Hà Nội: Chắc là sẽ "hạn hán, thủy sản và biển Đông"

Nhiều thí sinh dự đoán đề Địa năm nay sẽ có và nóng phần hạn hán ở Tây Nguyên và thủy sản. Ghi nhận tại các điểm thi cụm ĐH Sư phạm Hà Nội, các em nhận định đề Địa năm nay sẽ khó hơn năm ngoái vì có khá nhiều bạn chọn thi địa.

Thí sinh Phùng Thị Thúy Nga, trường Bất Bạt, Ba Vì, Hà Nội, học khối C, cho rằng các năm trước đề đã vào phần biển Đông nhưng với những vấn đề như môi trường thì hoàn toàn có thể được đưa vào.

6g30 các thí sinh tại điểm thi nhà K1, ĐH Sư phạm đã bắt đầu vào phòng thi. Cũng có nhiều thí sinh vẫn ngồi lại ở ngoài để xem lại bài cho chắc.

Tại trường Đại học Thủy Lợi Hà Nội, từ 6g sáng, thí sinh đã bắt đầu có mặt tại điểm thi. Các thi sinh khá thoải mái, tự tin trước khi bước vào phòng thi.

Chọn Địa lý thi tốt nghiệp vì dễ ăn điểm

Ghi nhận tại điểm thi Học viện kỹ thuật quân sự, số lượng thí sinh tham dự môn địa lý giảm hẳn so với 2 ngày thi trước nên trước cổng trường không còn cảnh ùn tắc giao thông.

Thí sinh Nguyễn Đăng Mạnh (học sinh trường THPT Tân Lập, huyện Đan Phượng) cho hay em thi khối Toán - Văn - Ngoại ngữ - Địa lý nên xác định đây là môn thi tốt nghiệp.

“Em mong muốn đề thi sẽ ra phần kinh tế biển đảo. Nếu ra phần này em tự tin mình làm tốt vì học qua rồi, em đã chuẩn bị kỹ 50% kiến thức. Với môn Địa lý em thấy thoải mái hơn, thật sự những ngày thi em áp lực lắm, quá mệt mỏi. Để giảm áp lực, em phân bổ thời gian hợp lý, ăn uống đầy đủ để đảm bảo sức khỏe”, Mạnh chia sẻ.

Thí sinh Lã Thị Thanh Huyền (quê ở huyện Sóc Sơn) cũng hy vọng đề thi sẽ ra phần 7 vùng kinh tế. Huyền chia sẻ em đã học kỹ phần này và nắm chắc 70% trong tay. Tuy nhiên em cũng bày tỏ mong muốn đề thi đừng đánh đố thí sinh quá đối với các em thi tốt nghiệp.

Còn thí sinh Nguyễn Văn Mạnh (quê ở huyện Phúc Thọ) mong muốn đề thi sẽ ra biểu đồ miền vì em thích môn đó. Mạnh tự tin nhất ở phần Atlat Địa lý và tin chắc mình sẽ ăn trọn điểm phần này. “Em thấy môn học này bình thường với sức học của em, em chọn môn Địa lý làm môn thi tốt nghiệp vì nó dễ ăn điểm”, thí sinh Mạnh tỏ ra lạc quan trước giờ thi.

Tổng hợp tin tức thi THPT quốc gia môn Địa lý năm 2016

Long An: Mong đề không lắt léo

Long An sáng sớm hôm nay 3-7 thời tiết mát mẻ. Các thí sinh bắt đầu được giám thị gọi tên để vào phòng thi. Nhiều thí sinh tỏ ra bình thản và thoải mái khi bước vào môn địa.

TP.HCM: "Em tủ đề biển đảo"

Khác với không khí nhộn nhịp như hai ngày trước, sáng nay, dù đã 6g sáng nhưng trước cổng hội đồng thi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mới chỉ có lác đác vài thí sinh. Hầu hết các thí sinh khi được hỏi đều cho biết mong đề thi ra về vấn đề biển đảo.

Thí sinh Trần Thị Thanh Hằng, học sinh Trường THPT Tân Túc chia sẻ : "Em ôn tập rất kỹ phần địa lý kinh tế vùng và biển đảo. Em thích ra biển đảo vì nó rất thiết thực và mang tính thời sự cao".

Còn với em Trần Hoàng Vân Thy, em đã ôn tập không bỏ sót phần nào nên cảm thấy khá thoải mái. Các thí sinh nhắc nhau kiểm tra thước kẻ, compa, atlat đầy đủ hết chưa và tranh thủ ôn tập bài vở.

Có mặt đầu tiên tại điểm thi Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn (thuộc cụm thi của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM), thí sinh Trần Minh Tâm, Trung tâm GDTX Q.10, dự đoán đề sẽ có câu hỏi về môi trường biển nhưng ở mức độ vừa phải. “Đề sẽ trải đều trên 3 phần địa lý tự nhiên, địa lý dân cư và các khu vực kinh tế. Trong đó, em nghĩ sẽ có trọng tâm câu về môi trường biển nhưng ở cấp độ vừa phải”- Minh Tâm nhận định.

Trong khi đó, thí sinh Minh Luân, Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền (Q.Tân Bình), chia sẻ: “Em chọn xét tuyển khối D, địa lý là môn chọn xét tốt nghiệp. Em nghĩ đề thi sẽ có sự phân hóa và sẽ có khoảng 70% là dễ dành cho thí sinh xét tốt nghiệp như em. Trong đó, phần biểu đồ chắc sẽ dễ ăn điểm”.

Do nhà gửi xe tới 6g mới mở cửa nên nhiều thí sinh tự đi xe máy tới trường từ sớm tranh thủ ôn bài, ăn sáng trước cổng trường.

Tại điểm thi Trường ĐH Sài Gòn, có ít thí sinh đến dự thi môn Địa lý. Các thí sinh đến sớm để xem lại đề cương, những bài tập biểu đồ và kiểm tra những dụng cụ học tập mang vào phòng thi. Một số thí sinh ôn phần những vùng kinh tế trọng điểm và biển Đông.

Trần Thanh Phong, THPT Cần Giuộc, tỉnh Long An, cho biết chọn môn Địa để xét tốt nghiệp vì là môn dễ lấy điểm, chỉ cần học bài sẽ có khả năng trên điểm trung bình.

“Em ôn kỹ phần dân số Việt Nam và biển Đông vì buổi thi thử ở trường cũng ra nội dung này. Hôm nay em thi thoải mái, không áp lực bằng các môn trước tại cũng là môn cuối rồi”, Phong nói.

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Trọng Linh khẳng định rất có thể đề ra biểu đồ cột kết hợp đường vì loại biểu đồ này rất quen thuộc. Ngoài ra, phần đọc atlat rất có khả năng đề sẽ cho đọc bản đồ tự nhiên những tỉnh thành giáp Trung Quốc và giáp biển Đông.

Từ 5g30 sáng các thí sinh có mặt tại trường ĐH Công nghệ (Q. Bình Thạnh) đã đến điểm thi.

"Năm nay em ôn tủ vấn đề nóng như biển đảo và lãnh thổ. Còn những phần khác em chỉ học sơ qua" - thi sinh Nguyễn Đình Chung thi tại điểm thi trường ĐH Công nghệ TP.HCM cho biết.

Ngày thi thứ ba, tâm lý của thí sinh tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) khá thoải mái. Đối với nhiều thí sinh, Địa là môn thi cuối cùng nên các thí sinh này vừa tranh thủ ôn bài vừa bàn kế hoạch đi chơi giải tỏa tâm lý sau thi. Một số thí sinh dự đoán đề địa lý năm nay sẽ có những vấn đề về tài nguyên biển của Việt Nam hoặc xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL.

Nguyễn Thị Huỳnh Lê, thí sinh đến từ trường THPT An Nhơn Tây, huyện Củ Chi thì nghĩ đề sẽ ra về vấn đề xâm nhập mặn ở khu vực ĐBSCL. "Em hy vọng đề ra biểu đồ cột hoặc miền, em rất sợ biểu đồ đường. Còn phần Atlat em nghĩ sẽ rất dễ vì đây thường là phần cho điểm thí sinh"

Chưa tới 5g30, tại điểm thi Trường THPT Gia Định đã có rất đông thí sinh và phụ huynh có mặt. Các thí sinh tranh thủ vừa ăn sáng vừa ôn bài khắp sân trường, quán nước, yên xe…

Thí sinh Thanh Phong, học sinh Trường THPT Bình Khánh, Cần Giờ, đi rất sớm và đang ôn lại bài: “Em lo sẽ vô phần bảy vùng kinh tế, kiến thức phần này nhiều nên em rất hay bị lộn”.

“Môn địa là môn khối của em nên em thấy không áp lực nhiều, lại có atlat hỗ trợ nữa nên yên tâm hơn”, thí sinh Mỹ Linh, học sinh Trường THPT Ngô Quyền, cho biết.

Xem thêm:

Cần Thơ: Đóng cửa hai điểm thi từ hôm nay

Sáng 3-7, tại cụm thi Cần Thơ chỉ còn có 1.117 thí sinh dự thi môn Địa lý tại 5 điểm.

Đa số thí sinh chọn môn Địa lý để xét tuyển ĐH khối C. Em Nguyễn Thị Huyền Trân, trường THPT Nguyễn Việt Hồng cho biết từ tối qua cố gắng xem lại toàn bộ bài học trong sách giáo khoa vì đề thi môn Văn hôm qua nằm sát khung chương trình nên Trân nghĩ môn địa lý cũng không ngoại lệ.

Ngăn nhân viên đa cấp tiếp cận thí sinh

Chị Trần Thị Thủy Tiên, phó bí thư đoàn trường ĐH Cần Thơ, cho biết vừa tăng cường trong khuôn viên trường ĐH Cần Thơ thêm 50 tình nguyện viên đứng tại 7 điểm thi. Do nhiều buổi thi vừa qua, có nhiều nhân viên đa cấp vô tận điểm thi phát tờ rơi, hỏi chuyện ghi lại thông tin cá nhân của thí sinh gây nhiều phiền toái và ảnh hưởng tâm lý thí sinh.

“Tình trạng này khó có thể dẹp bỏ nên chỉ còn cách các tình nguyện viên phải đi kiểm tra tất cả tại các điểm thi, hướng dẫn thí sinh vào phòng thi nhanh chóng không để nhân viên đa cấp tiếp cận”.

Trà Vinh: Miệt mài ôn bài trước giờ thi

Ghi nhận tại điểm thi 6,7 Đại học Trà Vinh nhiều thí sinh vẫn miệt mài ôn bài ở các ghế đá. Đa phần các thí sinh ngồi theo nhóm để trao đổi kiến thức với nhau. Đa số các thí sinh đều cầm atlat trên tay.

Thí sinh Lưu Thị Huyền Trân cho biết đề cương quá nhiều nên cũng không biết học phần nào, chỉ mong lấy điểm ở phần dân cư, atlat và biểu đồ. Vào biểu đồ cột hay đường thì dễ hơn.

Đến khoảng 6g45 bên ngoài cổng hội đồng thi lác đác một vài thí sinh vừa đi vừa ôn bài. Trong buổi sáng có một thí sinh quên compa, phụ huynh đã đến nhờ đội tiếp sức mùa thi hướng dẫn vào bên trong tìm con để đưa compa, tuy nhiên phụ huynh này cũng chỉ nhớ tên con chứ không nhớ phòng thi hay số báo danh.

Đà Nẵng: thí sinh “nghiêng” về đồng bằng sông Cửu Long

Sáng 3-7, thời tiết Đà Nẵng dịu mát, thí sinh bước vào ngày thi thứ ba trong tâm trạng phấn khởi. Đa số các thí sinh các thí sinh đều dự đoán đề thi địa năm nay sẽ ra về vấn đề hạn hán, biến đổi khí hậu ở đồng bằng sông Cửu Long.

“Từ sau tết đến nay em thấy mọi người đều nhắc tới vấn đề hạn mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. Vì đây là vựa lúa, nông nghiệp chính của nước ta nên em đoán đề không thể nào không có câu liên quan nơi đây”, thí sinh Lê Nguyễn Huy Kha, dự thi tại hội đồng Trường ĐH Sư phạm nhận định.

Theo Kha phân tích thì cứ năm nào có vấn đề thời sự ảnh hưởng tới toàn vùng thì đề thi lại hay có câu hỏi liên quan đến các địa phương ấy. Kha cho biết thầy cô của bạn cũng chung nhận định.

Trong khi đó, thí sinh Nguyễn Xuân Thì, dự thi tại hội đồng thi Trường ĐH Bách khoa lại mong đề thi địa lý tiếp tục có nhưng câu hỏi về Biển Đông. “Nếu như đề địa mà dễ đoán như mọi năm thì sẽ có nhiều thí sinh trúng tủ. Em nghĩ vấn đề hạn hán ở Tây nguyên và đồng bằng sông Cửu Long nếu có chỉ là phần phụ hoặc ra dạng vẽ biểu đồ chứ không dễ đoán như ta nghĩ”, Thì nói.

 

Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20160703/thi-dia-ly-180-phut-thi-sinh-mong-de-ratrong-sach/1130308.html