>> Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, nguyện vọng 2

Mặc dù Bộ GD-ĐT cho biết năm nay cách tính điểm sàn sẽ đảm bảo nguồn tuyển tối ưu cho các trường, tuy nhiên, rất nhiều trường vẫn lo lắng và “tung” nhiều chiêu để hút thí sinh, dồn tận lực cho cuộc đua nguyện vọng bổ sung.

Hồ sơ xét tuyển: Nơi thừa, nơi thiếu

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng thí sinh trên mức điểm sàn rất lớn. Ở hệ ĐH, số thí sinh dôi dư của các khối A, A1, B, C, D lên đến 238.768 thí sinh (năm 2012 là 141.000 thí sinh, tăng gần 100.000 thí sinh). Trong khi đó, hệ CĐ số thí sinh dư trên mức điểm sàn là 162.405 thí sinh.

Chính vì thế, sẽ là cuộc cạnh tranh gay gắt để tranh suất vào các trường công lập. Chỉ trong ngày đầu tiên xét tuyển, ĐH Sài Gòn đã nhận được hơn 500 hồ sơ, và sau một tuần, số hồ sơ gửi đến trường đã là 3.581 hồ sơ, trong khi nhà trường thông báo xét tuyển vọng 2 của hệ đại học và cao đẳng là 1.235 chỉ tiêu.

Cũng chỉ trong một buổi sáng ngày đầu tiên (20/8), ĐH Tôn Đức Thắng cũng nhận được gần 400 hồ sơ. Trang web của trường mới cập nhật đến ngày 21.8 đã có 1.288 hồ sơ. ĐH Tài chính - Marketing công bố xét tuyển NV2 là 200 chỉ tiêu, tính đến thời điểm này, trường đã nhận được 1.048 hồ sơ.

Học viện Ngân hàng tuyển 30 chỉ tiêu xét tuyển nguyện vọng 2 khối D1 vào hệ đại học. Tuy nhiên, theo thống kê của trường tính vào thời điểm này, số lượng hồ sơ nộp xét tuyển là 733, gấp hơn 25 lần chỉ tiêu cần lấy, trong khi thời hạn hồ sơ xét tuyển còn nhiều.

Trái ngược với tình hình khả quan của các trường trên, nhiều trường vẫn khó khăn trong việc nhận hồ sơ xét tuyển.

Trường ĐH Kinh tế Tài chính xét tuyển 1.000 chỉ tiêu nhưng đến nay số hồ sơ nhà trường nhận được vẫn ở dưới mức chỉ tiêu. Các trường NCL cũng chỉ nhận được hồ sơ một cách “nhỏ giọt”.

Hiệu trưởng một trường ĐH NCL chia sẻ: “Năm nào chúng tôi cũng phải xếp hàng sau các trường công, xét tuyển đến ngày cuối cùng của kỳ hạn mà vẫn không đủ chỉ tiêu. Đến các trường công lập còn xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ thì thử hỏi còn suất nào cho các trường dân lập, tư thục? Cuộc “đua” này luôn không ở thế cân bằng”.

Có điểm đặc biệt là năm nay, thí sinh không mặn mà với những ngành luôn được coi là “hot” như Quản trị kinh doanh, Tài chính ngân hàng, Kế toán.

Mặc dù Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường phải công khai danh sách thí sinh đăng ký nguyện vọng bổ sung nhưng khá nhiều trường đã “phớt lờ” điều này. Website của ĐH Hà Hoa Tiên chỉ có thông tin về chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Tương tự như vậy, trang chủ của ĐH Văn Lang chỉ có mục kiểm tra nộp hồ sơ nguyện vọng bổ sung chứ không hề có số liệu cụ thể.

Xét tuyển có… ưu đãi

Để hút thí sinh, giải pháp tài chính luôn là lựa chọn hàng đầu của các trường với các chiêu như tặng quà, tặng học bổng, miễn giảm học phí, chỗ ở ký túc giá rẻ…

ĐH Tân Tạo (Long An) còn tặng luôn cả 250 suất học bổng toàn phần cho các thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình. Học bổng bao gồm toàn bộ học phí, tiền ăn, ở của thí sinh trong năm đầu tiên. Mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển từ 17 đến 21 điểm, tùy từng ngành. Trong thông báo tuyển sinh, trường cũng không quên nhấn mạnh: “Số lượng học bổng có hạn, ưu tiên cho các ứng cử viên nộp đơn sớm".

Không có mức “khuyến mại” lớn như ĐH Tân Tạo, ĐH Lương Thế Vinh (Nam Định) cho biết sẽ xét miễn giảm học phí cho thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn từ 2 điểm trở lên trong năm thứ nhất.

Trường ĐH Nguyễn Trãi (Hà Nội) cho biết, 300 thí sinh đầu tiên sẽ được giảm 20% học phí (học phí trường này là 1.650.000 đồng/tháng. Tại ĐH Dân lập Phương Đông mức ưu đãi là giảm 30% học phí cho con em các dân tộc thiểu số.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định nếu trường chỉ dùng tiền để chiêu sinh sẽ không hiệu quả. Đồng thời, lưu ý thí sinh và gia đình cân nhắc, tránh chọn một trường ĐH, CĐ nào đó chỉ vì “rung động” trước những ưu đãi “khủng”.

 

Theo: Petrotime - Tin bài gốc