Tin tức: GIÁO DỤC | TUYỂN SINH | TƯ VẤN TUYỂN SINH | TỈ LỆ CHỌI 2013

Ba mẹ em nói con gái nên theo học những ngành sau này ra làm việc văn phòng để vừa nhẹ nhàng, đỡ vất vả. Em lại thích những công việc đi đây đó nhiều (như ngành du lịch chẳng hạn).

Học lực của em không nổi trội môn nào nên cũng chưa biết chọn nghề nào cho phù hợp? Xin thầy Đinh Phương Duy cho em vài lời khuyên? (Anh Đào, daongo2607@...)

- TS Đinh Phương Duy, chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục TP.HCM: Du lịch thuộc nhóm ngành nghề giao tiếp nhiều với người khác. Những người có thái độ ứng xử hòa nhã, thân thiện, tinh ý, mềm mỏng, ân cần, cởi mở, linh hoạt… sẽ phù hợp với ngành nghề này.

Du lịch thuộc nhóm ngành nghề dịch vụ. Người theo nghề này phải có tinh thần phục vụ, tận tụy, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn người khác. Ngoài ra, nếu em làm công việc hướng dẫn viên cần phải có sức khỏe, có kiến thức văn hóa xã hội… Những nghề nghiệp thuộc lĩnh vực hành chính có thể kể như: nhân viên văn phòng, văn thư lưu trữ, thư ký hành chính, kế toán… Những nghề này phù hợp với người cẩn trọng, chu đáo, ngăn nắp, tỉ mỉ. Những người cẩu thả, bừa bãi, thờ ơ không phù hợp với nghề.

Khi chọn một nghề có thể nghĩ ngay đến nghề mình thích nhất nhưng sau đó còn phải tính đến khả năng, điều kiện bản thân mình có thể gắn bó với nghề đó hay không. Em nên đặt 3-5 nghề (công việc) mình yêu thích nhất, tìm hiểu rõ hơn những thông tin về nghề đó trước khi quyết định chọn nghề phù hợp nhất với mình. Ý kiến của ba mẹ cũng quan trọng, giúp em tham khảo thêm trước khi chọn nghề. Nhưng chính em phải chọn một nghề cho mình, nên chọn sau khi đã hiểu rõ mình thích gì, mình có khả năng gì, mình có hợp với nghề mình thích không? Có như vậy, em mới có đủ “lý lẽ” để bảo vệ quan điểm chọn nghề và phải tự chịu trách nhiệm với sự lựa chọn đó.

Hi vọng những phân tích trên có thể giúp em tự khám phá bản thân xem mình hợp với nhóm nghề nào.

* Em tôi yêu thích các con vật, cây cối, học lực khá. Nên định hướng em vào nghề nào? (badung1975_bx@...)

- TS Đinh Phương Duy: Một số nghề tiếp xúc nhiều với thiên nhiên như: sinh học, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, khai thác gỗ, trồng hoa cây cảnh, môi trường… Nghề này hợp với những người hay tò mò quan sát và tìm hiểu về động thực vật, say mê hoạt động ngoài trời, có khả năng nắm bắt và học hỏi nhanh qua sự tương tác với thiên nhiên. Về cá tính, nghề này phù hợp với những người cần cù, chịu khó, thận trọng, tỉ mỉ…

* Xin cho biết những ngành nghề nào dễ xin việc làm trong những năm tới? (Trần Ngọc Anh, ngocanh_lk54321@...)

- Ông Trần Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM: Theo kết quả một số thống kê về nhân lực, 70% HS vào đời chưa qua hướng nghiệp nên chọn nghề theo cảm tính. 50% SV ra trường thất nghiệp trong 6 tháng hoặc phải làm trái nghề, 30% SV ra trường thất nghiệp trong một năm.

Cho đến mùa tuyển sinh 2012, thí sinh vẫn đổ dồn vào các ngành kinh tế. Nhiều trường THPT chỉ có vài HS đăng ký khối C vào các ngành xã hội nhân văn, các ngành kỹ thuật cũng ít thí sinh. Trong khi thực tế, ngành xã hội và kỹ thuật đang “khát” nhân lực. Thị trường tuyển dụng cũng cần nguồn nhân lực trung cấp, công nhân lành nghề, cần người có tay nghề giỏi. Những nghề hiện nay cần nhiều và sắp tới cũng thiếu nhiều gồm: điện tử công nghiệp, chế biến thực phẩm, công nghệ cơ khí, hàn công nghệ cao, thiết kế đồ họa, tạo mẫu và vẽ thiết kế trên máy tính, điện lạnh, thẩm mỹ…

Rất khó để dự đoán những ngành được cho là HOT

Theo tôi, không có ngành nghề nào được xem là “hot” trong những năm tới vì khi nền kinh tế tái cấu trúc, các doanh nghiệp cũng cấu trúc nhân sự… HS cần tìm hiểu thông tin thị trường lao động tương lai, tìm hiểu về nhu cầu việc làm. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là mỗi người cần xác định tâm huyết ngành nghề theo sở trường, năng lực của chính mình.

Việc học trong nhà trường chỉ là giai đoạn đầu của quá trình học tập suốt đời trong xã hội hiện đại. Thị trường lao động đã chứng minh khi một thanh niên bước vào thị trường lao động, trình độ ĐH, CĐ hay trung cấp chỉ là phần cơ bản, điều cốt lõi là xây dựng được giá trị năng lực làm nghề chính là xây dựng ý chí, quyết tâm, để có hoài bão làm việc và không ngừng học tập.


Ý kiến của bạn về vấn đề này hoặc có thắc mắc, xin gửi theo mẫu phản hồi dưới đây. Cảm ơn các bạn


Kênh Tuyển Sinh ( Theo: Báo tuổi trẻ)