Sự kiện: Giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, khoa giáo

Các trung tâm kiểm định chất lượng mới được thành lập phải tuân thủ các quy trình kiểm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và trung bình mỗi năm phải kiểm định 100 trường

**Kiểm định chất lượng ĐH quá chậm

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa thành lập Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-CEA) và sắp tới là Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục, thuộc ĐH Quốc gia TP HCM (VNU-HCM EAC). Các trung tâm này được quyền đưa ra các quyết định công nhận hay không công nhận các trường ĐH, các chương trình đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mà không bị can thiệp bởi bên thứ ba. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia bày tỏ sự lo ngại liệu 2 trung tâm này có khách quan và thực sự độc lập trong việc đánh giá, công bố kết quả khi vẫn chịu sự quản lý của Bộ GD-ĐT.

kiểm định chất lượng đại học

Quy trình kiểm định chất lượng giáo dục đại học quá chậm

Kiểm định theo tiêu chí của bộ

Trước những lo lắng này, Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng đào tạo, Bộ GD-ĐT cho rằng cần hiểu rõ khái niệm kiểm định độc lập. Sự độc lập ở đây là chủ động lập kế hoạch và đưa ra các quyết định không phụ thuộc vào bên thứ ba, chứ không phải độc lập là không thuộc đơn vị nào. Dẫn chứng cho điều này, Bộ GD-ĐT cho biết trên thế giới có không ít tổ chức kiểm định trực thuộc nhà nước như Úc, Thái Lan, Malaysia. Tổ chức kiểm định của Indonesia cũng do Bộ Giáo dục thành lập và cho phép hoạt động.

Tuy nhiên, theo Bộ GD-ĐT, 2 tổ chức kiểm định này chỉ thuộc nhà nước trong giai đoạn đầu để có thời gian hình thành và phát triển. Sau 5 năm đầu, các đơn vị này sẽ tách ra độc lập hoàn toàn, trong lộ trình đến 2015 sẽ thành lập 3 tổ chức kiểm định và sau năm 2015, cho phép thành lập các tổ chức ngoài công lập.

Cả nước có tới gần 500 trường ĐH, CĐ với chu kỳ 5 năm/lần kiểm định và bình quân mỗi năm, tổ chức này sẽ kiểm định 100 trường. Trong khi đó, dự kiến mỗi trung tâm kiểm định thuộc các ĐH quốc gia sẽ có khoảng 30 kiểm định viên và 25 nhân viên hỗ trợ. Trước khi có thêm các tổ chức kiểm định khác được thành lập sau năm 2015, 2 trung tâm này sẽ phải gồng mình để đảm nhận nhiệm vụ kiểm định 100 trường/năm.
Bộ GD-ĐT cho biết toàn bộ tiêu chuẩn kiểm định, quy trình kiểm định, đào tạo kiểm định viên, cấp và thu hồi thẻ kiểm định viên đều phải tuân thủ quy định của cơ quan này. Bên cạnh đó, việc cấp phép hoạt động 5 năm/lần, đình chỉ hoạt động hay giải thể các trung tâm kiểm định đều do Bộ GD-ĐT quyết định.

Cần khách quan

Ông Bùi Đức Hiền, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Điện lực, cho rằng kiểm định là việc còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Vì thế, trong giai đoạn chuyển tiếp, cần có những chuyên gia kiểm định am hiểu về giáo dục, nếu không sẽ rất khó làm. Ông Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường ĐH Lương Thế Vinh, băn khoăn: “Không quan trọng đơn vị công lập hay ngoài công lập, điều cốt lõi là việc kiểm định có độc lập, khách quan hay không”.

Theo ông Bùi Đức Hiền, lâu nay, tiến độ kiểm định của các trường ĐH, CĐ rất chậm nên yêu cầu mỗi năm phải kiểm định 100 trường ĐH, CĐ là rất khó với 2 trung tâm mới thành lập. “Phải có kinh nghiệm và thời gian để làm việc này” - ông Hiền nhấn mạnh. Ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng kiểm định khách quan hay không phụ thuộc vào đội ngũ kiểm định và một bộ tiêu chí khách quan. “Để việc kiểm định chất lượng đi vào thực tế, cần tăng cường sử dụng kết quả kiểm định trong công tác quản lý.

Ví dụ, chỉ các trường ĐH nào được kiểm định thì mới được tiếp cận với các quỹ hỗ trợ, quỹ nghiên cứu khoa học, tài trợ của các dự án; chỉ sinh viên tốt nghiệp trường hay chương trình được kiểm định thì mới được học lên; trường nào được kiểm định thì mới được mở rộng ngành nghề hay tăng số lượng tuyển sinh…” - ông Hùng kiến nghị.

Theo tác giả Yến Anh, NLĐ