Sự kiện: Giáo dục, thông tin tuyển sinh, học đường

Chưa bao giờ tình hình tuyển sinh hệ cao đẳng (CĐ) lại khó khăn như mùa tuyển sinh năm 2013. Không chỉ sụt giảm số lượng hồ sơ đăng ký dự thi, tỷ lệ thí sinh nhập học nguyện vọng (NV) 1 ở các trường CĐ lẫn hệ CĐ ở các trường đại học (ĐH) năm nay cũng giảm đến bất ngờ.

Thí sinh nhập học giảm 50%

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM năm nay chỉ tiêu hệ CĐ là 1.300. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 700 nhưng hết hạn nhập học chỉ có 40% thí sinh đến làm thủ tục nhập học. Trường tiếp tục xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) đợt 1 và gọi đến 1.900 chỉ tiêu. ông Phạm Thái Sơn, Phó trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: Năm nay tình hình tuyển sinh hệ CĐ có sự sụt giảm đáng kể, thí sinh trúng tuyển nhập học quá thấp. Do đó, hội đồng tuyển sinh nhà trường cũng dự tính phương án nếu kết thúc nhập học mà NVBS chưa đủ chỉ tiêu sẽ tiếp tục công bố xét tuyển NVBS đợt 2. đáng ngại hơn là trường đã giải quyết cho hơn 100 thí sinh đã làm thủ tục nhập học rút hồ sơ và hoàn trả học phí.

Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TPHCM hệ CĐ trúng tuyển NV1 có 58 thí sinh nhưng chỉ có 27 thí sinh làm thủ tục nhập học. Trường ĐH Tôn Đức Thắng tuyển 600 chỉ tiêu nhưng NV1 chỉ có vài chục thí sinh trúng, có ngành lác đác vài thí sinh, thậm chí có ngành không có thí sinh nào. Th.S Lê Thị Ngọc Thảo, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: Ở NVBS trường gọi đến 1.500 thí sinh trúng tuyển nhưng chưa biết tình hình nhập học thế nào vì năm nay tình trạng ảo quá nhiều. Hơn nữa, thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển được quyền rút lại hồ sơ.

tuyển sinh

Hệ cao đẳng khó tuyển sinh

Trong khi đó, hệ CĐ ở nhiều trường ĐH ngoài công lập cũng khá chật vật. Trường ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM chỉ tiêu 2.100, NV1 trúng tuyển 1.400 nhưng ngót nghét hơn 300 thí sinh nhập học. Ở NVBS, trường gọi 2.000 thí sinh trúng tuyển nhưng hơn 1.000 thí sinh nhập học. Ông Nguyễn Quốc Anh, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông nhà trường băn khoăn: Tình hình tuyển sinh hệ CĐ năm nay khó khăn hơn so với năm ngoái. Với tình hình này, trường phải tiếp tục xét tuyển thêm nhiều chỉ tiêu ở NVBS đợt 2 nhưng tình hình nộp hờ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh cũng ít. Tương tự, hệ CĐ ở các trường như ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Lạc Hồng, ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Kinh tế - Tài chính… lượng thí sinh nhập học cũng giảm từ 30% - 50% so với năm 2012.

Đáng nói nhất là các trường CĐ năm nay tuyển sinh hết sức khó khăn. Ngay cả những trường CĐ tốp đầu như CĐ Kinh tế Đối ngoại, CĐ Tài chính Hải quan, CĐ Công thương TPHCM, CĐ Công nghệ Thủ Đức, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng… dù thí sinh trúng tuyển cao gấp 3 lần so với chỉ tiêu nhưng thực tế thí sinh nhập học lại thiếu. Ở thời điểm này năm 2012, Trường CĐ Công thương đã đủ chỉ tiêu, hiện nay trường phải tiếp tục cần thêm 1.500 chỉ tiêu NVBS nhưng hiện chỉ có trên 40% thí sinh đến nhập học. Báo động nhất là Trường CĐ Tài chính Hải quan, dù chỉ tuyển 500 chỉ tiêu, lượng thí sinh dự thi nhiều và trường xác định số thí sinh trúng tuyển cao gấp nhiều lần so với chỉ tiêu nhưng kết quả thí sinh nhập học thiếu đến hơn 200 chỉ tiêu, và lần đầu tiên trong nhiều năm liền, trường phải tuyển NVBS.

Nhiều trường không tuyển sinh hệ CĐ

Có thể nói, nguyên nhân chính là Thông tư 55 (quy định về liên thông) do Bộ GD-ĐT ban hành và quy định: Thí sinh muốn thi liên thông từ CĐ lên ĐH phải đủ 36 tháng (3 năm) kể từ ngày thi tốt nghiệp. Nếu chưa đủ 36 tháng, thí sinh phải tham gia kỳ thi tuyển sinh “3 chung” của Bộ GD-ĐT.

Theo TS Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật - Du lịch Sài Gòn, cũng giống như nhiều trường CĐ khác, tình hình tuyển sinh năm nay của trường khá khó khăn. Nguyên nhân chính là rào cản Thông tư 55 đã khiến thí sinh không mặn mà với việc học CĐ. Ngoài ra, một lý do nữa là kết quả tuyển sinh năm nay khá cao nhưng điểm sàn vẫn không thay đổi, khoảng cách điểm sàn hệ ĐH và CĐ vẫn là 3 điểm nên thí sinh vẫn nhiều cơ hội vào ĐH.

Cùng quan điểm trên, đại diện một trường CĐ tại TPHCM phân tích: “Ngay khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư 55, nhiều trường đã liệu tính và dự báo tuyển sinh năm 2013 sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không ngờ tình hình lại ảm đạm như thế. Nếu thí sinh muốn đi đường vòng (học CĐ sau đó thi liên thông ĐH) để lấy bằng ĐH phải mất đến 7 năm rưỡi (3 năm học CĐ, 3 năm chờ đợi để thi liên thông và 1,5 năm học liên thông ĐH). Như vậy một quãng thời gian khá dài khiến thí sinh nản lòng và không mặn mà với hệ CĐ ở các trường CĐ lẫn hệ CĐ ở các trường ĐH.

Trước tình hình tuyển sinh hệ CĐ khó khăn, nhiều trường ĐH có đào tạo hệ CĐ đã đưa ra phương án bỏ đào tạo hệ CĐ. Trường ĐH Tài chính Marketing năm 2013 đã dừng hẳn việc tuyển sinh hệ CĐ mà chỉ tập trung tuyển sinh hệ ĐH. Tại Trường ĐH Nông lâm TPHCM, dù năm nay tuyển sinh hệ CĐ vừa đủ chỉ tiêu nhưng trường cũng dự tính không tuyển sinh hệ CĐ. TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết: Sắp tới trường sẽ không tuyển sinh hệ CĐ mà tập trung ổn định quy mô và nâng cao đào tạo hệ ĐH và sau ĐH.

Có thể nói, Thông tư 55 dù hơi đột ngột nhưng thực tế đã trả các trường về đúng vị trí, nhiệm vụ đào tạo của mình, đồng thời chấm dứt tình trạng xem CĐ là dự bị đại học, không còn tình trạng liên thông dễ dãi, xem liên thông là “nồi cơm” của các trường. Khó khăn trong khâu tuyển sinh có thể là nhất thời, song điều quan trọng nhất là các trường sẽ phải chuyển hướng để có thể thu hút được người học bằng việc nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm đến đầu ra cho sinh viên.

Theo Thanh Hùng, SGGP