Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, diem thi dai hoc

Các chuyên gia lĩnh vực này cho rằng việc SGK điện tử gắn chặt với thiết bị đọc sách của NXB Giáo Dục là đi ngược lại tinh thần phổ biến SGK rộng rãi và mất đi tính tốt đẹp của chủ trương số hóa SGK cũng như các xuất bản phẩm điện tử.

Không theo thông lệ

Ông Hà Thân, tổng giám đốc Công ty phần mềm Lạc Việt, cho rằng việc gắn chặt sách với thiết bị để ngăn ngừa ăn cắp nội dung sách là một cách làm không giống thông lệ các nước và các hãng công nghệ lớn đang làm. Ở các nước, luật bản quyền rất chặt chẽ và bộ giáo dục chỉ đưa ra khung chương trình, còn nội dung SGK sẽ do các giáo viên giỏi viết và bán với những mức giá khác nhau, người học có thể lựa chọn cho mình bộ SGK phù hợp. Ấn Độ có những máy tính bảng với giá 35 USD phục vụ cho học tập, Hãng Intel cũng có dự án làm những chiếc máy tính giá khoảng 35 USD để hợp tác với chính phủ các nước phát cho học sinh và học sinh có thể tự do tải về bất cứ SGK hay tài liệu học tập nào. Các hãng như Amazon cũng bán sách và thiết bị riêng để người dùng tự do lựa chọn và chỉ trả tiền cho sản phẩm nào muốn mua. Lạc Việt là đơn vị làm sách điện tử từ năm 2008 và từng hợp tác với NXB Giáo Dục để triển khai dự án số hóa SGK từ năm 2010 nhưng không làm được vì nguồn thu của NXB Giáo Dục chủ yếu từ bán SGK giấy, nếu số hóa sẽ ảnh hưởng đến doanh thu.

TS Lê Thống Nhất, phó giám đốc Công ty VTC Online, cho rằng dự án này có những điểm lạ như: thông thường bất cứ dự án nào về giáo dục nếu có giá trị trên 100 triệu đồng phải qua đấu thầu. Mặt khác, nội dung SGK là tài sản của Bộ GD-ĐT, trong trường hợp này đã được biến thành tài sản riêng của doanh nghiệp và được bán với giá không hợp lý khi trên thị trường có những loại máy tính bảng có giá bán lẻ chỉ khoảng 1,6 triệu đồng, ngay cả thương hiệu lớn như Kindle của Amazon cũng chỉ có giá khoảng 200 USD.

Nhà nước số hóa, đặt hàng máy riêng cho giáo dục

Theo ông Đồng Phước Vinh - giám đốc Công ty sách điện tử Trẻ thuộc NXB Trẻ, Bộ GD-ĐT đầu tư nghiên cứu xây dựng nội dung SGK bằng ngân sách nhà nước, tức là tài sản của nhân dân. Do vậy NXB Giáo Dục có thể in và bán sách giấy. Còn với sách điện tử, do chi phí làm sách khá thấp nên chăng sau khi trừ đi chi phí viết phần mềm, phí tác quyền, phí duy trì thì bán với giá hợp lý để mọi người đều có thể tiếp cận, sử dụng trên tất cả loại máy tính bảng đã có sẵn.

Ông Vinh băn khoăn giá Classbook cao so với mặt bằng giá máy tính bảng hiện nay, đồng thời nếu sau này trong quá trình sử dụng có những hư hỏng phần cứng như hư màn hình, hư pin thì phải làm thế nào? Bảo hành ở đâu, chi phí bao nhiêu, chi phí sửa chữa có mắc so với chi phí mua máy? Tuổi thọ một sản phẩm công nghệ thông tin thông thường chỉ 3-4 năm, như vậy trong 12 năm học, học sinh sẽ phải thay 3-4 lần máy? Mỗi lần thay máy thì chi phí bản quyền sách đã mua được tính thế nào? Ngoài ra, máy Classbook của NXB Giáo Dục được đặt sản xuất từ Trung Quốc với chất lượng thế nào không rõ.

Theo ông Vinh, tại sao lại không xây dựng dự án máy tính bảng cho giáo dục và đặt hàng những hãng lớn, uy tín và có nhà máy tại VN để họ sản xuất những dòng máy riêng cho giáo dục với chất lượng cao, giá thành rẻ?

Nếu vì mục tiêu chung là tạo ra một sản phẩm cho giáo dục VN thì Bộ GD-ĐT nên cung cấp nội dung SGK và cho doanh nghiệp đấu thầu số hóa sách và cung cấp máy tính bảng giá rẻ. Đó là đề nghị của TS Lê Thống Nhất. Việc số hóa SGK không khó, bất cứ doanh nghiệp công nghệ thông tin nào cũng có thể làm được, nhưng bắt tay được với NXB Giáo Dục để số hóa lại không dễ. Nên chăng Bộ GD-ĐT hãy dùng ngân sách nhà nước để số hóa SGK vì kinh phí cho số hóa sách rất thấp, sau đó cung cấp miễn phí cho người dân.

Nếu có cơ chế này, thị trường sẽ có những cuộc cạnh tranh lành mạnh về máy tính bảng, doanh nghiệp có thể nhập máy từ Ấn Độ, Trung Quốc, Mỹ... và mức giá có thể sẽ xuống còn khoảng 1 triệu đồng/máy. Người tiêu dùng sẽ có những lựa chọn hợp lý và khôn ngoan để có thiết bị phù hợp.

Ông Phạm Thúc Trương Lương (giám đốc Công ty cổ phần Sách điện tử giáo dục, NXB Giáo Dục, đơn vị làm Classbook):

Sẵn sàng hợp tác, nhưng...

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy tính bảng, từ những loại có giá khoảng 2 triệu đồng đến các máy thương hiệu lớn có giá cao hơn. Để so sánh giá, cần tìm những sản phẩm cấu hình tương đương với Classbook để so sánh tường tận, công bằng. Giá cao hay thấp, có chấp nhận được hay không là do người tiêu dùng tự quyết định.

Ngoài ra, sản phẩm Classbook sẽ rất khó phân tách riêng phần cứng thiết bị và phần mềm nội dung vì sản phẩm đã được tác động từ lõi là hệ điều hành cho đến các nội dung khác của máy. Trong quá trình sử dụng, mỗi khi tái bản SGK, người dùng có thể tải về miễn phí, nếu có hỏng hóc cơ bản sẽ được bảo hành miễn phí trong một năm. Bên cạnh đó, nhà cung cấp cũng sẵn sàng các linh kiện để thay thế khi bất cứ linh kiện nào hư.

Classbook không phải là thiết bị bắt buộc và thay thế SGK giấy cũng như không phải là sản phẩm độc quyền. Với SGK điện tử, rào cản không phải là chính sách, chủ trương mà là kỹ thuật. Bất cứ doanh nghiệp nào có khả năng số hóa SGK và đưa ra những sản phẩm khác đều có thể hợp tác với NXB Giáo Dục để làm, nhưng phải đáp ứng những tiêu chí như chứng minh được công nghệ áp dụng an toàn, bảo mật cao, SGK sẽ không bị thay đổi, sửa chữa nội dung, bảo đảm sách sẽ không bị sao chép cho người khác.

Kênh tuyển sinh: tuổi trẻ