Tuyển sinh ĐH, CĐ 2016: Tin tưởng vào những đổi mới trong Dự thảo quy chế

Rất nhiều quan điểm đồng tình với những nét mới của Dự thảo quy chế đưa ra. Đặc biệt trong đó là việc thiết kế xây dựng kho dữ liệu chung phục vụ công tác xét tuyển của Bộ với phần mềm kiểm soát được số nguyện vọng của thí sinh. Đây là lo lắng lớn nhất của các nhà trường cũng như thí sinh vì nạn hồ sơ ảo luôn là vấn đề nan giải ở mỗi đợt xét tuyển.

Đưa giải pháp kỹ thuật vào trợ giúp

Theo như Dự thảo quy chế tuyển sinh 2016 đưa ra, Bộ GD&ĐT dự kiến mỗi thí sinh sẽ được cấp một mã số, được đăng ký tối đa 2 trường và mỗi trường tối đa 2 nguyện vọng. Để thực hiện điều này, giải pháp kỹ thuật đã được đưa ra.

Theo đó Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng một cơ sở dữ liệu chung do Bộ quản lý và bất kỳ trường nào cũng có thể truy cập. Với cơ sở dữ liệu này, nếu thí sinh đăng ký online thì phải nhập mã số của mình mới đăng ký được. Còn trường ĐH, CĐ khi nhận được phiếu đăng ký của thí sinh cũng phải nhập mã số của các em vào kho dữ liệu chung thì mới tải được thông tin của thí sinh vào danh sách xét tuyển của trường mình.

Với phần mềm cơ sở dữ liệu được thiết kế như vậy sẽ kiểm soát được mỗi thí sinh đã nhập bao nhiêu nguyện vọng. Nếu đăng ký 2 trường rồi, nhập thêm trường thứ ba, phần mềm sẽ từ chối. Đây là điều các nhà tuyển sinh đánh giá cao vì như vậy buộc thí sinh phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đăng ký vào trường nào, đặc biệt khi gửi đăng ký qua bưu điện.

Giả thiết cũng đưa ra trường hợp nếu thí sinh gửi đồng thời nhiều đăng ký đi các trường thì trường nào nhập dữ liệu vào trước thì đây sẽ là nguyện vọng chính của thí sinh. Đúng theo quy chế, khi đã có 2 trường nhập dữ liệu của thí sinh thì trường thứ ba sẽ không nhập được nữa vì sau một đợt xét tuyển, các trường có trách nhiệm cập nhật dữ liệu trên mạng. Thí sinh nào đã trúng tuyển (tối đa 2 trường, mỗi trường tối đa 2 ngành) sẽ không nằm trong danh sách trúng tuyển trường thứ 3.

Giải pháp kỹ thuật này đang được các chuyên gia tuyển sinh và nhà trường đánh giá cao, nếu được triển khai sẽ là rất thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường. Vấn đề đặt ra ở đây là cần phải có một chế tài để buộc các trường phải tuân thủ luật chơi, cũng như thiết kế một phần mềm đáp ứng được các yêu cầu trên.

Được biết, Bộ GD&ĐT đang hoàn thiện phần mềm kho dữ liệu chung và lắng nghe tất cả ý kiến phản biện được xã hội đặt ra, nhằm thiết kế phần mềm đảm bảo thực hiện tốt việc nhập dữ liệu lên của các trường, cũng như kiểm soát danh sách xét tuyển trong kho dữ liệu chung đáp ứng các tiêu chí như đã đặt ra.

Linh hoạt trong xét tuyển

Nếu như quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ các năm trước quy định thí sinh đã trúng tuyển nguyện vọng trước không được xét tuyển nguyện vọng sau thì Dự thảo quy chế năm nay đã không đặt ra yêu cầu đó. Dự thảo quy chế mới quy định mỗi thí sinh chỉ có một phiếu, thế nên thí sinh sẽ phải tính toán nên nộp vào trường nào, khi đã nộp vào trường đó là thí sinh đã chính thức được xác nhận vào học trường đó.

Trường hợp thí sinh trúng tuyển mà không nhập học thì đương nhiên vẫn được xét tuyển đợt sau, vì khi thí sinh chưa nộp giấy thì sẽ không có tên trên kho cơ sở dữ liệu trong danh sách đã làm thủ tục nhập học. Có thể hiểu là thí sinh sẽ chỉ không được xét tuyển nữa khi đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi vào một trường trong đợt xét tuyển trước đó. Còn ngược lại, nếu thí sinh chưa nộp phiếu xét tuyển vào trường nào, tên thí sinh vẫn còn trên hệ thống xét tuyển và thí sinh sẽ được đăng ký xét tuyển ở các đợt tiếp theo.

Đến thời điểm này, Quy định “không được đăng ký xét tuyển tại trường” được đưa ra lấy ý kiến trong Dự thảo cũng đã có ý kiến phản hồi khi cho rằng thu hẹp các hình thức đăng ký xét tuyển là giảm đi quyền lợi của thí sinh và nhà trường.

Tuy nhiên, lại có những ý kiến đồng tình với việc này khi cho rằng, quy định thí sinh đăng ký xét tuyển qua 2 hình thức trực tuyến và bưu điện là phù hợp. Vấn đề là khi nộp hồ sơ theo 2 hình thức này, thí sinh cần được biết chắc chắn hồ sơ mình đã đến với trường ĐH, CĐ đó hay chưa.

Thế nên, nhiều ý kiến đồng tình với quy định “không được đăng ký xét tuyển tại trường” nhưng kiến nghị nếu quy định như vậy thì cần yêu cầu bưu điện có chế độ hồi báo tình trạng nhận thư. Cũng như vậy, với thí sinh đăng ký trực tuyến các trường thì Bộ GD&ĐT cũng phải yêu cầu các trường cập nhật thường xuyên danh sách thí sinh hàng ngày lên website của trường.

Thuận lợi cho việc xét tuyển của các nhà trường cũng như thí sinh là điều tính đến của quy chế, với những cách thức được đưa ra trong Dự thảo để lấy ý kiến rộng rãi trong xã hội đã được các chuyên gia tuyển sinh tính hết và đặt ra mọi tình huống.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, đây là một bài toán rất khó tìm được đáp số chính xác vì mỗi trường đại học đều có những yêu cầu riêng về chất lượng nguồn tuyển, đi cùng với nó là ngưỡng điểm chuẩn riêng cho từng trường, từng ngành.

Thực tế cho thấy, cũng ngành đào tạo nhưng có những trường tốp đầu có thể lấy đến 27 - 28 điểm nhưng có trường chấp nhận đầu vào chỉ cần tốt nghiệp THPT. Nhưng thí sinh vẫn chọn những trường có uy tín, và có một điều chắc chắn là lựa chọn trường nào để học là do học sinh không có quyết định hành chính nào có thể làm thay được.

Dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 quy định thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển trực tuyến hoặc qua bưu điện. Quy định này là việc đúc rút kinh nghiệm từ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015. Năm 2015, quy chế tuyển sinh quy định ngoài đăng ký trực tuyến và qua bưu điện, thí sinh được trực tiếp đăng ký tại trường.

Do chưa xét đến yếu tố tâm lý phụ huynh và thí sinh đều muốn để chắc chắn nên đến nộp trực tiếp tại trường dẫn đến nhiều rắc rối mà Bộ GD&ĐT không thể khống chế được. Nếu năm nay vẫn tiếp tục cho phép thí sinh tới trường nộp thì rất có thể sự cố trên sẽ lặp lại, không chỉ những em nhà gần trường mà thí sinh nông thôn, vùng sâu vùng xa, cách hàng trăm km vẫn sẽ nhao về thành phố để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, trong khi việc này lại không cần thiết.

Chúng ta nên thấy rằng, mục đích của việc ra quy định đó cũng nhằm tránh tình trạng tập trung cùng lúc quá đông thí sinh tới trường, vừa gây vất vả cho nhà trường và thí sinh, rất có thể dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Với cách thức đăng ký xét tuyển như vậy là thuận lợi cho cả thí sinh và nhà trường.

Theo Giáo dục thời đại, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/tuyen-sinh-dh-cd-2016-tin-tuong-vao-nhung-doi-moi-trong-du-thao-quy-che-1702115-l.html


Xem thêm các thông tin về tuyển sinh 2016 và tra cứu điểm thi tốt nghiệp tại kenhtuyensinh.vn