>> Giáo dục, đào tạo, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Trước thông tin Bộ GD-ĐT trừ thi đua những địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội bằng văn bản, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận khẳng định, trong tình hình thực tế, với các điều kiện đảm bảo chất lượng của cả các địa phương, việc tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT tăng đột biến so với các năm trước là chưa hợp lý.

Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT toàn quốc tháng 3/2013 tiếp tục khẳng định quyết tâm thực hiện nghiêm túc những chủ trương trên và thống nhất: Chấm thẩm định ở cả 63/63 tỉnh, thành phố; Danh hiệu thi đua của những tỉnh, thành phố có tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm 2013 tăng cao so với những năm trước sẽ được xem xét, công nhận sau khi có kết quả chấm thẩm định của Bộ.

thi tốt nghiệp

Học sinh trao đổi sau khi làm xong bài trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013

Sự công nhận về tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp ở một số địa phương tăng đột biến là bất hợp lý và sẽ xem xét lại danh hiệu thi đua của các địa phương dựa vào kết quả thẩm định kỳ thi tốt nghiệp THPT của người đứng đầu ngành giáo dục được đưa ra trong lúc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI bàn thảo và đóng góp ý kiến cho Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục”- dự thảo quan trọng nhằm góp phần khắc phục những yếu kém, hạn chế của nền giáo dục hiện nay.

Thực tế, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT có nhiều mâu thuẫn với điều kiện giảng dạy, học tập ở các địa phương từ nhiều năm nay và đã được báo chí phản ánh rất nhiều nhưng mới đây lại được Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận công nhận khi nó bị ràng buộc bởi việc xét thưởng, thành tích, danh hiệu thi đua.

Từ trước đến nay, năm nào Sở GD-ĐT các địa phương cũng dựa vào kết quả thi tốt nghiệp của các trường để xét danh hiệu nọ, thành tích kia. Và có lẽ, một trong những nguyên nhân khiến cho các trường THPT phải “chạy” đua để có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp cao chính là vì cái mác danh hiệu, bằng khen thi đua mà chính ngành GD-ĐT ở địa phương “ban tặng”.

Thiết nghĩ, để có kỳ thi nghiêm túc và thực chất, các địa phương có thể bỏ thói quen dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT ở các địa phương để xếp loại thi đua hơn là trừ thi đua.

Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có nên giữ hay bỏ xét danh hiệu thi đua của các địa phương thông qua tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT hay không? Nếu giữ hay bỏ xét danh hiệu thi đua thông qua kỳ thi này thì ngành giáo dục sẽ phải dựa vào đâu để đánh giá quá trình học tập, giảng dạy của giáo viên và học sinh?

Thực tế, khi có được tấm bằng khen, danh hiệu thi đua hay phần thưởng dù là nhỏ, không có giá trị vật chất nhiều nhưng sẽ có tác động rất lớn đến tâm lý, tinh thần của một đơn vị, cá nhân để học phấn đấu hơn trong công việc, giảng dạy, học tập…

Tuy nhiên, nếu vì những danh hiệu trên mà các trường học đều cố bằng mọi giá để đạt được tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT như: giám thị thả lỏng thi cử để học sinh có thể tha hồ trao đổi, copy bài như vụ gian lận thi cử tại Hội đồng thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang năm 2012 thì cần phải xem xét lại.

Giá như danh hiệu này, thành tích kia được các địa phương, trường học phấn đấu, cạnh tranh bằng cách học thật, thi thật và chấp nhận kết quả thật thì có lẽ, ngành giáo dục các địa phương sẽ bớt đi được những chuyện tiêu cực để “chạy” theo bệnh “thành tích”. Vấn đề này càng trở thành bức thiết khi Bộ GD-ĐT gần đây cho biết, có thể sử dụng được kết quả công nhận tốt nghiệp THPT làm căn cứ cho tuyển sinh của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học.

Thế nhưng, thách thức lớn nhất là hiện nay, các địa phương có thực hiện được việc làm trên hay không và nếu thực hiện thì phải bắt đầu từ đâu, như thế nào?

Đổi mới tư duy giáo dục có thể thay đổi nếp nghĩ coi trọng thi cử, bằng cấp?

Trong Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ GD-ĐT soạn thảo trình lên Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI đóng góp ý kiến có nhấn mạnh đến 9 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành giáo dục cần thực hiện trong thời gian tới. Trong đó nhấn mạnh đến Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước đối với quá trình đổi mới giáo dục, trước hết là đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục.

Văn hóa coi trọng học hành, thi cử và bằng cấp đã “ăn sâu bám rễ” trong tư tưởng, tiềm thức của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Thế mà nay, giải pháp đổi mới  mạnh mẽ và sâu sắc tư duy giáo dục trong người dân về học thật, dạy thật, thi thật và làm việc đúng năng lực thật của mình e rằng rất khó.

Liệu rằng, có ông bố, bà mẹ  công chức với trình độ học vấn cao, đang làm việc trong cơ quan Chính phủ, tập đoàn, doanh nghiệp có thu nhập cao lại muốn cho con mình chuyển sang học một ngành nghề nào đó phù hợp với năng lực, sở thích khi mà năng lực học tập của con họ không hề giỏi? Liệu họ có thể để con mình trở thành một người thợ hay một công nhân với mức sống còn thấp như hiện nay?

Chắc hẳn giải pháp mà Dự thảo Đề án “Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục” đưa là có cơ sở khi mà không chỉ riêng ngành giáo dục “chạy” có chuyện tiêu cực, “chạy” theo thành tích mà cả trong tư tưởng của nhiều người dân vẫn coi học hành là con đường lập nghiệp và tiến thân bền vững cho con em. Chính vì điều này họ luôn mong mỏi con mình phải có tấm bằng tốt nghiệp THPT để học lên cao hơn.

Một số người khác cho rằng, nếu không có bằng tốt nghiệp THPT thì chẳng biết con mình sẽ làm gì, đi đâu, về đâu khi mà nếu muốn học một trường nghề cũng phải có tấm bằng này. Áp lực này cũng đè nặng lên mỗi một trường học mỗi khi mùa thi tốt nghiệp THPT đến.

Dẫu biết rằng giải pháp đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc tư duy giáo dục được đưa ra rất khó thực hiện được trong một sớm một chiều nhưng được coi là tiền đề căn bản để ngành giáo dục khắc phục được bệnh “thành tích” trong thi cử, người dân có thể bỏ thói quen trọng bằng cấp để tiến thân

Theo Chu Miên, VOV