Dựa vào tình hình đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và chỉ tiêu xét tuyển các trường đại học dành cho phương thức này, có thể dự báo điểm chuẩn năm nay.

Dự đoán điểm chuẩn ĐH xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT - Ảnh 1

Bạn đã cập nhật dự báo điểm chuẩn Đại học 2022?

Dự đoán về phố điểm thi tốt nghiệp THPT

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, đánh giá: “Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT năm nay không quá khó. Đề thi các môn đều tương đối vừa sức và quen thuộc với thí sinh (TS), bám sát cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, đề vẫn có tính phân loại, đặc biệt ở các môn ngữ văn, toán. TS trung bình khá, nắm chắc kiến thức cơ bản có thể đạt khoảng 6 - 7 điểm môn ngữ văn, 7 - 8 điểm môn toán và các môn thi còn lại. Đây có thể cũng sẽ là phổ điểm chung của kỳ thi năm nay. Tuy nhiên, TS sẽ khó đạt điểm tuyệt đối nhiều như các năm trước”.

Cũng theo ông Quốc Anh, bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên được đánh giá có tính phân loại cao hơn so với tổ hợp khoa học xã hội. Bài thi khoa học tự nhiên có nhiều câu dạng vận dụng, yêu cầu học sinh khá giỏi mới có thể kiếm điểm nên phổ điểm chung dự kiến khoảng 6 - 7. Trong khi đó, ở bài thi khoa học xã hội nhìn chung đề không đánh đố TS, độ phân loại không cao. Vì vậy, phổ điểm dự kiến bài thi này cao hơn, khoảng 7 - 8. Như vậy, điểm trúng tuyển các tổ hợp toán - lý - hóa, toán - lý - tiếng Anh, toán - văn - tiếng Anh năm nay có thể sẽ thấp hơn so với các tổ hợp khoa học xã hội.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nhìn nhận: “Trên bình diện chung của nhận xét đề thi và làm bài của TS, điểm chuẩn bình quân phương thức này có thể tăng 0,5 điểm so với năm ngoái”. Ông Sơn phân tích thêm những trường ĐH có mức điểm cao năm ngoái, điểm chuẩn năm nay có thể tương đương trong khoảng 22 - 28 điểm tùy theo ngành. Đặc biệt, điểm trúng tuyển vào các ngành “nóng” như công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, truyền thông đa phương tiện… có thể cao hơn năm 2021 khoảng từ 0,5 - 1,5 điểm.

Điểm chuẩn ngành nào sẽ tăng ?

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho rằng với độ khó của đề thi năm nay cộng với chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT có giảm đôi chút so với năm 2021 thì điểm chuẩn trúng tuyển vào các trường bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2021. Đặc biệt, với các ngành thu hút sự quan tâm của TS như: công nghệ thông tin, quản trị kinh doanh, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng... cũng như các ngành khối sức khỏe ở các trường ĐH lớn sẽ khó vượt qua 28 điểm. Riêng Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân dự đoán: “Điểm trúng tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT vào các ngành dự kiến dao động trong khoảng của các năm 2020 và 2021”.

Tại Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, theo thạc sĩ Phạm Thái Sơn, điểm chuẩn có thể cao hơn năm ngoái từ 0,5 - 1 điểm (dự kiến sẽ từ 16 - 25 điểm tùy ngành). Những ngành điểm cao từ 24,5 - 25 điểm có thể kể đến như: công nghệ thông tin, công nghệ thực phẩm, marketing. Các ngành kế toán, tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế... dự kiến cao hơn năm ngoái khoảng 0,5 điểm (tức 23 - 23,5 điểm). Còn các ngành khác sẽ tương đương năm 2021 như công nghệ hóa học, công nghệ sinh học, điện tử, cơ khí chế tạo máy..

Dự đoán điểm chuẩn vào Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh cho rằng căn cứ vào tình hình xét tuyển các phương thức xét tuyển riêng đến thời điểm hiện tại, các ngành có sức hút lớn với TS như: quản trị kinh doanh, marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng, truyền thông đa phương tiện, quan hệ công chúng, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô... Vì vậy, đây cũng có thể là những ngành có điểm chuẩn cao hơn so với các ngành còn lại.

Có nhiều cạnh tranh

Theo thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cho biết năm nay trường dành khoảng 65% chỉ tiêu để xét điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT (tương đương 2.400 TS). So với năm ngoái, tỷ lệ chỉ tiêu giữa các phương thức không đổi nhưng tổng chỉ tiêu năm nay tăng nên cơ hội cho TS xét tuyển bằng phương thức này vào trường nhiều hơn. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành xét bằng điểm thi dao động từ 25 đến trên 26 điểm.

Tiến sĩ Võ Thái Dân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, cũng cho biết dự kiến trường dành từ 55 - 60% chỉ tiêu xét điểm kỳ thi tốt nghiệp. Tương tự như các năm trước, năm nay phương thức xét tuyển này vẫn chủ đạo và có mức độ cạnh tranh cao nhất giữa các TS khi xét tuyển vào trường.

Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, thì nhận định bối cảnh mặt bằng chung về chỉ tiêu, phương thức và quy trình xét tuyển năm nay sẽ khá khó đoán định về điểm chuẩn của phương thức điểm thi THPT. Nhưng khả năng cao là sẽ không còn tình trạng TS đạt 30 điểm vẫn trượt ĐH.

Biết điểm chuẩn lớp 10 công lập: Không đậu chưa phải đã 'chấm hết'

Kỹ năng giao tiếp để thành công hơn tại nơi làm việc

Theo Thanh niên