Tin liên quan:
>> Gần 1000 thí sinh trên 27 điểm
Rớt nguyện vọng (NV) 1 không phải là đường cùng với thí sinh (TS) vì vẫn còn nhiều cơ hội khác.
Theo dõi thường xuyên thông tin của các trường
Ông Nguyễn Quốc Cường - chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT, cho biết: “Theo thống kê của Bộ, số chỉ tiêu dành cho xét tuyển ở các trường là rất lớn nên cơ hội cho TS rất nhiều. Tuy nhiên, việc TS có thể tìm thấy cơ hội trúng tuyển cho mình hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố”. Ông Cường phân tích thêm: “Năm nay các trường được chủ động trong việc đưa ra số lần xét tuyển, khoảng thời gian và cách nhận hồ sơ khác nhau. Dù theo quy định của Bộ, thời gian xét tuyển tối đa tới 30.11 nhưng có trường lại kết thúc ngay việc xét tuyển trong tháng 8 hoặc đầu tháng 9, và chỉ xét một đợt. Vì thế việc TS cần làm là nên theo dõi chặt chẽ kế hoạch của trường mình muốn nộp hồ sơ vào để không mất cơ hội”.
TS cũng cần chú ý đến việc cân nhắc lựa chọn đúng ngành, trường tham gia xét tuyển để có khả năng trúng tuyển cao. Ngoài ra, nên cập nhật thông tin thường xuyên về số lượng hồ sơ xét tuyển từng ngành trên website của trường để biết khả năng trúng tuyển hay không.
Một vấn đề mà nhiều TS băn khoăn là chọn trường học hay ngành học. Ông Cường khuyên: “Trong trường hợp này, TS nên chọn ngành học mình yêu thích vì công việc sẽ gắn bó với mình suốt cuộc đời. Như vậy, chọn một bậc học thấp hơn hoặc một trường học không theo ý muốn ban đầu để theo đuổi ngành học mình thích là việc nên làm. Chỉ yêu thích thì mới có thể học tốt và làm tốt công việc khi ra trường”.
Cơ hội dưới điểm sàn
Ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, thông tin: “Rất nhiều hướng đi cho TS không đủ điểm sàn, chẳng hạn các ngành học bậc TCCN, trung cấp nghề và CĐ nghề. Riêng tại TP.HCM năm nay có tới 14.000 chỉ tiêu bậc trung cấp nghề và 18.000 chỉ tiêu bậc CĐ nghề”. Ông Hiệp nói thêm: “Các bậc học này có những ưu thế riêng: thời gian học ngắn, có thể đi làm sớm. Nếu tốt nghiệp THPT thì chỉ cần một năm có thể nhận được bằng trung cấp nghề, CĐ nghề thì 3 năm. Thậm chí, với học sinh tốt nghiệp THCS thì chỉ cần 4 năm để nhận bằng trung cấp nghề, đồng thời hoàn thành chương trình văn hóa tương đương tốt nghiệp THPT. Hoàn tất các bậc học này, học viên vừa có thể đi làm vừa tiếp tục học lên cao với hình thức liên thông từ bậc trung cấp lên CĐ, ĐH”.
Nói về cơ hội việc làm, ông Hiệp so sánh: “Dù bằng cấp không cao nhưng khả năng kiếm tiền của học viên tốt nghiệp các bậc học này thực sự hấp dẫn. Nếu một sinh viên tốt nghiệp ĐH vào làm việc trong cơ quan nhà nước sẽ có mức thu nhập trung bình 3 triệu đồng/tháng thì học viên nghề tốt nghiệp lĩnh vực cơ khí, khách sạn nhà hàng có thể được trả trung bình 5 triệu đồng/tháng. Hiện nay, nhu cầu lao động trình độ nghề ở một số lĩnh vực đang rất “nóng” như: cơ khí, điện, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin, công việc trong khách sạn, nhà hàng, tiếp thị, bảo hiểm…”.
“Nhiều phụ huynh và TS quan niệm học nghề chỉ là sự lựa chọn cuối cùng nhưng thực tế khả năng thất nghiệp ở bậc học này rất thấp”, ông Hiệp tâm tư. Cùng quan điểm, ông Cường cho rằng: “Ở bậc TCCN, trung cấp và CĐ nghề hầu hết đều có những ngành nghề mà ở bậc ĐH, CĐ đang có. Do vậy, nếu nhắm thấy khả năng bản thân có hạn thì có thể vào học ở bậc thấp hơn để liên thông lấy bằng ĐH sau này. Đây có thể sẽ là con đường thành công tiết kiệm thời gian nhất nếu bạn biết chọn lựa đúng đắn và kịp thời”.
Tin đang được quan tâm:
ĐIỂM THI - ĐIỂM THI 2012 - ĐIỂM THI ĐẠI HỌC NĂM 2012
ĐIỂM CHUẨN - ĐIỂM CHUẨN 2012 - ĐIỂM CHUẨN ĐẠI HỌC 2012
TUYỂN SINH - THÔNG TIN TUYỂN SINH, TIẾNG ANH - HỌC TIẾNG ANH
Kênh Tuyển Sinh
(Theo: Thanhnien)