>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, đề thi đại học
TP.HCM: Chưa tới 10% học sinh chọn thi môn sử
Trong khi môn Vật Lý, Hóa học có hơn 60%, môn tiếng Anh chiếm 70-80%, thì các môn xã hội như Lịch Sử, Địa lý đa số các trường THPT tại TP.HCM chỉ có khoảng 2% học sinh chọn lựa.
Theo lãnh đạo nhiều trường, việc các em học sinh chọn môn thi tốt nghiệp như thế ít nhiều cũng do ảnh hưởng bởi sự phân hóa khối thi ĐH. Thêm vào đó, việc các em ít lựa chọn sử không phải vì ghét các môn học này mà do tâm lý sợ không giành điểm tối đa ở các môn này, ngại phải học bài nhiều...
Thi khối C cũng né môn Sử Tại TP.HCM
Sau khi cho học sinh đăng ký chính thức các môn tự chọn để tiến hành công tác ôn tập, lãnh đạo nhiều trường THPT cho biết tỷ lệ học sinh lựa chọn môn Lịch sử rất thấp. Chẳng hạn, tại Trường THPT Long Trường (Q.9), trong gần 300 học sinh lớp 12, chỉ có khoảng 20 em đăng ký môn sử. Tương tự, THPT tư thục Hồng Đức (Q.Tân Phú) chỉ có 3 em chọn môn sử; THPT Lương Thế Vinh (Q.1) chưa đến 2%…
Chưa tới 10% học sinh tại TPHCM chọn thi tốt nghiệp môn Sử
Hàng loạt trường ngoài công lập khác như THPT Nguyễn Khuyến, THPT dân lập Quốc Văn Sài Gòn, THPT dân lập Tân Phú... tỷ lệ học sinh chọn môn Sử đều dưới 5%. học sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2013 tại TP.HCM. Thực trạng học sinh chọn thi môn sử ở các trường THPT công lập, trường điểm cũng không khả quan. Ở THPT Gia Định (quận Bình Thạnh) chỉ có 25 học sinh chọn môn Lịch sử, chiếm khoảng 2,4%. Tương tự, THPT Marie Curie (Q.3) cũng chỉ chỉ có 57 học sinh lựa chọn môn Sử; THPT Nguyễn Trãi (Q.4) có tỷ lệ học sinh chọn môn Sử là 4,3%.
Trong khi đó, ở mức 16% học sinh chọn thi Sử, THPT Nguyễn Thái Bình (Q.Tân Bình) được xem là một trong những trường công lập có tỷ lệ học sinh chọn môn Sử cao nhất TP.HCM. Tuy nhiên, thầy Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Con số này đã giảm so với khảo sát trước đó vài tuần và có thể tiếp tục giảm vì trường cũng chưa chốt danh sách để tiến hành tổ chức ôn luyện”.
Đại đa số các trường THPT tại TP.HCM có tỷ lệ học sinh chọn môn Sử chỉ từ 2% đến 5%, thậm chí có trường chưa tới 1%. Đáng nói, không chỉ các học sinh khối tự nhiên ngại môn sử mà ngay cả học sinh khối C cũng tránh môn này. Chẳng hạn, tại THPT tư thục Hồng Đức (Q.Tân Phú) có hơn 20 học sinh thi đại học khối C nhưng chỉ có 3 em chọn môn Sử để thi tốt nghiệp.
Quay lưng với môn Sử là… tất yếu?
Lý giải việc có ít học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp môn Lịch sử trong năm nay, Bà Nguyễn Thị Thu Cúc, Hiệu trưởng trường THPT Gia Định cho hay: “Trước khi các em đăng ký, nhà trường đã tư vấn các em nên lựa chọn môn thi nào mà mình cảm thấy khả năng giành được điểm cao nhất, chính vì vậy đa số các em học sinh chọn môn tiếng Anh và thêm 1 trong 2 môn Vật lý, Hóa học. Riêng với Lịch sử các em ít chọn có thể không phải vì không thích môn học này mà do phải tính toán phương án để đạt được điểm cao nhất có thể trong các kỳ thi”. Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Vân, Hiệu trưởng trường THPT Marie Curie (Q.3): “Đa số các em chọn môn Ngoại ngữ vì đây là thế mạnh. Môn còn lại thì các em chọn giữa 2 môn là Vật lý, Hóa học để thuận tiện trong quá trình ôn thi vì mục tiêu của nhiều học sinh là vào ĐH-CĐ”.
Trong khi đó, với nhiều giáo viên Lịch sử thì lại cho rằng việc các em học sinh quay lưng với môn này là do cách dạy, học và thi môn này quá cứng nhắc, phức tạp. Một giảng viên khoa Lịch sử của ĐH Sư phạm TP.HCM, thắng thắn: “Việc ít học sinh chọn thi môn Sử không phải vì các em chán ghét mà là do cách ra đề lâu nay vẫn theo khuôn mẫu cứng nhắc, ép các em phải học thuộc và ghi nhớ quá nhiều. Đó là chi tiết hàng trăm sự kiện lịch sử xuyên suốt nhiều cấp học (ngày tháng, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa). Chỉ cần sơ suất nhỏ là mất điểm nên các em đã chọn Anh văn và các môn tự nhiên làm môn thi tốt nghiệp của mình. Nếu chúng ta cải tiến được cách dạy, cách học, cách ra đề theo hướng gợi mở thì chắc chắn tỷ lệ học sinh đến với môn Sử sẽ cao hơn”.
Trong khi đó trao đổi với phóng viên, nhiều học sinh lớp 12 tại TP.HCM bộc bạch: “Tuy rất yêu thích môn Sử nhưng vì mục tiêu của là kỳ thi ĐH sắp tới nên chúng em chọn môn thi tự chọn trùng với khối ĐH để vừa giảm bớt thời gian ôn tập, vừa có thời gian ôn thêm kiến thức sâu hơn”.
Sở chỉ đạo các trường không được cắt xén chương trình “Sở đã có công văn gửi Hiệu trưởng các trường THPT toàn toành phố về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2014. Ở công văn này Sở đã chỉ đạo rõ các trường phải hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của Sở GDĐT phù hợp với hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2013-2014 và Hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông của Bộ GDĐT. Tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định” - Ông Nguyễn Hoài Chương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM.
Nguồn Zing News