>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường
Băn khoăn đổi mới thi cử
Trước nhiều câu hỏi liên quan đến dự thảo thay đổi về kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh, thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết: “Ngày 2.1, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số dự kiến đổi mới trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sẽ được triển khai ngay trong kỳ tuyển sinh 2014”. Thạc sĩ Vũ cho biết thêm kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014 hầu hết các trường sẽ tổ chức thi theo kỳ thi 3 chung (chung đề, chung đợt và chung kết quả xét tuyển). Ngoài ra, những trường đủ điều kiện có thể làm đề án xin phép Bộ được tuyển sinh riêng. Cũng theo bản dự thảo này, trường tuyển sinh riêng có thể xét tuyển kết quả từ thí sinh dự thi 3 chung. Tuy nhiên, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh: “Dù có những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ như trên nhưng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc học và thi của thí sinh trong năm nay”.
Tư vấn tuyển sinh: chọn trường theo sở thích hay sở trường?
Vẫn thắc mắc về thi chung và riêng, HS Trần Văn Khánh hỏi: “Em muốn thi khối A vào một trường tổ chức thi chung và một trường tổ chức thi riêng thì có được không?”. Thạc sĩ Vũ giải đáp: “Em chỉ có thể tham gia cả 2 kỳ thi nếu kỳ thi riêng được tổ chức khác ngày với kỳ thi 3 chung của Bộ”.
Trong khi đó, một HS tỏ ra trăn trở về một vấn đề khá vĩ mô: “Theo thống kê, những năm qua tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT trên toàn quốc luôn ở mức cao, như năm 2013 là 97%, thậm chí có trường lên tới 99%. Nếu tỷ lệ này phản ánh đúng thì tại sao phải thi tốt nghiệp nữa, vì kỳ thi này rất tốn kém tiền của và công sức của toàn xã hội?”. Là thành viên Ban Chỉ đạo đổi mới giáo dục sau năm 2015, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng đồng cảm: “Vấn đề này đang được Bộ cân nhắc trong chương trình đổi mới giáo dục phổ thông sau năm 2015. Kỳ thi tốt nghiệp THPT có 2 mục tiêu cơ bản nhằm phân loại HS và đánh giá chất lượng nền giáo dục nước nhà. diem thi dai hoc Có thể thay đổi theo hướng các sở GD-ĐT sẽ chịu trách nhiệm kỳ thi này. Tiến tới có thể hiệu trưởng các trường phổ thông sẽ đứng ra tổ chức kỳ thi trên tinh thần nhẹ nhàng nhưng vẫn đánh giá được năng lực của HS”.
Ý kiến
Kịp thời định hướng cho học sinh
Báo Thanh Niên tổ chức buổi tư vấn này đã giúp các em hiểu thêm về quy chế, đặc biệt là những câu hỏi mà chỉ các chuyên gia ở đây mới có thể giải đáp tường tận, như các câu hỏi về ngành nghề, học gì, làm việc ở đâu, sự khác nhau giữa các ngành trong một nhóm ngành… Mặc dù nhà trường cũng có hướng nghiệp, tuy nhiên những giải đáp của đoàn tư vấn sẽ góp phần giúp cho các em suy nghĩ thấu đáo hơn, định hướng tốt hơn để kịp thời đưa ra lựa chọn phù hợp cho bản thân trước ngưỡng cửa tương lai”. Nguyễn Ngọc Anh (Phó hiệu trưởng Trường THPT Long Trường, Q.9, TP.HCM)
Suy nghĩ lại sau khi nghe tư vấn
“Em xác định sẽ thi khối A vào 2 trường ĐH, nhưng em mới nghĩ đến trường đầu tiên là ĐH Cảnh sát do bố mẹ em định hướng. Trường thứ 2 em chưa chọn được. Em cũng chưa tìm hiểu thi vào ngành cảnh sát thì cần những điều kiện gì, mình có phù hợp hay không. Hôm nay em được nghe các thầy cô tư vấn là phải chọn ngành mình thích và ngành đó phải phù hợp với khả năng bản thân, nhu cầu của xã hội. Có lẽ em sẽ suy nghĩ lại để có được lựa chọn đúng”. Nguyễn Quốc Thống - (HS lớp 12A7 Trường THPT Long Trường)
Mừng vì được chọn môn thi theo sở thích
“Em và gia đình dõi theo từng thông tin về những thay đổi trong kỳ thi tốt nghiệp. Em vừa mừng vừa lo. Lo vì không biết cuối cùng sự thay đổi này như thế nào để em có thể kịp thời điều chỉnh cách học thi cho phù hợp. Nhưng em cũng mừng nếu thay đổi theo phương án mới thì em có thể tự do lựa chọn được môn thi theo sở thích. Em nghĩ không nên chọn phương án bỏ môn ngoại ngữ vì môn học này rất cần cho sự phát triển nghề nghiệp tương lai”. Dương Thị Mỹ Trân - (HS lớp 12 Trường THPT Long Trường)
Sở thích hay sở trường?
Băn khoăn thường trực của học sinh (HS) cuối cấp là chọn học nghề gì, trường nào? Mở đầu buổi tư vấn, tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, tạo không khí cởi mở, thoải mái bằng việc hướng dẫn HS thực hiện bảng trắc nghiệm lựa chọn ngành nghề phù hợp mà Báo Thanh Niên gửi tặng. Sau khi hoàn tất bảng trắc nghiệm, HS có thể biết được sẽ phù hợp với ngành gì. Tham khảo điểm trúng tuyển của các trường có đào tạo ngành này, HS sẽ tìm được trường phù hợp với năng lực. Theo tiến sĩ Trần Đình Lý, học sinh phải xác định chọn nghề theo sở thích hay sở trường. Nếu chỉ có sở thích không thôi thì chưa đủ mà còn phải kết hợp nhiều yếu tố khác như năng lực, sự phù hợp của bản thân với ngành nghề, nhu cầu xã hội…
Nhiều lựa chọn
HS hào hứng đặt câu hỏi khi đến phần giải đáp ngành nghề tuyển sinh ở các trường. Rất nhiều HS băn khoăn vì đến thời điểm này vẫn chưa biết sẽ chọn ngành nào, trường nào để thi. HS Nguyễn Thị Kim Ngọc phân vân: “Em muốn thi vào một trong hai trường ĐH Sư phạm TP.HCM và Y Dược TP.HCM, em nên thi trường nào thì tốt hơn?”. PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, khuyên: “Trước hết em nên đánh giá đúng bản thân mình. Nếu muốn trở thành cô giáo em phải có tình yêu trẻ cũng như khả năng kiên nhẫn. Còn nếu muốn trở thành bác sĩ thì em không được hoảng sợ khi nhìn thấy máu. Việc lựa chọn này phải theo đúng sở thích và phù hợp với khả năng của mình”. Đọc thêm: những ngành đang thiếu nhân lực
Mặc dù chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế giảm nhưng nhiều HS vẫn rất quan tâm. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Long, Giám đốc cơ sở 5 Trường ĐH Mở TP.HCM, thông tin: “Theo một số liệu công bố gần đây, nhu cầu việc làm của những ngành này có xu hướng giảm nhưng vẫn có 12 ngành có cơ hội việc làm tốt với mức lương cao, trong đó có các ngành: biên - phiên dịch, truyền thông, marketing, kế toán, hệ thống thông tin, công nghệ phần mềm…”.
Quan tâm đến ngành quản trị khách sạn, HS Hà Thị Sương đặt câu hỏi: “Ngành này có yêu cầu gì đối với người học và làm sao để có việc làm tốt?”. Thạc sĩ Võ Văn Tuấn, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Văn Lang, cho hay: “Học quản trị khách sạn em phải có năng khiếu về quản lý kèm theo một chút ngoại hình do liên quan đến du lịch. Nhưng để có việc làm tốt em cần phải giỏi ngoại ngữ, khi đó em còn có thể làm việc ở nhiều nơi trên thế giới”.
Nhiều HS muốn biết về sự khác nhau giữa công nghệ môi trường và khoa học môi trường. Tiến sĩ Trần Đình Lý giải thích: “Ngành khoa học môi trường đào tạo kiến thức khoa học nền tảng, là cơ sở để nghiên cứu một số lĩnh vực ứng dụng kỹ thuật quản lý trong lĩnh vực môi trường. Còn ngành công nghệ môi trường đào tạo những kiến thức ứng dụng trong lĩnh vực này”.
Trong buổi tư vấn, một HS muốn biết ngành đầu bếp sẽ học ở đâu? Tiến sĩ Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, giải đáp: “Đây là một nghề hấp dẫn trong những năm gần đây. Bậc TCCN có ngành kỹ thuật chế biến món ăn. Ngành này cũng được đào tạo ở các trường nghề. Bậc CĐ có ngành quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống được đào tạo cũng ở nhiều trường. Nếu muốn, em có thể học chuyên sâu thêm 6 tháng về các món ăn Âu - Á và các món ăn đặc thù trên thế giới”.
Theo Báo Thanh Niên, link gốc: http://www.thanhnien.com.vn/pages/20140104/soi-dong-buoi-tu-van-mua-thi-dau-tien.aspx