Lại lỗi hẹn

Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Lương Thế Vinh Q.1, TP.HCM, đăng ký chọn môn thi tốt nghiệp năm 2015 - Ảnh: Như Hùng

Suốt thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều thí sinh và phụ huynh có con em đang học lớp 12 vẫn thấp thỏm chờ vì thời điểm “10 ngày đầu của tháng 2” như lời cam kết của người đứng đầu ngành giáo dục đã lặng lẽ trôi qua...

Dù là kỳ thi đầu tiên sáp nhập hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, nhưng Bộ GD-ĐT cho biết đã “chuẩn bị kỹ lưỡng từ nhiều năm qua” với những yếu tố chín muồi thúc đẩy từ thành quả của hơn 10 năm tổ chức kỳ thi “ba chung” an toàn, êm ả.

Điều đáng nói, đây không phải là lời hứa đầu tiên liên quan đến các quy chế thi của bộ mà ngay trước đó, thí sinh cũng nhận nhiều lần hứa hụt rằng dự thảo quy chế sẽ công bố vào tháng 11, rồi đầu tháng 12, nhưng rốt cuộc đến ngày 18-12 bản dự thảo mới được đưa lên mạng.

Còn nhớ trong buổi tọa đàm về dự thảo quy chế thi THPT quốc gia 2015 tổ chức vào tháng 1 tại TP.HCM, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định: tất cả thay đổi đều lấy quyền lợi, lợi ích lâu dài, căn bản của học sinh làm trung tâm, tiêu chí quan trọng nhất.

Ai cũng hiểu, bộ trưởng muốn trấn an thí sinh vì tâm lý xã hội đã chịu quá nhiều xáo trộn với những thay đổi chóng mặt và chưa thể hiện hiệu quả được bao nhiêu. Nhưng với sự chậm trễ lần này, rõ ràng thí sinh không khỏi cảm thấy bị động, lo lắng và hoang mang.

Chia sẻ cùng Tuổi Trẻ, PGS Văn Như Cương - người đứng đầu một trường THPT ở Hà Nội - cho rằng từ khi triển khai, một kỳ thi quốc gia đã không tuân theo quy luật thông thường.

Theo đó, ngay ở phạm vi nhỏ, với bất cứ nhà trường nào, kế hoạch giáo dục - trong đó có kiểm tra, thi cử - phải đặt ra từ đầu năm học, đằng này thay đổi quá bất ngờ khiến nhà trường bối rối, học sinh lúng túng.

“Bản thân bộ không dứt khoát, cứ thậm thà thậm thụt mãi. Thành ra có những việc loay hoay như nghĩ ra thang điểm 20, rồi sau đó bộ lại rút về thang điểm 10...” - PGS Cương bình luận.

Kỳ thi mới mẻ với thí sinh kỳ thực cũng là kỳ thi đổi mới với chính ngành giáo dục. Làm sao sáp nhập được hai mục tiêu khi có thí sinh chỉ cần đạt một mục tiêu tốt nghiệp THPT là đủ?

Những thí sinh vùng sâu không mộng mơ tấm bằng ĐH cớ gì phải lặn lội liên tỉnh xa xôi để thực hiện những phần thi nhẹ nhàng đủ để xét tốt nghiệp?

Rồi môn thi ngoại ngữ vừa chớm đổi mới ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm trước bằng việc lồng thêm phần thi tự luận, nay có nên tiếp tục kế thừa trong khi thí sinh chuẩn bị tuyển sinh ĐH lâu nay chỉ ôn luyện theo hình thức trắc nghiệm...

Dù có người dí dỏm dò đoán rằng phải đợi ngày đẹp, giờ đẹp mới công bố thì việc lỡ hẹn đầu năm với cả triệu thí sinh, phụ huynh cũng khiến cho kỳ thi quốc gia đầu tiên rơi vào thế quá cập rập, thêm bất an và nhiều lo lắng.

Theo Tuổi trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/thoi-su-suy-nghi/20150226/lai-loi-hen/713565.html