Sáng 3/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức hội nghị phổ biến quy chế thi và triển khai công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2015. Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ Giáo dục) Trần Văn Nghĩa đã giải đáp thắc mắc của lãnh đạo các trường THPT trên địa bàn.
Trước câu hỏi về thời gian đăng ký dự thi, ông Nghĩa cho biết sẽ kéo dài trong một tháng, từ 1/4 đến trước ngày 30/4. Khi làm hồ sơ, thí sinh cần lưu ý xác định mục đích tham dự kỳ thi là thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT, hay để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, hay nhằm cả hai mục đích, từ đó đánh dấu vào ô tương ứng trong phiếu đăng ký dự thi.
Cục phó Khảo thí và Kiểm định chất lượng Trần Văn Nghĩa. Ảnh: Hoàng Thùy.
Thí sinh phải xác định chính xác môn thi, nếu chỉ để xét công nhận tốt nghiệp thì phải đăng ký 4 môn thi, trong đó có các môn bắt buộc gồm Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn tự chọn. Để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, thí sinh cần căn cứ vào quy định xét tuyển của trường mà mình có nguyện vọng vào học để lựa chọn môn thi.
Ví dụ, nếu thí sinh dự tính đăng ký xét tuyển các ngành khối A (Toán, Lý, Hóa) và A1 (Toán, Lý, tiếng Anh) thì cần đăng ký thi 5 môn, trong đó 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Nếu môn tự chọn để xét tốt nghiệp là Lý thì môn chọn thêm là Hóa hoặc ngược lại.
Những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ những năm trước (thí sinh tự do) chỉ cần đăng ký thi các môn dùng để xét tuyển vào các ngành của trường đại học, cao đẳng.
Các thí sinh có thể đăng ký tối đa 8 môn thi. Đăng ký nhiều môn thi thì cơ hội xét tuyển nhiều hơn, nhưng cần cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo ôn thi đạt kết quả cao nhất.
Trong khi đăng ký dự thi, thông tin liên quan tới chế độ ưu tiên trong tuyển sinh cần điền chính xác vì các trường có quyền từ chối tiếp nhận hoặc buộc thôi học từ những sai sót khi kê khai.
Với bốn môn sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp thì mỗi môn phải đạt điểm lớn hơn 1 điểm, đồng thời trung bình cộng của tổng điểm các môn thi cùng với điểm khuyến khích, ưu tiên (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12 từ 5 điểm trở lên sẽ được công nhận tốt nghiệp THPT.
Ông Nghĩa cho biết, thí sinh sẽ được bảo lưu kết quả thi tốt nghiệp THPT khi thi đủ số môn và các môn đạt từ 5 điểm trở lên. Bảo lưu chỉ có tác dụng dùng trong xét tốt nghiệp THPT, còn muốn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thì thí sinh vẫn phải thi.
Cục phó Khảo thí cũng giải đáp thắc mắc của lãnh đạo các trường về thời gian và cách thức xét tuyển vào đại học. Theo đó, thời gian xét tuyển bắt đầu từ tháng 8, sau khi Bộ xác định ngưỡng chất lượng đầu vào.
Ở nguyện vọng 1, học sinh dùng giấy chứng nhận kết quả thi để đăng ký vào một trường với tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) với thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Các trường cập nhật dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường lên hệ thống quản lý dữ liệu tuyển sinh quốc gia và 3 ngày một lần công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả thi từ cao xuống thấp. Trong quá trình đó, thí sinh nếu cảm thấy không có nhiều cơ hội thì được phép rút hồ sơ để gửi sang trường khác xét tuyển.
Mỗi học sinh có 3 phiếu kết quả giống nhau để dùng cho các đợt xét tuyển bổ sung. Lúc này, các em có thể nộp đồng loạt ở 3 trường, mỗi trường có tối đa 4 ngành, nghĩa là được đăng ký 12 nguyện vọng. Tuy nhiên, ở lần xét tuyển bổ sung các em không được quyền rút hồ sơ như ở nguyện vọng 1.
"Đề thi năm 2015 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Thời gian thi tự luận các môn Toán, Văn, Sử, Địa là 180 phút; trắc nghiệm các môn Lý, Hóa, Sinh 90 phút. Ngoại ngữ nhiều khả năng sẽ có trắc nghiệm và tự luận. Dự kiến khoảng 15/3 Bộ sẽ có hướng dẫn thực hiện quy chế", ông Nghĩa cho hay.
Theo VnExpress, tin gốc: http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/tuyen-sinh/thi-sinh-bat-dau-dang-ky-du-thi-tu-1-4-3152791.html