>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Nhận định này được đưa ra trong đề tài nghiên cứu khoa học đánh giá hiệu quả mô hình giáo dục tiểu học mà UBND tỉnh Tiền Giang vừa nghiệm thu.

Có ba chuyên đề được tập trung nghiên cứu là: dạy tiếng Anh, dạy hai buổi/ngày và dạy theo nhóm môn.

Quan điểm chưa đúng ngành giáo dục tiểu học

* Ông nói có một số quan điểm chưa đúng trong giáo dục tiểu học, đó là gì?

- Tôi lấy ví dụ về dạy môn tiếng Anh tiểu học. Nhiều người nói rằng: “Trẻ chưa biết mặt chữ, chưa đọc được chữ thì làm sao học tiếng Anh?”. Quan điểm này sai lầm vì một đứa trẻ sinh ra cho đến 4-5 tuổi thì chỉ nghe rồi lặp lại (bắt chước). Nhiều lần thành thói quen và tự nói được. Sau đó trẻ mới đi học chữ. Học tiếng Anh cũng vậy, các cháu nhỏ nghe tiếng Anh riết thành quen và nói được, chuẩn hơn người lớn học tiếng Anh.

Bộ GD-ĐT chủ trương dạy tiếng Anh từ lớp 3, nhưng tại Tiền Giang chúng tôi dạy thử nghiệm từ lớp 2 và đạt kết quả rất tốt. Thậm chí có thể triển khai dạy từ lớp 1 nếu có đủ giáo viên và trang thiết bị điện tử hỗ trợ. Phần lớn ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên tiếng Anh lẫn phụ huynh được khảo sát cho rằng nếu trẻ học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Điều này phù hợp với quan điểm của các nước tiên tiến trên thế giới mà tôi đã đi tìm hiểu. Cho nên tới đây tỉnh Tiền Giang sẽ dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 2 và dần bắt đầu từ lớp 1 khi có điều kiện.

* Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình dạy tiểu học truyền thống “một giáo viên/lớp” và mô hình “một lớp có nhiều giáo viên” mà Tiền Giang đang áp dụng có gì khác, thưa ông?

- Tiền Giang là một trong số ít địa phương đầu tiên thực hiện mô hình dạy theo nhóm môn ở cấp tiểu học, tức một lớp nhiều giáo viên thay cho mô hình một giáo viên/lớp từ năm 2008. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 43% phụ huynh cho rằng con em họ sẽ học tốt với một giáo viên/lớp. Tỉ lệ này ở giáo viên chỉ có 29%. Riêng cán bộ quản lý các trường thì không đồng tình một giáo viên/lớp. Còn khi khảo sát mô hình một giáo viên/môn học ở một vài nơi đang thí điểm thì có tới 83% phụ huynh và 76% giáo viên đồng tình. Điều đó cho thấy phụ huynh lẫn giáo viên đều nhận thấy mô hình một giáo viên/lớp đã lạc hậu, không còn phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ của trẻ bây giờ.

Mô hình một giáo viên/lớp có rất nhiều hạn chế như: học sinh thụ động, không phát huy hết sự sáng tạo, tìm tòi ở những môn học các em thích khi giáo viên không giỏi môn đó. Thực tế không có giáo viên nào giỏi tất cả các môn mà mình dạy nên chắc chắn sẽ dành nhiều thời gian dạy môn thế mạnh, với môn mình không mạnh có thể đọc chép hoặc qua loa cho hết giờ. Phụ huynh hay nhà trường phát hiện thì học sinh có thể đã phải “chịu trận” cả năm học vì thay đổi không đơn giản. Ngoài ra còn có tình trạng đánh giá học sinh không khách quan, thích em nào (hoặc phụ huynh nào) thì đánh giá, cho điểm cao em đó và ngược lại.

Mô hình phù hợp cho giáo dục tiểu học

* Nhưng nếu dạy theo mô hình một giáo viên/môn thì chắc chắn không đủ giáo viên. Còn nếu bố trí một giáo viên dạy nhóm môn thì mô hình nào phù hợp?

- Hiện không có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên tiểu học theo môn mà họ giỏi để tuyển dụng. Cho nên ngành giáo dục phải linh động trong việc này. Hiện ở Tiền Giang hơn 90% trường tiểu học đã tổ chức dạy theo nhóm môn, tức một giáo viên dạy 1-2 môn. Tuy nhiên cũng chưa thống nhất cách làm, có nơi giáo viên dạy hai môn toán và tiếng Việt, nơi thì bố trí giáo viên dạy toán và các môn tự nhiên, còn tiếng Việt chung với các môn xã hội.

Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình “giáo viên toán thì dạy luôn các môn tự nhiên, còn giáo viên dạy tiếng Việt kèm các môn xã hội” thì học sinh rất thích học mà hiệu quả cao hơn. Nếu bố trí giáo viên vừa dạy toán vừa dạy tiếng Việt thì rất nguy hiểm bởi đây là hai môn chính, giáo viên sẽ tự cho mình quyền lực đánh giá, dễ xảy ra tiêu cực. Mặt khác, giáo viên dạy các môn phụ sẽ không nhiệt tình, tự ti, ảnh hưởng đến học sinh. Tới đây tỉnh sẽ thống nhất dạy theo nhóm môn từ học kỳ 2 lớp 1. Trung bình một lớp có khoảng sáu giáo viên dạy theo mô hình nhóm tự nhiên, xã hội riêng. Ngoài ra còn có giáo viên âm nhạc, thể dục, mỹ thuật, tiếng Anh riêng. Để đáp ứng nhu cầu giáo viên, tỉnh sẽ tăng cường bồi dưỡng cho giáo viên theo thế mạnh nhóm môn họ phụ trách trong hè; xây dựng ngân hàng đề kiểm tra, đề thi để tạo ra sự công bằng trong đánh giá.

* TS Trần Thanh Đức:

Học 2 buổi/ngày là tất yếu

Kết quả nghiên cứu khẳng định học hai buổi/ngày là xu thế tất yếu bởi vì số lượng học sinh khá, giỏi tăng lên rõ rệt. Những nơi có tổ chức bán trú thì phụ huynh không phải đưa đón nhiều lần trong ngày. Nhà trường lo ăn uống, học hành suốt cả ngày nên họ có thời gian làm việc khác. Buổi học thứ hai trong trường các em được học nhiều môn bổ trợ, được sinh hoạt nhóm, chơi thể thao, học âm nhạc, mỹ thuật... giúp hình thành những kỹ năng ở lứa tuổi tiểu học. Học sinh về nhà không phải học bài, không phải học thêm.

Hiện 2/3 số trường tiểu học tại Tiền Giang đã tổ chức dạy hai buổi/ngày. Tuy nhiên do thiếu trường lớp nên có nơi tổ chức bán trú cho học sinh, có nơi cuối buổi sáng phụ huynh đón về, đầu giờ chiều lại đưa vào. Ở những nơi này, phụ huynh không hài lòng vì việc đưa đón con bốn lần/ngày gây nhiều phiền phức cho họ, nhất là những người đi làm. Vấn đề này tỉnh cũng đã nhìn thấy và có kế hoạch tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để tất cả các lớp ở tiểu học đều có bán trú. Trước mắt đến năm 2015, tất cả trường tiểu học đều dạy hai buổi/ngày theo điều kiện của mình.

Theo TTO