớt lờ, không tạo được sản phẩm quốc gia.

 

Theo công bố mới nhất của Viện SCImago (một tổ chức có uy tín về xếp hạng và đánh giá khoa học), xếp hạng năng lực và chất lượng nghiên cứu khoa học của các viện, trường ĐH của Việt Nam giảm  mạnh so với năm 2011. Đáng chú ý là ĐH Quốc gia Hà Nội bị tụt gần 200 bậc ở mức thế giới, xếp hạng khu vực cũng bị tụt đáng kể. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên lọt vào danh sách này và thứ hạng cũng chỉ cách ĐH Quốc gia Hà Nội 4 bậc ở phạm vi thế giới. SCImago là nhóm nghiên cứu có uy tín trong chuyên ngành đo lường khoa học, từng công bố phương pháp xếp hạng và đã được cộng đồng khoa học thế giới công nhận. Theo đó, việc đánh giá ĐH dựa vào 6 tiêu chí chính: Đầu ra của nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế; tính tập trung hay chuyên môn hóa trong nghiên cứu; chất lượng tập san khoa học; tính xuất sắc trong nghiên cứu khoa học và tầm ảnh hưởng. Tất cả những tiêu chí này hoàn toàn hợp lý và được giới khoa học quốc tế sử dụng.

Theo nhiều nhà khoa học, trong khi các hoạt động khác đã tuân theo quy luật kinh tế thị trường khá rõ thì KHCN hầu như vẫn nằm ngoài “sân chơi” ấy. Theo đó, bất cập có thể cho là lớn nhất hiện nay nằm ở vấn đề tài chính cho KHCN, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng lớn đến quá trình sáng tạo của trí thức khoa học. Cụ thể là chủ nhiệm đề tài khoa học cấp Nhà nước mỗi tháng được phụ cấp vài trăm nghìn đồng và phải làm nhiều việc mà không có thư ký. Thêm nữa, thành viên dự hội thảo khoa học dù cấp cơ sở hay cấp Nhà nước thì cứ “kẻ chỉ” mà cấp theo chế độ 50.000-70.000 đồng/người... Những chủ trương “trải thảm đỏ”, “chiêu hiền đãi sĩ” đã có từ lâu nhưng giới khoa học cho rằng vẫn vướng điều gì đó để có thể thực sự đi vào đời sống.

Bảng xếp hạng năm 2012 cho thấy, có bốn đơn vị là Viện Khoa học công nghệ VN, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP HCM và trường ĐH Bách khoa Hà Nội lọt vào bảng xếp hạng của SCImago. Nếu tính theo quốc gia, Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam đứng đầu VN, kế đến là ĐH Quốc gia TP HCM, ĐH Quốc gia Hà Nội và trường ĐH Bách khoa Hà Nội (xếp thứ 4 quốc gia, 857 khu vực và 3.160 thế giới).

tien si, lo dao tao tien si, chat luong tien si o viet nam, tuyen sinh, thong tin tuyen sinh, giao duc

 

Khái niệm xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học ở nước ta còn khá mới mẻ.

Lãng phí nghiên cứu...

Theo thống kê của Bộ KH&CN, trong 5 năm 2006 - 2010 cả nước chỉ có khoảng 200 bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Còn theo các tác giả Lê Văn Út và Thái Lâm Toàn thì từ năm 2006 đến 2010, Việt Nam chỉ có 5 bằng sáng chế được đăng ký tại Mỹ, trung bình mỗi năm có 1 bằng sáng chế; riêng năm 2011, nước ta không có bằng sáng chế nào được đăng ký tại đây. Trong khu vực Đông Nam Á, Singapore (4,8 triệu dân) có 647 bằng sáng chế. Đứng thứ hai là Malaysia (27,9 triệu dân) với 161 bằng sáng chế; Thái Lan (68,1 triệu dân) có 53 sáng chế. Còn một nước có số dân và trình độ phát triển tương đương nước ta là Philippines cũng có tới 27 sáng chế.

Lý giải thực trạng này, GS Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định: Trước hết, người Việt Nam ta chưa có thói quen đăng ký phát minh, sáng chế. Bởi lẽ, do ảnh hưởng từ thời bao cấp, người ta chưa thấy những lợi ích hấp dẫn từ sáng tạo khoa học - công nghệ ngoài cái bằng khen và các danh hiệu thi đua. Hơn nữa, thủ tục đăng ký, chứng minh cũng khá phức tạp, không phải nhà khoa học nào cũng quen làm.

Nhưng lý do quan trọng hơn là môi trường kinh tế - xã hội Việt Nam chưa tạo ra được động lực cho sáng tạo khoa học - công nghệ. Một nền kinh tế dựa vào gia công, lắp ráp, bán tài nguyên là chính sẽ không có nhu cầu bức thiết về phát minh, sáng chế. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cần phát triển công nghệ thì làm theo lối “mì ăn liền”, tức là đi mua công nghệ, trang thiết bị của nước ngoài. Dường như một thực trạng đáng buồn đang xảy ra các nhà sáng chế trong nước đang bị “lãng quên”, thậm chí không cần đến.

Nói về những bất cập trong công tác quản lý khoa học, GS Thuyết cho rằng: “Mức đầu tư cho nghiên cứu khoa học ở nước ta thấp (Nhà nước chi 2% ngân sách, tương đương 0,5% GDP; đầu tư từ xã hội không đáng kể) nhưng sử dụng còn lãng phí. Đó là do cơ chế giao đề tài không hợp lý, cơ quan giao đề tài thực ra cũng chẳng cần những đề tài ấy làm gì. Do vậy, đề tài có hoàn thành cũng chỉ để... cho vào ngăn kéo. Bên cạnh đó, cơ chế tài chính trong hoạt động KH&CN nặng tính bao cấp, không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH&CN; kinh phí thường xuyên cấp rất chậm so với yêu cầu về tiến độ nghiên cứu - triển khai; thủ tục thanh toán hình thức, cồng kềnh, không tạo điều kiện cho các nhà khoa học tập trung vào công tác chuyên môn và cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN bảo đảm sử dụng nguồn kinh phí đúng mục đích và hiệu quả”.

Đánh giá về chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học và công nghệ trong các trường ĐH, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân cũng nhận định: Việt Nam đang rất lãng phí nguồn lực chất xám ở các trường ĐH, nơi tập trung rất đông nguồn nhân lực trình độ cao với nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Nhưng các trường ĐH hiện nay đang gần như không đóng góp nhiều cho kết quả nghiên cứu khoa học của đất nước, trong khi các trường ĐH trên thế giới lại là nơi sản sinh ra các nhân vật đạt giải Nobel hoặc có nhiều phát minh sáng chế...

Bộ trưởng Nguyễn Quân đã chỉ ra những nguyên nhân khiến hoạt động nghiên cứu trong các trường ĐH của Việt Nam yếu kém. Đó là các trường ĐH không đủ nguồn kinh phí đầu tư cho nghiên cứu, ngay cả trường trọng điểm thì kinh phí nghiên cứu khoa học dành cho giáo viên, cán bộ giảng dạy chỉ có vài ba tỷ đồng mỗi năm. Các trường ĐH không có biên chế làm khoa học chuyên nghiệp, vì vậy nghiên cứu được coi là hoạt động làm thêm của cán bộ giảng dạy.

Một trong những nguyên nhân chính gây nên sự thiếu hụt nhân tài khoa học là do chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng. Điều này dẫn đến kết quả là học sinh, sinh viên giỏi ít chọn con đường nghiên cứu khoa học. Số ít người giỏi đam mê khoa học đều đi du học và không nhiều người chọn con đường trở về nước.

Để giải quyết thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần phải cải tiến cách giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, cải tiến cơ chế tài chính. Nhưng quan trọng nhất là phải tạo ra được cơ chế gắn nghiên cứu khoa học với thực tiễn, nhất là phải hình thành cho được thị trường khoa học - công nghệ. Có như vậy, Việt Nam mới hết cảnh nhiều tiến sĩ nhưng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, hàng hóa và trong chính sách lại quá ít.

 

Xem thêm: Cần nhiều tiến sĩ để làm gì?

Những nội dung đang được quan tâm nhiều nhất:

LUYỆN THI - TỈ LỆ CHỌI - TỈ LỆ CHỌI 2013 - TỶ LỆ CHỌI 2013

TUYỂN SINH - TUYỂN SINH 2013 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC - TRƯỜNG QUỐC TẾ

ĐẠI HỌC QUỐC TẾ - CAO ĐẲNG QUỐC TẾ - DU HỌC - BÁO GIÁO DỤC - TIẾNG ANH

Kênh Tuyển Sinh

Theo Dantri