>> Giáo dục, tuyển sinh, điểm thi đại học, điểm thi tốt nghiệp

Quyết định của Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ. Một số ý kiến cho rằng, nếu không có điểm sàn dễ dẫn tới tình trạng loạn tuyển sinh, các trường tuyển sinh bừa bãi...

Các trường quy định tiêu chí thay cho điểm sàn

Trao đổi với PV, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) đưa ra nhận định khi Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn trong kì tuyển sinh 2014.

Việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, liệu có xảy ra tình trạng các trường ĐH ngoài công lập có tuyển sinh vô tội vạ không, thưa ông?

Việc bỏ điểm sàn không chỉ liên quan riêng tới khối trường ĐH, CĐ ngoài công lập mà liên quan đến toàn hệ thống. Quan điểm của tôi là không nên bỏ điểm sàn tuyển sinh ĐH, CĐ, vì bỏ điểm sàn dễ dẫn tới tình trạng loạn tuyển sinh, chất lượng đầu vào khó kiểm soát, tuyển sinh bừa bãi...

Bộ có quyết định bỏ điểm sàn, nhưng theo tôi chỉ là bỏ điểm sàn của Bộ thôi, chúng ta vẫn có điểm sàn, và điểm sàn này sẽ trao trở lại cho các trường ĐH, CĐ, trường đó tự quyết định.

Điều này hoàn phù hợp với Luật Giáo dục đại học, như Nghị quyết Trung ương 8 đề ra. Tiến tới chủ trương cho các trường ĐH, CĐ tự chủ trong tuyển sinh, thì đương nhiên các trường được tự chủ trong việc lựa chọn điểm sàn.

Vậy chúng ta có tiêu chí nào mà khi bỏ điểm sàn mà vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào tuyển sinh, thưa ông?

Các trường ĐH, CĐ  phải căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp để lấy sinh viên. Về lâu dài, kỳ thi tốt nghiệp theo tôi là kỳ thi quốc gia chung, các trường căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp để lấy sinh viên.

Các trường quy định tiêu chí thay cho điểm sàn

Các trường quy định tiêu chí thay cho điểm sàn

Bộ GD&ĐT nên yêu cầu các trường phải công bố trước tiêu chí tuyển chọn của mình. Không những phải công bố với Bộ để Bộ duyệt mà còn công bố với toàn xã hội, để tất cả từ thí sinh, phụ huynh… thấy được yêu cầu tuyển đầu vào của trường đó như thế nào.

Vậy các trường ĐH, CĐ đặt ra điểm sàn và tuyển sinh như thế nào, thưa ông?

Tùy theo thương hiệu, theo yêu cầu của các trường ĐH, CĐ mà có thể đặt ra các tiêu chí khác nhau về đầu vào của trường hay đầu vào của ngành đó. Trường có quyền đặt ra mức độ đối với các điểm cụ thể cho môn thi cụ thể, trường cũng có thể đặt thêm ra những yêu cầu khác mang tính chất bổ sung, như: Phỏng vấn, thi môn bổ sung, đây là quyền của các trường.

Còn hành lang tiêu chí tuyển sinh chung có thể do Bộ đặt ra. Như ở các nước trên thế giới, kinh nghiệm của họ dựa vào tiêu chí xét kết quả tốt nghiệp THPT hoặc tương đương để tuyển sinh đầu vào ĐH, CĐ. Trên thực tế ở ta các trường liên doanh, liên kết nước ngoài thực tế tuyển sinh cũng dựa trên tiêu chí tốt nghiệp THPT, chứ không dựa vào kết quả tuyển sinh đại học.

Ngoài ra, các trường đó còn có các yêu cầu thêm có thể là nộp học bạ, bảng điểm, có thể yêu cầu thêm bài thi trắc nghiệm…

Vậy các trường đặt ra điểm sàn “ảo” để tuyển sinh bừa bãi thì sao, thưa ông?

Bộ GD&ĐT phải giữ chặt chỉ tiêu tuyển sinh chứ! Rồi tiến hành kiểm định chất lượng giáo dục, để kiểm định không chỉ đầu vào mà cả đầu ra. Kiểm định không chỉ có Bộ làm mà cần mở rộng ra toàn xã hội, thậm chí là tổ chức tư nhân.

Nếu trường tuyển quá chỉ tiêu, thì Bộ phải có chế tài tuýt còi. Khi Bộ đã công bố chỉ tiêu, thì các trường ĐH, CĐ cứ theo nguyên tắc mà làm lấy từ trên xuống dưới.

Song hành với đó, chúng ta phải có một vài tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, có thể xếp hạng các trường, mà khi đã xếp hạng trường nào rơi vào hạng kém đã công bố thì không học sinh nào thi vào trường đó. Khi công bố như vậy các trường phải biết lượng sức mình và có chừng mực nào đó, chứ không thể tuyển sinh “ảo”, bừa bãi được…

Bản thân các tổ chức kiểm định phải nghiêm túc, công khai, minh bạch. Nếu chúng ta làm được điều này, lúc đó sẽ không sợ chất lượng đầu vào của các trường  ĐH, CĐ giảm xuống. Các trường ĐH,CĐ được giao cho tự chủ tuyển sinh mà không công khai minh bạch trong tuyển sinh, đào tạo hoặc công khai nhưng làm một nẻo, lúc đó bất cứ ai đó phát hiện thì Bộ phải xử lý ngay.

Theo tác giả Nguyễn Hiếu, Infornet