GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | BAO GIAO DUC | KHOA GIÁO | GIÁO DỤC QUỐC TẾ

Dịch chuyển dần cơ cấu ngành đào tạo

Từ năm 2013, Bộ GD&ĐT chính thức tạm dừng mở các ngành đào tạo liên quan đến Tài chính - Ngân hàng, Quản trị kinh doanh, Kế toán. Một động thái cho thấy sự dư thừa của nhân lực ngành này đã vượt mức “báo động”.

Một số ngành báo động dư thừa

Khối ngành Kinh tế, Tài chính - Ngân hàng đã phát triển quá nóng trong thời gian vừa qua. Ba năm trở lại đây, khối ngành này luôn có chỉ tiêu hàng năm nhiều nhất, số lượng thí sinh dự thi đông nhất, có nhiều trường đào tạo nhất. Theo thống kê tuyển sinh năm 2011, trong 416 trường (197 trường ĐH, 219 trường CĐ) thì có 248 trường (121 trường ĐH, 127 trường CĐ) tuyển sinh 1 trong 4 ngành: Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán, chiếm tỷ lệ 59,62% số trường. Chỉ còn 76 trường ĐH và 92 trường CĐ không tuyển sinh các ngành trên là các trường thuộc khối Y Dược, Năng khiếu - Nghệ thuật và một số trường Sư phạm.

Vì số trường có tuyển sinhchỉ tiêu tuyển sinh các ngành Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính - Ngân hàng, Kế toán chiếm tỷ lệ cao, nên tỷ lệ hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ của thí sinh bình quân trong 3 năm (2009 - 2011) vào 4 ngành này chiếm xấp xỉ 41% với tổng số hồ sơ đăng ký dự thi.
Đây cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến việc khó tuyển sinh của nhiều trường ĐH, CĐ (trong đó có cả trường công lập) năm 2012 như trường ĐH Kinh tế TP HCM, ĐH Kinh tế Đà Nẵng. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Đây là tình trạng chung hiện nay, do kinh tế khó khăn, cán bộ quản lý kinh tế cũng đã bão hòa. Vấn đề này Bộ đã cảnh báo 2 năm trước do lượng đào tạo ngành này gấp đôi nhu cầu thực tế. Đa số các trường  khó khăn năm nay là các trường tuyển sinh đơn ngành như Kinh tế quản lý, còn những trường đa ngành thì vẫn tuyển bình thường. Khó khăn năm nay cũng là để các trường có thể nhìn lại chiến lược phát triển của mình”.

Báo động dư thừa nhân lực do tuyen sinh đào tạo tràn lan

Tiếp đó, không chỉ riêng nhóm ngành này mà Sư phạm, đào tạo Kỹ sư xây dựng và Cử nhân điều dưỡng cũng đang có dấu hiệu báo động về việc dư thừa nhân lực do đào tạo tràn lan.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành, hiệu trưởng trường ĐH Xây dựng thì, hiện nay cả nước có hơn 30 cơ sở đào tạo trình độ kỹ sư xây dựng, chưa kể nhiều trường CĐ cũng ngành này, đào tạo tràn lan trong khi chất lượng đào tạo không đảm bảo. “Đào tạo kỹ sư xây dựng phải chuẩn, không thể rởm khi công việc này liên quan đến tài sản, chi phí và cả tính mạng con người, không thể đào tạo tràn lan. Không thể mất 4 hay 5 năm học ĐH ra rồi sinh viên đó không làm được việc, như vậy là có tội với Tổ quốc, với nhân dân” - ông Thành nhấn mạnh.

Tương tự như ngành Xây dựng, ngành đào tạo sư phạm cũng đang “nảy nở” ở quá nhiều nơi. Vấn đề mâu thuẫn là ở chỗ, đào tạo sư phạm nhiều nhưng giáo viên vẫn thiếu và yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đặc biệt đào tạo ngành này rất chênh lệch dẫn đến dư thừa giáo viên THPT nhưng thiếu giáo viên tiểu học và mầm non.

Theo ông Nguyễn Văn Minh, hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Việc đào tạo giáo viên hiện nay ở một số trường chưa gắn với nhu cầu thực tế của địa phương và đang có sự bất bình trong khâu xét tuyển và đào tạo giáo viên. Một số trường điểm đầu vào ngành Sư phạm quá thấp. Việc đánh giá kết quả học tập ở mỗi nơi có sự chênh lệch, trường chặt trường lỏng. Tôi không tin có thể biến một học sinh trung bình sau 4 năm học ĐH trở thành sinh viên xuất sắc được”.

Trong khi đó, chưa kể đến việc nhiều trường đào tạo sư phạm hiện nay đã chuyển sang đào tạo đa ngành dẫn đến chất lượng không được đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT  Phạm Vũ Luận cho rằng, những khu vực có nguy cơ bão hòa cần thiết phải có thông báo đến xã hội. Ngoài ngành Kỹ sư công trình như lãnh đạo trường ĐH Xây dựng cảnh báo thì ngành Kinh tế - Quản lý, Điều dưỡng, Sư phạm cũng trong tình trạng cần cân đối điều chỉnh.

Một số ngành báo động dư thừa - Ảnh 1

Nhiều trường đào tạo sư phạm nhưng nhu cầu giáo viên của xã hội vẫn thiếu.


Cần có trung tâm dự báo nguồn nhân lực

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, năm nay, theo báo cáo của các trường thì cơ cấu ngành nghề đã có sự thay đổi. Nhiều trường đã nghiêng hẳn về Khoa học công nghệ, Kỹ thuật, giảm bớt Kinh tế. Như vậy, cơ cấu nhân lực có nhiều thay đổi theo đúng nhu cầu của xã hội. Sự điều chỉnh này mang tính tích cực.

Về vấn đề thiếu trung tâm dự báo thị trường nhân lực, Bộ GD&ĐT cũng đang tính đến một số giải pháp: “Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quy hoạch nguồn nhân lực đến năm 2020, đây là tài liệu căn bản để cho các trường, các cơ sở giáo dục và Bộ cũng dựa vào đó để định hướng đào tạo các ngành nghề cho phù hợp. Bộ GD&ĐT đang tiến hành điều chỉnh lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ cho đến năm 2020 thay thế Quyết định 121 của Thủ tướng trước đây để cho phù hợp với quy hoạch nhân lực. Ở các TP, địa phương cũng có trung tâm dự báo nhân lực ví dụ như  TP HCM làm rất tốt việc này, Bộ cũng có trung tâm dự báo nguồn nhân lực để định hướng cho các trường”.


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây.

Theo Pháp Luật Xã Hội