>> Tuyển sinh, tỉ lệ chọi 2014, điểm thi tốt nghiệp 2014, điểm thi đại học 2014

Nhìn lại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải xem xét những bất cập để tiếp tục đổi mới thi cử, giảm áp lực, lãng phí

Áp lực không giảm

PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng những gì chúng ta nhận thấy qua việc đổi mới kỳ thi này chính là khuyến khích học lệch. “Trước đây, thí sinh (TS) phải thi 6 môn nhưng năm nay chỉ thi toán, văn và 2 môn tự chọn. Việc này kéo theo hệ quả là học sinh lớp 10, 11, 12 chỉ học các môn thi chọn tốt nghiệp, các môn khác không được chú trọng. Đây là sai lầm quá lớn mà không biết bao giờ chúng ta mới khắc phục được” - PGS Cương nói.

Ông Cương nhìn nhận mỗi TS có một năng lực riêng nhưng khi chương trình - sách giáo khoa chưa thay đổi thì việc đổi mới thi cử khuyến khích học lệch như năm nay là phi lý. Bộ GD-ĐT đang khuyến khích thi gì học nấy chứ không phải học gì thi nấy.

Về mục tiêu giảm áp lực cho giáo viên, học sinh qua việc đổi mới thi cử, PGS Cương cho rằng áp lực không giảm đi mà còn căng thẳng hơn. “Đề thi phải ra cho 8 môn, mỗi môn lại có đề chính thức, đề dự bị. Mỗi buổi thi 2 ca tự chọn, mỗi ca chỉ cách nhau 70 phút thì liệu các hội đồng thi có căng thẳng hay không?” - PGS Cương băn khoăn.

Vẫn còn nhiều bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

Vẫn còn nhiều bất cập trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), cách thi vẫn còn nặng nề, giáo viên và học sinh cùng căng thẳng mà chưa đánh giá được năng lực thật của TS.

Các chuyên gia cho rằng việc xác định điểm thi tốt nghiệp không chỉ với 4 môn thi mà còn bằng điểm tổng kết lớp 12 là chưa hợp lý. Bởi lẽ, nếu điểm trung bình các môn học là 7 thì điểm thi tốt nghiệp chỉ cần 3 là đỗ. “Trước kia, điểm trung bình môn thi 4,9 vẫn trượt nhưng giờ chỉ 3,5 điểm/môn vẫn có thể đỗ, như thế liệu có đánh giá đúng năng lực TS?” - PGS Cương đặt vấn đề.

Đề thi phải hoàn thiện thêm

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 được đánh giá có bước đột phá trong công tác ra đề thi - một bước chuyển trong đổi mới giáo dục, thi cử. Tuy nhiên, các giáo viên phân tích đề thi vẫn còn những hạn chế cần rút kinh nghiệm và phải tiếp tục đổi mới cách ra đề.

Theo ThS Phạm Hồng Danh, Trung tâm Luyện thi ĐH Vĩnh Viễn, đề thi môn ngữ văn - một trong những đề thi có nhiều đổi mới - đã giúp giảm bớt nỗi sợ hãi của học sinh trong việc học văn, giảm áp lực đối với giáo viên trong dạy văn vì không còn phải học thuộc lòng. Tuy nhiên, theo một giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), đề văn năm nay tính văn học hơi ít so với tính xã hội. “Dù đổi mới thì đề thi môn ngữ văn vẫn phải có đất để TS phân tích, cảm thụ và thể hiện tâm hồn văn chương” - giáo viên này nhận xét.

Nhiều giáo viên cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên quy định mức điểm cụ thể trong đề thi. Ví dụ, môn ngữ văn câu 2 (7 điểm) gồm câu 2a và câu 2b thì nên ghi rõ số điểm của câu 2a và 2b để TS chủ động phân phối sức khi làm bài.

Đề thi môn tiếng Anh cũng có một số đổi mới trong kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng việc đưa thêm phần viết luận là không cần thiết vì gây khó khăn, có thể sẽ dẫn đến nhiều tranh cãi trong chấm thi. Thầy Phạm Tân Hoàng, giáo viên Trường THPT Vĩnh Viễn, kiến nghị không nhất thiết phải ra phần viết vì đối với thi tốt nghiệp THPT, việc kiểm tra bằng hình thức trắc nghiệm đã tương đối đủ, thêm kỹ năng viết không cần thiết mà rất khó cho các giáo viên chấm thi.

TS Nguyễn Tùng Lâm cho rằng với việc cải tiến đề thi và cách dạy - học chưa thông suốt, chưa thực sự đánh giá được năng lực TS, đây vẫn là kỳ thi đối phó, giáo viên vẫn “thả” vì tâm lý không ai muốn để học sinh trượt. “Phải tiếp tục đổi mới thi cử để kỳ thi tốt nghiệp đánh giá thực sự khách quan kết quả học tập của học sinh” - TS Lâm đề nghị.

Theo NLĐ