>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, Bộ GDĐT tiếp tục điều chỉnh lại cơ cấu ngành đào tạo và thay đổi về chỉ tiêu tuyển sinh.

Giảm chỉ tiêu, tăng học phí ngành học hot

Đồng thời, Bộ GDĐT cũng phối hợp với Bộ Tài chính sớm triển khai xây dựng đề án thí điểm tự chủ học phí. Theo đó, học phí sẽ được tính toán lại trên cơ sở chi phí đào tạo và nhu cầu xã hội. Những ngành nhu cầu của người học cao nhưng thị trường lao động đã bão hoà như kinh tế, tài chính, ngân hàng sẽ thu học phí cao, Nhà nước không hỗ trợ. Ngược lại, những ngành xã hội cần nhưng ít người học như nông, lâm, ngư… sẽ được hỗ trợ nhiều hơn.

Cùng với đó là sự thay đổi trong nhận thức của chính các bậc phụ huynh và các thí sinh theo hướng tích cực khi thấy sinh viên nhóm ngành “hot” ra trường khó tìm được việc làm. Việc lựa chọn ngành, chọn trường đã theo hướng chất lượng; thí sinh bước đầu đã có quyết định thực tế hơn trong việc lựa chọn nghề học và chuyên ngành học ĐH.

Theo báo cáo của Bộ GDĐT tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm học 2012-2013 của giáo dục ĐH, mùa tuyển sinh 2013, ngoài việc số lượng hồ sơ nộp tuyển sinh giảm gần 100.000 bộ, thì số lượng sinh viên đăng ký vào các ngành kinh tế, tài chính và quản lý giảm 10% so với năm 2012.

Đồng thời, một số ngành có số hồ sơ đăng ký dự thi tăng so với năm trước gồm: Nhóm ngành khoa học giáo dục (tăng 3,1%), khoa học sức khỏe (tăng 1,7%), công nghệ kỹ thuật tăng (0,5%), kỹ thuật môi trường và bảo vệ môi trường tăng (1,4%).

Năm 2013, Bộ GDĐT chủ trương giảm dần số lượng sinh viên hệ vừa làm vừa học để đảm bảo chất lượng đào tạo. Số lượng sinh viên hệ vừa làm vừa học năm 2013 chỉ chiếm 45% so với số lượng sinh viên chính quy.

Trong vài mùa tuyển sinh gần đây, Bộ GDĐT đều đưa ra cảnh báo về quá tải nhu cầu nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, kế toán quản trị kinh doanh do số lượng đào tạo đã vượt so với quy hoạch nguồn nhân lực và nhu cầu xã hội.

Đặc biệt việc Bộ ban hành Quy định về thi liên thông là những người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, cao đẳng chưa đủ 36 tháng phải dự thi các môn văn hóa hoặc năng khiếu tương ứng với ngành đăng ký học liên thông trong kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học chính quy đã góp phần giảm tỷ lệ sinh viên theo học các ngành không chính quy.

Qua đó, góp phần từng bước chấn chỉnh và xác định rõ mục tiêu đào tạo liên thông là giúp sinh viên có năng lực thực sự được bảo lưu kết quả học tập của giai đoạn trước để rút ngắn thời gian học tập ở trình độ cao hơn; khắc phục những bất cập, tồn tại của đào tạo liên thông, bước đầu nâng cao chất lượng của đào tạo liên thông.

Lập nhóm ngành mới theo nhu cầu thị trường

Tuy nhiên, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga, việc điều chỉnh cơ cấu ngành đào tạo còn chậm, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu của quá trình đổi mới, chưa gắn với nhu cầu đào tạo nhân lực của từng ngành, địa phương và xã hội; còn thiếu quy hoạch chung về ngành và trình độ đào tạo.

Năm 2013, những đề án thành lập trường đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được điều chỉnh theo hướng đào tạo các ngành nghề mà xã hội đang cần như: Năng lượng hạt nhân, an toàn và an ninh mạng, thương mại điện tử, hộ sinh...

Bộ GDĐT đã hỗ trợ nhiều trường xây dựng và mở một số ngành đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển của đất nước.

Vụ trưởng Vụ Đào tạo đại học Bùi Anh Tuấn cho biết, trên cơ sở phân bố nguồn lực theo điều kiện kinh tế xã hội, Bộ GDĐT đã giao cho một số trường như ĐH Cần Thơ, ĐH Vinh, ĐH Tây Bắc… tự xác định chỉ tiêu trên cơ sở các tiêu chí đảm bảo chất lượng. Nhiều trường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, phân bố chỉ tiêu hài hòa giữa các ngành đào tạo. Tuy nhiên, cá biệt có một số trường dồn chỉ tiêu cho các ngành dễ thu hút thí sinh, gây quá tải cục bộ, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

Để chán chỉnh việc này, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu yêu cầu các trường xác định chỉ tiêu riêng cho một số ngành nhiều người học. Những trường nhiều năm liền mất cân đối chỉ tiêu giữa các ngành, bộ sẽ giao trực tiếp chỉ tiêu trên cơ sở năng lực đào tạo của từng ngành, căn cứ vào chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam để xây dựng các chỉ tiêu tuyển sinh cho phù hợp.

Chinhphu