>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Ngành GD đang khiến dư luận tiếp tục quan tâm hơn khi Bộ GD&ĐT vừa đưa Dự thảo quy định về tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy giai đoạn 2014-2016 ra lấy ý kiến.

Các trường tổ chức tuyển sinh riêng, vẫn có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung, do Bộ GD&ĐT tổ chức có kết quả thi từ điểm sàn trở lên.

Có thể chủ động tuyển sinh riêng hoặc thi chung…

Dự thảo nói trên quy định, các trường ĐH, CĐ, Học viện tự chịu trách nhiệm trong tuyển sinh theo quy định tại Điều 34 Luật Giáo dục ĐH. Theo đó, cơ sở giáo dục ĐH tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh, xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và thiết bị. Đảm bảo chất lượng đào tạo và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH. Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh, có thể qua thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.

Tuyển sinh 2014: Băn khoăn đề án đổi mới thi đại học

Tuyển sinh 2014: Băn khoăn đề án đổi mới thi đại học

Những trường triển khai tuyển sinh riêng được phép thực hiện tối đa 2 lần/năm, thời gian do Bộ GD&ĐT quy định. Kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Các trường cũng có thể tổ chức tuyển sinh riêng từng phần cho một số khoa, ngành.

Việc tuyển sinh riêng, cần phù hợp với quy định của Luật Giáo dục ĐH và mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng các nguyên tắc theo quy định và không gây phức tạp cho xã hội và tốn kém cho thí sinh; được dư luận đồng tình ủng hộ... Việc tự chủ tuyển sinh không được để phát sinh hiện tượng các tổ chức và cá nhân là cán bộ, giáo viên của nhà trường tổ chức luyện thi; tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh, không để phát sinh tiêu cực, đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch.

Hiện tại, dự thảo đề án nói trên đang được đưa ra để xin ý kiến đóng góp xây dựng, hoàn thiện, nên đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận. Không khó để nhận thấy, dự thảo nói trên nhằm “tháo gỡ” những vướng mắc trong vấn đề tuyển sinh ĐH, CĐ. Trong bối cảnh nhiều sinh viên ra trường không kiếm được việc làm hoặc thất nghiệp, nhiều trường ĐH, CĐ ngoài công lập được mở không có người vào học, gây lãng phí lớn trong xã hội. Trong khi ngược lại, các trường ĐH, CĐ công lập lại luôn trong tình trạng… quá tải. Nhiệm vụ phải giải quyết rốt ráo những “tồn tại” trên khiến những nhà quản lý giáo dục đau đầu. ==>Điều chỉnh mạnh cơ cấu ngành đào tạo bậc đại học

Băn khoăn đề án đổi mới thi đại học: Chỉ nên quy định một hình thức…

Trao đổi với PV báo PL&XH xung quanh dự thảo mới của Bộ GD&ĐT, TS. Lê Trường Tùng, Ủy viên thường trực Hiệp hội GD ngoài công lập, Phó hiệu trưởng trường ĐH FPT nhận định: Bộ GD&ĐT nên đưa ra quyết định rõ ràng, tuyển sinh riêng, hoặc chung chỉ nên quy định một hình thức, để tiện quản lý. Còn nếu như áp dụng cả chung và riêng như dự thảo đề xuất, cũng sẽ khiến phần lớn các trường tuyển sinh chung như hiện tại, không cải thiện được tình hình. Việc các trường vừa tuyển sinh riêng vừa được phép áp dụng hình thức xét tuyển thi chung do Bộ tổ chức chỉ làm rắc rối thêm vấn đề.

Theo tôi, giải pháp hiện nay là có thể chỉ cần tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật nghiêm túc. Với các môn thi, là những môn cơ bản như văn, toán, lý, hóa, sinh, sử, địa, ngoại ngữ chẳng hạn. Sau đó, căn cứ vào kết quả thi của những môn học này, các trường ĐH, CĐ có thể xét tuyển thí sinh, theo đúng chuyên ngành và lĩnh vực đào tạo” – TS. Lê Trường Tùng khẳng định.

Thực tế, đã có nhiều ý kiến không đồng tình với quan điểm trên, bởi lẽ hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ có ý nghĩa khác nhau. Nếu như kỳ thi tốt nghiệp THPT mang tính chất “phổ thông, đại trà” thì kỳ thi ĐH, CĐ lại nhằm mục đích lựa chọn người tài. Vì thế, có ý kiến cho rằng không thể dùng kỳ thi này để thay thế cho kỳ thi kia, vì như vậy không đảm bảo chất lượng, và khách quan.

Tuy nhiên, trước quan điểm và những ý kiến như trên, TS. Lê Trường Tùng cho rằng, “lo ngại” trên là thiếu cơ sở. Bởi lẽ, các môn thí sinh phải thi đều là nền tảng kiến thức phổ thông, cũng từng được chọn làm môn thi trong các tổ hợp 6 môn, hoặc 3 môn thi của 2 kỳ  tốt nghiệp THPT và ĐH, CĐ triển khai nhiều năm qua. Với điều kiện, cả xã hội phải dồn sức vào tổ chức một kỳ thi thật nghiêm túc, khách quan. Đồng thời để hạn chế các trường ĐH, CĐ tuyển sinh không đảm bảo chất lượng, thì tùy theo từng lĩnh vực đào tạo chuyên ngành, Bộ GD&ĐT có thể đưa ra một mức điểm sàn, nếu dưới điểm sàn thì không xét tuyển ĐH, CĐ.

Có thể thấy, nhiều năm qua mức điểm sàn mà Bộ GD&ĐT đưa ra cũng chỉ có ý nghĩa hạn chế sự tuyển sinh ồ ạt của một số trường ĐH, CĐ “tốp dưới” – nhiều trường hợp chỉ 6 hoặc 7 điểm cho 3 môn thi vẫn đỗ ĐH, CĐ. Mà các trường “tốp dưới” vẫn luôn “khát” sinh viên. Trong khi đó, những trường tốp trên thì luôn “chủ động” trong việc tuyển sinh, có nhiều thí sinh điểm thi 24 hoặc 25 điểm (3 môn) – cao hơn nhiều lần so với điểm sàn… vẫn trượt. Chính vì lý do này, có ý kiến cho rằng bên cạnh vai trò quản lý vĩ mô của Bộ, thì việc giao toàn quyền chủ động tuyển sinh cho các trường ĐH, CĐ là phù hợp với tình hình hiện tại..

Theo Sỹ Hào, phapluatxahoi