>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Sau ngày “chốt” đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT hôm qua (7/5), báo Giáo dục và Thời đại ghi nhận một số trường có tỷ lệ học sinh đăng ký môn Lịch sử rất cao.

Trường THPT Nà Phặc (Bắc Kạn):

Đây có thể nói là một trong những trường “vô địch” với tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp môn Lịch sử lên tới khoảng 70%.

Ông Ma Thế Cừ - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nà Phặc - cho biết, Lịch sử là môn học có số lượng học sinh đăng ký nhiều thứ hai, sau Địa lý. Những môn còn lại xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp là Sinh, Hóa, Lý. Thấp nhất là tiếng Anh chỉ có duy nhất hai em lựa chọn thi.

Theo ông Ma Thế Cừ, vì những thay đổi mới mẻ trong kỳ thi tốt nghiêp năm nay nên công tác tuyên truyền, tư vấn cho học sinh được nhà trường đặc biệt coi trọng.

Trong đó, lưu ý các em khi lựa chọn môn thi, trước hết nên dựa vào năng lực của bản thân, tuyệt đối không theo cảm tính, phong trào.

Top 3 trường THPT chọn thi môn Sử cao nhất

Top 3 trường THPT chọn thi môn Sử cao nhất

Bởi vậy, sau khi tổng hợp kết quả, con số 70%, đặc biệt, lớp 12A, vốn tập hợp những học sinh khá giỏi của toàn trường, tỷ lệ đăng ký môn học này cũng rất cao khiến nhà trường khá bất ngờ.

“Ban đầu, trường sắp xếp kế hoạch ôn tập các môn như nhau, nhưng sau khảo sát, có lẽ chúng tôi sẽ tăng thêm thời gian ôn tập cho môn Lịch sử.” - ông Ma Thế Cừ cho hay.

Trường THPT Phạm Văn Đồng (Tây Hòa - Phú Yên):

Đây là trường THPT soán ngôi “vô địch” về lượng thí sinh chọn thi môn Lịch sử tại tỉnh Phú yên.

Thông tin từ ông Tống Lộc Phúc – tổ trưởng bộ môn Lịch sử của trường, trong số 304 học sinh khối 12, số học sinh chọn thi môn Sử là 88 em.

Giải thích cho con số này, ông Phúc cho rằng, có lẽ bắt đầu từ nhiệt huyết của các thầy cô giáo giảng dạy Lịch sử của trường.

Chúng tôi không bao giờ phân biệt hay có quan niệm môn chính, môn phụ. Lúc nào các thầy cô cũng dạy hết sức nhiệt huyết, truyền lửa cho học trò” - ông Phúc cho hay.

Bên cạnh đó, Trường Phạm Văn Đồng, số thí sinh dự thi đại học hàng năm có điểm môn Lịch sử rất cao; số học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử cũng cao. Cũng phải nói thêm, trường có truyền thống giữ tỷ lệ thí sinh thi ĐH khối C đông và hàng năm khoảng 90% học sinh thi khối này của trường đỗ vào ĐH.

Năm vừa rồi, 2 học sinh của trường đã xuất sắc trở thành thủ khoa vào Trường ĐH Quy Nhơn và Trường ĐH Phú Yên khối C.

Đó có thể nói cũng là một động lực để các học sinh lựa chọn Lịch sử thi tốt nghiệp.

Thực tế, học sinh chỉ chọn cái mà mình yêu thích và thấy thiết thực, không ai ép được các em cả” – ông Phúc tâm sự.

Và cũng giống như Trường THPT Nà Phặc, Địa lý là môn có tỷ lệ chọn thi cao nhất tại Trường Phạm Văn Đồng; sau đó đến Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học và đứng cuối bảng là tiếng Anh.

Chúng tôi đang ra sức ôn tập cho các em và hy vọng kết quả sẽ cao. Với cách dạy của thầy cô của trường, học sinh nắm rất chắc kiến thức rất cơ bản. Mặc dù tỷ lệ môn Lịch sử cao hơn hẳn nhưng trường vẫn tổ chức ôn bình thường. Theo đó, 2 môn Văn, Toán ôn nhiều tiết hơn. Các môn khác vẫn thực hiện một tuần 2 tiết” – ông Phúc cho hay.

Trường THPT Nguyễn Thái Học (Vĩnh Phúc):

Đây cũng là một trong những trường đứng đầu về số học sinh chọn thi môn Lịch sử của tỉnh Vĩnh Phúc.

Trao đổi với Báo Giáo dục và Thời đại, bà Nguyễn Ngọc Trâm - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, Trường THPT Nguyễn Thái Học có 274 học sinh lớp 12 dự thi tốt nghiệp.

Trong đố, số học sinh chọn thi Lịch sử là 25,55%. Các môn còn lại: Hóa học 62,04%; Vật lý 50,70%; Địa lý gần 38%, Tiếng Anh khoảng 13,5% ; Sinh học thấp nhất với 11,31%.

Theo Hiệu trưởng Nguyễn Ngọc Trâm, nguyên nhân nhiều học sinh của trường ưu ái môn Sử có thể do đội ngũ giáo viên môn học này đã gây dựng được niềm tin cho học sinh, giúp các em cảm thấy tự tin khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp sắp tới.

“Nhóm Sử của trường đã có nhiều cố gắng trong đổi mới chuyên môn, đổi mới phương pháp. Tuy nhiên, không chỉ riêng môn học này mà tất cả các môn học khác chúng tôi đều thực hiện như vậy.” – bà Trâm chia sẻ.

Về công việc ôn tập, theo bà Trâm, nhà trường đã xây dựng chương trình cho tất cả các môn để sau khi “chốt” danh sách học sinh lựa chọn môn thi sẽ tiến hành bồi dưỡng.

Hiện riêng với môn Sử được chia làm 2 lớp; 1 lớp có khoảng 70% các em thi khối C. Lớp còn lại, chỉ khoảng 30% các em thi khối C, ngoài ra là dự thi các khối mầm non hoặc không thi ĐH nhưng chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử.

“Lịch ôn tập, nhà trường vẫn duy trì buổi sáng theo đúng phân phối chương trình của Bộ GD&ĐT. Việc ôn tập các môn thi tốt nghiệp được tiến hành vào buổi chiều” - bà Trâm cho hay.

Theo Hiếu Nguyễn, Giáo dục thời đại