Trách nhiệm công dân không kể việc học cao, học thấp

Đã xuất hiện cách hiểu quy định mới về người trúng tuyển đại học vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự, rằng: Học dốt mới đi bộ đội?

Sau khi Bộ Giáo dục Đào tạo và Bộ Quốc phòng công bố Thông tư số 13 quy định về đối tượng nhập ngũ mới - trong đó có người trúng tuyển đại học vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự - đã có nhiều ý kiến bàn luận sôi nổi, đa chiều. Điều này cho thấy, đây là một vấn đề rất được xã hội quan tâm.

Có ý kiến cho rằng, phải tuyển những thanh niên thi đỗ đại học nhập ngũ, bởi vì không phải học dốt mới đi bộ đội. Cách nhìn nhận này xuất phát từ thực tế nhiều năm qua, những công dân trúng tuyển đại học được hoãn thi hành nghĩa vụ quân sự, hay nói cách khác là được miễn đi bộ đội. Nhưng cách nhìn này chưa toàn diện, bởi vì chất lượng của quân đội không đơn giản chỉ dựa vào số người thực hiện nghĩa vụ quân sự hằng năm, mà sự tinh nhuệ của lực lượng chuyên nghiệp.

Quân đội có các trường, học viện đào tạo chuyên ngành thuộc nhiều lĩnh vực có chất lượng chuyên môn. Ví dụ như một số lĩnh vực trong ngành y khoa, kỹ thuật của quân đội đạt các thành tựu mà các cơ quan khoa học dân sự chưa hẳn vươn tới được.

Đừng quá mất bình tĩnh về quy định tuyển nghĩa vụ quân sự

Cho nên, đừng quá mất bình tĩnh để lo lắng rằng, tuyển nghĩa vụ quân sự những người thi rớt đi học là làm “dốt” quân đội. Mà hãy nhìn việc tuyển quân không kể cả những người thi đỗ đại học ở một góc nhìn khác.

Đó là, thực hiện nghĩa vụ quân sự là trách nhiệm của mọi công dân đối với quốc gia. Đã là trách nhiệm quốc gia thì không loại trừ bất cứ ai (trừ những người không đủ sức khỏe), kể cả nữ giới. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nữ bộ đội, nữ thanh niên xung phong đã có công đóng góp rất lớn và tạo ra nhiều kỳ tích lịch sử. 10 cô gái thanh niên xung phong Ngã ba Đồng Lộc là một biểu tượng của lịch sử. Tuy nhiên tùy theo nhu cầu thực tế, hoàn cảnh cụ thể trong từng giai đoạn của đất nước để việc sử dụng nguồn lực “trách nhiệm công dân” này phù hợp, công bằng.

Nên hoãn nghĩa vụ đối với nhóm đối tượng thi đỗ đại học ở thời bình

Ở thời bình, việc huy động lực lượng thanh niên đông đảo, cả nam và nữ vào quân đội là không cần thiết, nhưng cũng không nên hoãn nghĩa vụ đối với nhóm đối tượng thi đỗ đại học. Điều này không chỉ bắt buộc bằng quy định của pháp luật, mà phải tuyên truyền để xã hội có nhận thức đầy đủ về bổn phận và trách nhiệm công dân đối với đất nước. Giới trẻ càng phải hiểu sâu sắc về vai trò của mình trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Nhiều quốc gia trên thế giới đặt ra các nghĩa vụ mà công dân phải thực hiện và xem đó là nghĩa vụ đối với quốc gia. Người ta làm những công việc được giao có thời hạn (như gia nhập quân đội) và xem đó là bình thường, chưa kể có những trọng trách gánh vác mang ý nghĩa vinh dự. Mọi công dân đều có trách nhiệm thực thi nghĩa vụ quốc gia và đó là sự công bằng.

Có không ít người lẩn tránh nghĩa vụ quân sự trong những năm qua

Trở lại chuyện thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam, nhiều năm qua, có không ít người tìm cách lẩn tránh, trong đó có cách phổ biến như tìm chiếc ghế của giảng đường đại học, mà chuyện này hiện nay quá dễ, các trường sẵn sàng tiếp thị giấy nhập học đến tận nhà. Thậm chí, còn có tình trạng chạy chọt cho những người có trách nhiệm tuyển quân. Sự dễ dàng trong lẩn tránh nghĩa vụ quân sự đã tạo ra tập quán xấu trong xã hội, nhận thức tiêu cực trong cộng đồng, và nguy hại hơn là mất đi ý nghĩa của trách nhiệm của công dân đối với quốc gia. Một đất nước không xây dựng được tinh thần này thì hậu quả không phải là tạo ra một cá nhân ích kỷ mà một cộng đồng ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến quyền lợi riêng tư.

Chính vì thế, bỏ quy định hoãn nghĩa vụ quân sự đối với những công dân trúng tuyển đại học là một sự đúng đắn, phù hợp, vừa tạo ra sự công bằng trong việc tuyển quân nhập ngũ hằng năm, vừa thay đổi nhận thức của xã hội về tinh thần trách nhiệm công dân.

Theo Báo Lao Động