Sự kiện: Giáo dục, tuyển sinh, thông tin tuyển sinh, điểm thi đại học

Do công tác tư vấn tuyển sinh những mùa thi ĐH, CĐ gần đây ngày càng hiệu quả hơn nên lượng hồ sơ "ảo" nộp vào các trường đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH, số hồ sơ thí sinh nộp "dự phòng" vẫn ở mức cao. Ngày mai, 3-7, thí sinh dự đợt thi đầu tiên sẽ quyết định chọn trường nào để thi và một trong các cơ sở cho sự lựa chọn này là tỷ lệ "chọi".

Khối trường kinh tế chưa "dễ thở"

Mối tương quan giữa số lượng hồ sơ và chỉ tiêu tuyển sinh vẫn là con số có ý nghĩa để thí sinh tham khảo mặc dù hoàn toàn không phải trường có tỷ lệ chọi thấp sẽ đem lại nhiều cơ hội trúng tuyển hơn.

Những cảnh báo từ Bộ GD-ĐT cũng như của xã hội về tình trạng bão hòa nhân lực trong khối ngành kinh tế từ đầu mùa thi đã khiến hồ sơ đăng ký dự thi nhóm ngành kinh tế, quản trị giảm 10,5% so với năm 2012. Những nhóm ngành có xu thế tăng là khoa học giáo dục (tăng 3,1%), khoa học sức khỏe (tăng 1,7%), công nghệ kỹ thuật (tăng 0,5%), môi trường và bảo vệ môi trường (tăng 1,4%), nông - lâm - thủy sản (tăng 0,3%). Tuy nhiên, dù giảm nhiều song hồ sơ hướng tới ngành kinh tế vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số hồ sơ theo nhóm ngành, chiếm 19,9%. Vì vậy, thí sinh không nên chủ quan rằng sẽ "dễ thở" hơn khi chọn thi các ngành kinh tế.

Thực tế từ nhiều mùa thi cho thấy, tỷ lệ "chọi" của các trường được các học sinh có học lực khá, giỏi chọn thường không ở mức cao nhất song điểm đầu vào luôn là thách thức lớn. Trường đại học Ngoại thương năm nay có tỷ lệ chọi chỉ là 1/3,4 với 2.500 chỉ tiêu và 8.500 hồ sơ đăng ký dự thi; Học viện Ngân hàng có tỷ lệ chọi là 1/2,8 với 2.800 chỉ tiêu và 8.000 hồ sơ đăng ký dự thi; Học viện Tài chính có tỷ lệ chọi là 1/2,98 với số chỉ tiêu ĐH là 3.350 và số hồ sơ khoảng 10.000.

ĐH Kinh tế quốc dân có chỉ số chọi cao hơn hẳn các trường kinh tế và cũng cao hơn nhiều các năm trước đây: 1/9,13 với chỉ tiêu ĐH là 1.100, số hồ sơ là 10.050. Điểm trúng tuyển của các trường trên cũng không hề tương quan với tỷ lệ chọi: Điểm chuẩn theo ngành thấp nhất của Trường ĐH Ngoại thương ổn định từ nhiều năm nay là 20-21,5 điểm; điểm vào Học viện Ngân hàng năm thấp nhất là từ 20 điểm trở lên... Vì vậy, các chuyên gia tuyển sinh khuyên thí sinh hết sức cẩn trọng khi chọn lựa.

Nên căn cứ vào điểm chuẩn đại học

Trong khi đó, một số trường khác có lượng hồ sơ và tỷ lệ chọi cao vượt trội lại có điểm chuẩn ở mức trung bình. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội năm nay có tỷ lệ chọi là 11,84 với 58.000 hồ sơ đăng ký dự thi. Tuy nhiên, điểm vào trường hằng năm thường chỉ từ 15 đến 18 điểm. Trường ĐH Nông nghiệp có tỷ lệ chọi không hề thấp, năm nay là 1/6,15 nhưng điểm vào trường chỉ nhỉnh hơn điểm sàn, trong đó ngành công nghệ sinh học có điểm trúng tuyển cao nhất, khoảng 17 điểm (khối B). Tỷ lệ "chọi" cao nhưng điểm chuẩn thấp một phần do số thí sinh dự thi thường thấp hơn rất nhiều so với số hồ sơ, chỉ đạt dưới 70%. Thí sinh vắng mặt có thể do trượt tốt nghiệp hoặc nộp hồ sơ chỉ để dự phòng.

Làm khó các thí sinh nhiều nhất là các trường có ít chỉ tiêu mà nhận được nhiều hồ sơ hoặc đang có biến động về nhu cầu đào tạo. Các chuyên gia khuyến cáo: Có ngành học nhận được số hồ sơ ít hơn cả chỉ tiêu song không có nghĩa thí sinh cứ đạt điểm sàn là đậu bởi thay vì hạ điểm chuẩn, trường có thể sẽ chờ để xét tuyển.

Các thống kê cho thấy khối trường y - dược vừa có tỷ lệ "chọi" cao lại vừa có điểm chuẩn thuộc hàng top. Trường ĐH Y Hải Phòng năm nay tỷ lệ này là 1/17,3, năm ngoái trường này có điểm đầu vào thấp nhất là 18 (ngành dược sĩ), cao nhất là bác sĩ đa khoa 22,5. Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh có tỷ lệ 1/14,28, điểm đầu vào năm 2012 từ 20 đến 26,5 điểm tùy ngành. Tỷ lệ giữa chỉ tiêu và số hồ sơ đăng ký dự thi năm nay của Trường ĐH Y Hà Nội là 1/14,6, điểm chuẩn năm ngoái từ 20 đến 26 điểm tùy theo ngành. Thí sinh thi vào khối ngành y dược có chất lượng đầu vào cao song có vẻ cũng biết lượng sức mình hơn với lượng hồ sơ năm nay là 14.000, trong khi hai năm trước đó lên tới 19.000 hồ sơ.

Qua mỗi mùa thi, nhiều chỉ số có thể thay đổi nhưng mức điểm trúng tuyển thường được giữ ổn định trong nhiều năm liền. Đó chính là cơ sở quan trọng các thí sinh nên quan tâm hơn là tỷ lệ "chọi". Các con số đều chỉ mang tính tham khảo, các chuyên gia tuyển sinh vẫn khuyên các thí sinh trước hết hãy dựa vào học lực và triển vọng công việc sau khi ra trường để chọn trường, ngành học phù hợp.

Mất giấy báo thi, vẫn có thể được dự thi

Ông Ngô Kim Khôi, Vụ trưởng Vụ Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục cho biết: Trong trường hợp bị thất lạc giấy báo dự thi, thí sinh có thể được cấp lại tại phòng thi của mình vào ngày làm thủ tục thi (ngày 3-7-2013 đối với thí sinh dự thi khối A, A1, V; ngày 8-7-2013 đối với thí sinh dự thi các khối B, C, D và năng khiếu; ngày 14-7-2013 đối với thí sinh dự thi tại các trường CĐ có tổ chức thi).

Khi làm thủ tục, thí sinh phải mang theo giấy tờ tùy thân hợp lệ có dán ảnh, tờ phiếu số 2 có đóng dấu giáp lai trong bộ hồ sơ đăng ký dự thi, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2013), các loại giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có). Thí sinh cần thông báo với cán bộ làm thủ tục dự thi tại phòng thi để trường đối chiếu với hồ sơ gốc và danh sách lưu tại trường. Nếu các thông tin là chính xác, thí sinh sẽ được làm giấy cam đoan và chụp ảnh tại chỗ để làm thẻ dự thi bổ sung hoặc cấp lại giấy báo thi. Sau đó, thí sinh được dự thi bình thường.

Trong ngày làm thủ tục dự thi, các sai sót khác đều có thể được chỉnh sửa, bổ sung nếu thí sinh có đầy đủ giấy tờ hợp lệ.

Theo tác giả Thúy Quỳnh Báo Hà Nội Mới