>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Mỗi năm, TPHCM có khoảng 80% số sinh viên, học viên ra trường tìm được việc làm, nhưng chỉ có khoảng 50% có việc làm phù hợp năng lực, còn lại là trái ngành, luân chuyển công việc liên tục. Đó chính là hậu quả của sai lầm trong chọn ngành, chọn trường khi thi ĐH, CĐ của học sinh THPT.

Những sai lầm trong chọn ngành, chọn trường: Lao vào trường “đẹp” để rồi không kham nổi

Ông Đỗ Hữu Tuyết - Phó Vụ trưởng, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TPHCM - nhận định, hiện nhiều học sinh đang đánh giá chưa đúng về ngành nghề mình theo đuổi, từ đó dẫn đến việc định hướng sai, không thấy rõ khả năng bản thân, lao theo mục tiêu quá cao nên lận đận, khó khăn trong việc tìm chỗ học phù hợp, không thể kiểm soát được bước đi nghề nghiệp. Có thể thấy rõ từ thực tế, khi vào các kỳ thi ĐH, CĐ, hàng trăm ngàn thí sinh (TS) lao vào các trường tốp trên, trường “đẹp” để rồi không kham nổi, gây lãng phí lớn cho gia đình, xã hội.
Vài năm trở lại đây, không chỉ có hệ TCCN bị chê bai, mà ngay cả hệ CĐ chính quy cũng lâm vào tình trạng tuyển sinh hiu hắt. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, cả nước có khoảng 1,4 triệu TS dự thi, nhưng chỉ có khoảng 20% đăng ký thi CĐ.

Tư vấn tuyển sinh: Những sai lầm trong chọn ngành, chọn trường

Tư vấn tuyển sinh: Những sai lầm trong chọn ngành, chọn trường

TPHCM có hơn 110.000 TS, nhưng cũng chỉ có chưa tới 10% chọn học CĐ. Có thể thấy rõ tại không ít trường, như Trường THPT Võ Thị Sáu có gần 1.400 TS nộp hồ sơ dự thi, nhưng chỉ có 160 HS làm hồ sơ đăng ký thi, xét tuyển CĐ. Trường THPT năng khiếu TPHCM tình trạng còn bi đát hơn, toàn trường chỉ có 3 TS đăng ký thi cao đẳng

Trong khi đó, cung - cầu lao động trên địa bàn TPHCM thời gian qua chủ yếu tuyển dụng lao động (LĐ) tốt nghiệp CĐ, TCCN, trung cấp nghề hơn là ĐH. Ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thị trường lao động TPHCM - cho biết, trong quý IV/2013, nhu cầu tuyển dụng trình độ TCCN chiếm 26,07%, còn CĐ là 16,31%, trong khi ĐH chỉ chiếm 11,09%. Nguồn LĐ tìm việc chủ yếu là ĐH chiếm 53,34%, trong khi CĐ tìm việc chỉ chiếm 25,17%. Dự kiến quý I/2014, TPHCM có khoảng 55.000 chỗ làm việc trống. Nhu cầu LĐ có trình độ sơ cấp đến TC, trình độ CĐ cần đến 35%, trong khi LĐ có trình độ ĐH và trên ĐH chỉ cần 25%.

Giáo viên cũng cần được "hướng nghiệp"

Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc ĐHQG TPHCM - cho biết, có không ít HS phải “sụt sùi” vì không thể vào được ĐH, CĐ dù cho thi điểm rất cao. Điều này nhắc nhở các em phải thật sự cẩn trọng, kỹ lưỡng khi đăng ký chọn ngành, nghề.

Ông Trần Anh Tuấn nhận định: “Mỗi năm có hơn 1 triệu HS rời ghế nhà trường. Có đến 1/3 HS sẽ không vào được các trường theo nguyện vọng, nhưng vẫn cố chờ năm sau thi lại sao cho vào được ĐH, CĐ. Đó là sự lãng phí rất lớn. Ngành giáo dục cải cách đến đâu, cũng phải luôn đặt công tác hướng nghiệp lên hàng đầu. Gia đình, nhà trường không chỉ giúp các em biết được sở thích và năng lực đến đâu, mà còn phải tư vấn ngành nghề, phân tích được nhu cầu và xu hướng của XH mới đúng vai trò hướng nghiệp”.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn- một chuyên gia tâm lý-  chia sẻ: Những HS sắp bước vào kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, cần cân nhắc thật kỹ trước khi đặt bút điền vào hồ sơ đăng ký dự thi. Chỉ cần mơ hồ, thiếu suy tính, học sinh sẽ rất dễ dẫn đến việc hoang phí thời gian, tiền bạc cho những kỳ thi tiếp theo hoặc lệch lạc định hướng tương lai.

Để làm tốt được điều này, không chỉ có các HS mà ngay cả các giáo viên trực tiếp dạy các em cũng cần phải được hướng nghiệp. Hiện nay, không chỉ riêng HS, mà ngay cả giáo viên cũng rất mơ hồ, nghèo thông tin về ngành nghề đào tạo tại các trường CĐ, ĐH. Vì thế, công tác hướng dẫn, hướng nghiệp từ giáo viên đến HS vẫn còn rất nhiều sai lệch. Ông Đỗ Quốc Anh - Vụ trưởng, Giám đốc cơ quan đại diện Bộ GDĐT tại TPHCM - nhận định: Hướng nghiệp cho giáo viên là cách tốt nhất giúp HS chọn đúng ngành nghề, giảm áp lực thi cử và tốn kém chi phí cho gia đình, xã hội.

Theo Báo Lao động