>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Vì sao Bộ GD&ĐT cho tuyển sinh trở lại 62 ngành?

Đợt kiểm tra các ngành đào tạo của Bộ mục đích không phải chỉ ở việc dừng tuyển sinh mà nhằm cảnh báo các trường về chất lượng, số lượng đội ngũ giảng viên,điều kiện quan trọng trong đảm bảo chất lượng giáo dục đại học. Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT cho biết khi trao đổi với PV: “Bộ GD-ĐT đã nhận được báo cáo giải trình của gần 30 trường kèm theo minh chứng với đề nghị được tuyển sinh trở lại của các trường. Tuy nhiên, qua rà soát Bộ thấy xuất hiện giảng viên ký hợp đồng làm giảng viên cơ hữu cùng lúc ở nhiều trường khác nhau, trường hợp này Bộ chưa chấp nhận.

Theo ông Tuấn, nhiều trường đã có động thái tích cực cơ cấu lại những ngành đào tạo cho hợp lý, tuy nhiên, kết quả rà soát lại báo cáo của các trường lần này vẫn cho thấy số lượng giảng viên “ảo” không ít và có hiện tượng một giáo sư, tiến sĩ đứng tên làm giảng viên cơ hữu ở 2-3 trường khác.

Bên cạnh đó, nhiều trường đã tuyển dụng được một số thầy cô giáo đáp ứng được yêu cầu, tiêu chí đặt ra của Bộ. Chẳng hạn một số ngành đã có thầy cô giáo đạt trình độ tiến sỹ, thạc sỹ ở đúng ngành đào tạo.  Nhiều thầy cô giáo trong thời gian vừa qua đã bảo vệ thành công luận án tiến sỹ hoặc luận văn thạc sỹ và đã nhận được bằng, bổ sung thêm lực lượng giảng dạy cho một số nhà trường. Cũng có một số nhà trường đã báo cáo thực tế không đúng, và Bộ đã cho các trường đó được phép rà soát và báo cáo lại với Bộ.

Bộ yêu cầu nhà trường rà soát từng thầy cô giáo

Ông Tuấn giải thích: “Đối với những trường có đặc thù riêng như khối văn hóa – nghệ thuật, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tính giảng viên cơ hữu đối với giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ đúng ngành đã nghỉ hưu, mà có hợp đồng dài hạn, hoặc làm việc toàn phần với cơ sở đào tạo đó.” Riêng các trường báo cáo không đúng thực tế, Bộ yêu cầu nhà trường rà soát từng thầy cô giáo đang giảng dạy, trình độ và có những cơ sở minh chứng đầy đủ để Bộ xem xét. Trên cơ sở báo cáo lần hai của các trường, Bộ sẽ xem xét từng ngành cụ thể để cho phép tiếp tục tuyển sinh trở lại ngay.

Đặc biệt là công tác thông tin báo và chia sẻ thông tin báo cáo cũng là một vấn đề. Bộ chấp nhận báo cáo giải trình và minh chứng của các nhà trường, còn sau này, Bộ tiếp tục thanh kiểm tra, hậu kiểm mà các trường báo cáo không đúng thì các trường phải chịu trách nhiệm. Ông Tuấn lý giải thêm: “Trong quá trình kiểm tra, Bộ đã nhận được ý kiến phản ánh của các thầy cô giáo thực tiễn về đội ngũ của nhà trường đó, đội ngũ giáo viên của nhà trường A, trường B chưa đúng, chưa đủ cần phải bố trí lại. Như vậy, chúng ta đã tạo ra một đội ngũ giám sát của các thầy cô giáo, của các em sinh viên, xã hội có ý kiến… đến cơ quan quản lý nhà nước giám sát.”

Theo ông Tuấn, đây không phải là lần đầu tiên Bộ có quyết định dừng tuyển sinh, mà qua các đợt kiểm tra rà soát từ năm 2010 và năm 2012, Bộ đã thu hồi quyết định đào tạo của 57 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ, dừng tuyển sinh 161 ngành/chuyên ngành thạc sĩ không đủ giảng viên cơ hữu. “Qua việc cấp lại 62 ngành đào tạo lần này, chúng ta phải rút kinh nghiệm trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác nhà nước về quản lý giáo dục đại học chúng tôi đã có những đổi mới để giám sát các trường chặt chẽ hơn trong các ngành đào tạo.” – Ông Tuấn cho hay.

Theo Infonet