Sự kiện HOT: TUYEN SINH 2012 - TUYỂN SINH 2012 - THÔNG TIN TUYỂN SINH 2012
Tin liên quan:
Trong chỉ tiêu dự kiến 2012 Bộ GD-ĐT đã công bố, chỉ tiêu ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng vẫn đứng đầu với 184.300 chỉ tiêu. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc khi đăng ký vào các ngành này.
Minh họa: những ngành hot trong kỳ tuyển sinh 2012 sắp tới khiến thí sinh do dự.
Kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ tuyển mới 576.000 chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu nhiều nhất là ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng với 184.300 chỉ tiêu. Tiếp đến là ngành Kỹ thuật công nghệ 172.800 chỉ tiêu; ngành Sư phạm 54.600 chỉ tiêu; ngành Khoa học tự nhiên và Xã hội nhân văn 51.800 chỉ tiêu; ngành Nông Lâm ngư 43.200 chỉ tiêu; ngành Y dược 40.300 chỉ tiêu và ngành Nghệ thuật - Thể dục thể thao 29.000 chỉ tiêu.Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, dự kiến chỉ tiêu nói trên được đưa ra dựa vào nhu cầu nguồn nhân lực trình độ ĐH, CĐ của các địa phương và căn cứ số lượng giảng viên, cơ sở vật chất của các cơ sở đào tạo.
Tuyển sinh 2012, thí sinh cân nhắc khi lựa chọn ngành nghề.
Số lượng chỉ tiêu ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng nhiều so với các nhóm ngành khác bởi nhu cầu nhóm ngành này vẫn “nóng” nhất và đông thí sinh dự thi nhất. Tuy nhiên, thí sinh cần cân nhắc khi đăng ký bởi điểm chuẩn của các ngành này luôn thuộc tốp cao.
Cụ thể đối với các trường thuộc tốp đầu trong lĩnh vực ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng điểm chuẩn lúc nào cũng cao, tỷ lệ “chọi” của các trường cũng không giảm. Trường ĐH Ngoại thương điểm chuẩn 3 năm trở lại đây từ 22 - 26 điểm; trường ĐH Kinh tế quốc dân điểm chuẩn từ 18 - 25,5 điểm, trong đó nhóm ngành Tài chính - Ngân hàng - Kế toán điểm chuẩn cao nhất trường là 24,5 - 25,5 điểm; Học viện Ngân hàng điểm chuẩn từ 18,5 - 20,5 trong 3 năm trở lại đây…
Không chỉ ở các trường thuộc “tốp” trên, ngành này có điểm chuẩn cao mà các trường đại học đa ngành khác, điểm chuẩn ngành này cũng thường dẫn đầu. Ví dụ, năm 2011, trường ĐH Công đoàn, ngành Tài chính ngân hàng và ngành Kế toán có điểm chuẩn cao nhất trường từ 16,5 - 17,5 điểm; Trường ĐH Thương mại, ngành Tài chính - Ngân hàng: 20, 5 điểm, ngành Kế toán - Tài chính: 21,0 điểm; Trường ĐH Công nghiệp ngành Kế toán, Tài chính ngân hàng khối A 17 điểm, khối D1 16,5 điểm…
Trao đổi với PV, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân Nguyễn Quang Dong cho biết: “Trong những năm tới, ngành Kinh tế - tài chính - ngân hàng vẫn “nóng” vì nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, việc thu hút thí sinh dự thi vào trường tùy theo sức hút của từng trường. Tôi tin trường Kinh tế quốc dân thí sinh dự thi vẫn đông vì trường tuyển sinh theo ngành và điểm chuẩn của chúng tôi cũng sẽ không giảm nhiều trong những năm tới”.
Còn bà Lê Thị Thu Thủy, trưởng phòng đào tạo trường ĐH Ngoại thương, cho hay: “Ba năm trở lại đây, hồ sơ đăng ký dự thi vào trường luôn giữ ổn định bởi thí sinh đã lượng được sức mình để đăng ký. Với ngành Tài chính - Ngân hàng, 2 năm trở lại đây số lượng hồ sơ nộp vào trường tăng vọt, chứng tỏ sức hút của ngành này vẫn mạnh”.
Tuy nhiên, bà Thủy chia sẻ: “Cơ cấu ngành nghề sẽ thay đổi, thí sinh cần xem xét năng lực và lựa chọn ngành nghề mình yêu thích chứ không nên chạy theo thị hiếu xã hội”.
Nhận định về chỉ tiêu ngành Kinh tế - Tài chính - Ngân hàng năm nay vẫn nhiều nhất so với các nhóm ngành khác, ông Ngô Thế Chi, giám đốc Học viện Tài chính băn khoăn cho rằng: “Khi phân bổ chỉ tiêu, ngành quản lý cần cân đối xem xét lại chứ không vài năm nữa sẽ thừa nguồn nhân lực ngành này. Hiện nay, nguồn nhân lực của ngành này cũng đã dư thừa, nhiều sinh viên ra trường khó tìm được việc. Nếu có “đắt sô” chỉ là những sinh viên thuộc vài trường “tốp trên” đào tạo chuyên về lĩnh vực này. Hiện nay vẫn chưa có cuộc khảo sát tổng thể về sinh viên thuộc các ngành này ra trường có việc làm”.