Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi tot nghiep

Khống điểm cho 27 học sinh nâng đến 2,55 điểm

Ông Phan Văn Dũng, phó giám đốc Sở GD-ĐT Khánh Hòa, cho biết đang yêu cầu các phòng giáo dục TP Nha Trang, TP Cam Ranh, huyện Vạn Ninh, huyện Diên Khánh báo cáo kết quả xử lý vi phạm trong việc để xảy ra hàng loạt lỗi trong việc chấm điểm, vào điểm khối lớp 9.

Trong tháng 5, lần đầu tiên Sở GD-ĐT Khánh Hòa tổ chức kiểm tra trên diện rộng việc đánh giá xếp loại học sinh cấp THCS nhằm làm cơ sở để xét tuyển vào lớp 10 năm học 2013-2014.

Theo kết quả kiểm tra vừa công bố, có chín trường THCS ở bốn địa phương nêu trên đã chấm điểm, vào điểm sai kết quả của hơn 40 học sinh lớp 9.

Đáng chú ý có tám trường đã nâng khống điểm cho 27 học sinh, cao nhất là nâng 2,55 điểm, còn lại phổ biến nâng 2 điểm. Một số trường hợp vi phạm khác như chấm điểm cao hơn thang quy định, vào điểm thấp hơn điểm thực tế...

Được biết, sau một năm thí điểm xét tuyển vào lớp 10 hệ công lập trên địa bàn TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đã quyết định áp dụng việc xét tuyển học sinh lớp 9 vào lớp 10 công lập năm học 2013-2014 trên địa bàn toàn tỉnh, dựa trên kết quả học tập và hạnh kiểm của bốn năm học bậc THCS.

Áp lực tuyển sinh vào lớp 10

Do tính cạnh tranh và phân luồng sau THCS nên áp lực tuyển sinh vào lớp 10 đã khiến không chỉ HS mà phụ huynh cũng rơi vào tình trạng lo ngay ngáy, nhất là HS chỉ có học lực trung bình.

Những năm gần đây, nhằm đẩy mạnh công tác phân luồng HS sau THCS nên hầu hết các địa phương đều áp chỉ tiêu HS vào THPT, vào học ở các TT GDTX và một lượng không nhỏ học TCCN.

Kể cả Hà Nội cũng như các tỉnh thành, lượng HS vào học THPT chỉ khoảng 85%, còn lại 15% sẽ vào học TT GDTX và TCCN. Nhưng trong số HS vào THPT thì một lượng sẽ không vào được trường công, bắt buộc phải học trường dân lập. Trong khi đó, học ở dân lập vừa gánh nặng học phí đắt, đôi khi chất lượng dạy và học không đồng đều, thậm chí đầu vào nhiều HS cá biệt, HS hư, học dốt.

Chính vì thế, phụ huynh nào cũng cố công tìm các thầy cô giáo dạy giỏi để cho con ôn luyện thi vào lớp 10. Thậm chí có phụ huynh không ngần ngại chia sẻ: “Con thi vào lớp 10 tôi có cảm giác khó hơn thi vào ĐH. Trượt thi ĐH năm nay còn có điều kiện thi lại năm sau chứ trượt thi vào lớp 10, chỉ còn cách học trường dân lập, hoặc bổ túc hay đi học nghề…”.

Ngày 18/6, HS của Hà Nội chính thức tham gia đợt tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập năm học 2013 - 2014. Theo đó, tổng chỉ tiêu vào lớp 10 công lập và lớp không chuyên năm nay là 49.428 nhưng toàn thành phố có tới 71.278 HS đăng ký dự thi. Nếu cứ tính theo chỉ tiêu một lượng HS sẽ phải nằm trong số phân luồng. Số HS còn lại một phần vào được trường công, kể cả trường gần hoặc xa nhà hàng chục cây số, còn lại một phần sẽ vào học dân lập.

Do tính cạnh tranh và phân luồng sau THCS nên HS học hết THCS hiện nay của cả nước gần như đang hứng chịu áp lực lớn trước mùa tuyển sinh chuyển cấp. Phụ huynh chưa mặn mà với phân luồng. Đa số đều mong muốn con học hành thành tài. Dù con có học dốt phụ huynh vẫn mong con cố gắng học, có bằng được tấm bằng tốt nghiệp THPT chứ học hết THCS đi học nghề là điều không mong muốn.

Chị Vũ Thị Phương – hiện có con đang học THCS Dịch Vọng lý giải: HS tốt nghiệp THCS đi học nghề ra trường khó xin việc làm bởi chất lượng trường nghề của nước ta hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu đầu ra, nhu cầu của các nhà tuyển dụng. Đặc biệt trong môi trường làm việc quốc tế cạnh tranh như hiện nay, ngay vấn đề tiếng anh của HS cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Nếu dạy nghề hiệu quả, HS ra trường có việc làm thì không cần quảng cáo, không cần phân luồng, phụ huynh nào có con học kém sẽ tự giác cho con học nghề chứ không phải ép chỉ tiêu.

Kênh tuyển sinh: Tổng hợp tuổi trẻ + Giáo dục thời đại