>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp
Ngày 5/5, ông Ngô Văn Sự, Phó phòng giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, năm nay thành phố có 152.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng; giảm hơn 10.000 so với năm trước.
Các khối kinh tế, tài chính, nông nghiệp vẫn chiếm ưu thế. Trường nhận hồ sơ nhiều nhất là ĐH Công nghiệp với 8.100 bộ, tiếp đến là ĐH Kinh tế Quốc dân với hơn 6.000. "Dù được cảnh báo về số lượng dư thừa nguồn nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, thí sinh vẫn đăng ký dự thi vào nhóm ngành này với số lượng khá cao", ông Sự cho hay.
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 49.000 hồ sơ đăng ký dự thi trong đó hồ sơ cao đẳng là gần 2.400 (chiếm 4,8%) và đại học 46.600 (chiếm 95,2%). Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Thanh Hóa, cho biết, số lượng hồ sơ đã giảm 14.000 bộ so với năm 2013. Trong khi năm 2013 giảm gần 16.000 so với 2012.
Năm nay hồ sơ đăng ký dự thi vào đại học giảm, nhưng tỷ lệ đăng ký vào kinh tế, tài chính vẫn cao. |
Năm nay, top 10 trường được thí sinh tại Thanh Hóa lựa chọn nhiều nhất theo thứ tự: ĐH Công nghiệp Hà Nội, Hồng Đức, ĐH Nông nghiệp, Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, Học viện Tài chính, ĐH Y Thái Bình, ĐH Tài nguyên môi trường, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thương mại, ĐH Giao thông vận tải.
"Chỉ 10 trường nêu trên đã chiếm 44,3% hồ sơ đăng ký dự thi trong tổng số 290 trường đại học. Như vậy các em đăng ký thi kinh tế, tài chính vẫn rất đông", ông Long nhận xét.
Với khoảng 40.000 học sinh tốt nghiệp THPT năm 2014 nhưng chỉ có 49.000 hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng, theo ông Long, việc phân luồng học sinh đã được thực hiện rất tốt. Số em tốt nghiệp đi kiếm việc làm luôn khá nhiều, đa phần là do cả học sinh và gia đình đều xác định "không cố kiếm tấm bằng đại học nữa".
Lượng hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng năm nay của tỉnh Bến Tre là khoảng 17.000 bộ, giảm 3.400 hồ sơ với năm trước. Khối A vẫn được thí sinh lựa chọn nhiều nhất với hơn 7.500 hồ sơ, khối C đạt 902. "Hồ sơ đăng ký dự thi giảm do số học sinh tốt nghiệp giảm và công tác hướng nghiệp có tác dụng hơn. Học sinh hiểu được khả năng, biết sức mình tới đâu nên xác định được nghề nghiệp chính xác hơn", bà Sa nói.
Bộ Giáo dục vừa cho phép tuyển sinh trở lại một số ngành. Ở khu vực phía Bắc bao gồm: ngành Sư phạm Mỹ thuật và Sư phạm Âm nhạc (ĐH Hùng Vương - Phú Thọ); Nhiếp ảnh, Công nghệ Điện ảnh - Truyền hình (ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội); Kinh tế xây dựng (ĐH Kiến trúc Hà Nội); Kế toán (ĐH Nông lâm Bắc Giang); ngành Công nghệ thông tin (ĐH Phạm Văn Đồng); Văn học (ĐH Dân lập Phú Xuân); Công nghệ đa phương tiện (ĐH Hòa Bình); Việt Nam học và Công nghệ Kỹ thuật Môi trường (ĐH Phương Đông), Thiết kế đồ họa (ĐH Nguyễn Trãi) và ngành Việt Nam học (ĐH Hoa Lư).
Ở khu vực miền Trung có: ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng và ngành Công nghệ Kỹ thuật Ô tô (ĐH Nha Trang); Sư phạm Sinh học, Sư phạm Ngữ văn, Quản lý tài nguyên môi trường, Giáo dục Tiểu học, Giáo dục Mầm non (ĐH Quảng Bình); Công nghệ thông tin (ĐH Quảng Nam); Quản lý nhà nước (ĐH Quy Nhơn); Giáo dục Mầm non và Công nghệ chế tạo máy (ĐH Hải Phòng).
Ở khu vực phía Nam có: ngành Ngôn ngữ Nhật (ĐH Sư phạm TP HCM); Ngôn ngữ Tây Ban Nha (ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP HCM); Hải dương học (ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP HCM); Công nghệ may (ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM); Kế toán (ĐH Tài chính – Marketing); Kỹ thuật phần mềm và ngành Truyền thông - Mạng máy tính (ĐH Quốc tế miền Đông); Việt Nam học (ĐH Thành Đô); Điều dưỡng và Ngôn ngữ Trung Quốc (ĐH Quốc tế Hồng Bàng).
Để thuận lợi cho thí sinh nộp hồ sơ vào những ngành học này, Bộ GD&ĐT cho phép nhiều trường gia hạn cho thí sinh nộp hồ sơ đăng ký tại trường đến hết ngày 9/5 thay cho thời hạn quy định chung là đến hết ngày 29/4.
Theo Vnexpress