Trường ĐH Đại Nam và cơ sở TP.HCM của Trường ĐH Ngoại thương là hai đầu mối nhận hồ sơ tuyển sinh chương trình tiến sĩ “dành cho người đi làm, không phải rời xa công việc” của Trường ĐH Bulacan (một trường ĐH công lập của Philippines, đã được nước này kiểm định).

Học phí khoảng 230 triệu đồng/khóa, không yêu cầu tiếng Anh đầu vào, đầu ra.

Chương trình học được thực hiện theo hình thức những chuyến du học ngắn ngày vào cuối tuần, tự học có hướng dẫn kết hợp nghiên cứu tài liệu, tham gia hội thảo chuyên đề, thảo luận và bảo vệ luận án tại ĐH Bulacan.

Học tiến sĩ chớp nhoáng?

Những học viên tiến sĩ khóa 3 tham gia khóa học chớp nhoáng tại ĐH Bulacan - Ảnh: CTV

Đi 4 ngày, học 2 ngày


Học viên theo học chương trình này sẽ học tại Hong Kong hay các cơ sở của ĐH Bulacan ở Philippines và các quốc gia khác.

Chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.

Tuy nhiên suốt quá trình giảng dạy sẽ có người phiên dịch từ tiếng Anh qua tiếng Việt.

Nếu tiếng Anh của học viên không tốt thì có thể chọn người hướng dẫn là giảng viên người Việt. Khi bảo vệ luận án có thể nhờ phiên dịch và phải chịu chi phí này.

Anh T. - một học viên - cho biết đã qua Hong Kong được bốn lần, mỗi lần ba ngày.

Suốt thời gian theo học tại Hong Kong đều có người phiên dịch tiếng Việt.

Có những người học và nghiên cứu khá tốt, tuy nhiên không phải ai cũng như vậy.

Những người có khả năng tiếng Anh không tốt khi làm luận án có thể chọn giáo sư người Việt với điều kiện giáo sư đó phải đủ tiêu chuẩn của ĐH Bulacan đưa ra.

Theo thông tin chúng tôi có được, trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) đã tuyển được ba khóa đào tạo tiến sĩ theo chương trình này với hầu hết học viên là giảng viên, cán bộ quản lý nhiều trường ĐH, CĐ, trong đó có nhiều giảng viên của Trường ĐH Ngoại thương.

Riêng khóa 3 (tuyển năm 2013) có 30 người, trong đó Trường ĐH Ngoại thương 4 người, CĐ Vinatex 3 người, ĐH Lạc Hồng 2 người... Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường CĐ Công nghiệp cao su Bình Phước, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cũng có người theo học.

Tháng 3-2014, lớp này sang Hong Kong học môn xác suất thống kê trong thời gian bốn ngày, trong đó thời gian di chuyển hết hai ngày và thời gian thực học chỉ có hai ngày. Toàn bộ việc đi lại và di chuyển do một công ty lữ hành tại TP.HCM thực hiện.

Một điểm đáng chú ý nữa của lớp này là việc đăng ký giảng viên hướng dẫn. Trong số 30 người của lớp này có 15 người chọn giảng viên hướng dẫn là người nước ngoài, còn lại là người Việt, trong đó có giảng viên hướng dẫn đến năm học viên.

Chưa rõ số phận bằng tiến sĩ


Đến nay, một số học viên khóa 3 chương trình tiến sĩ ĐH Bulacan do trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) tiếp nhận hồ sơ vẫn băn khoăn không biết chương trình này là chính quy hay từ xa, bằng tiến sĩ có được công nhận hay không.

Một văn bản của ĐH Bulacan gửi ông Nguyễn Xuân Minh - phó giám đốc cơ sở TP.HCM Trường ĐH Ngoại thương - xác nhận đây là chương trình chính quy, không phải chương trình từ xa hay online. Văn bản này đã được chuyển cho các học viên.

Hiệu trưởng một trường CĐ tại TP.HCM - người theo học lớp tiến sĩ này - cho biết lúc trước có nghe ông Phạm Hùng Cường - trưởng phòng quản lý khoa học hợp tác quốc tế Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở TP.HCM) - nói về việc làm thủ tục công nhận bằng tiến sĩ, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin bằng được công nhận hay không.

Liên quan đến thủ tục công nhận bằng tiến sĩ, trung tâm tư vấn giáo dục quốc tế có thông báo mở lớp ôn thi chứng chỉ B1, B2 cho học viên khóa 3.

Ông Phạm Hùng Cường giải thích theo quy định của Bộ GD-ĐT về việc công nhận văn bằng: “Trường hợp cần thiết phải thẩm định mức độ đáp ứng..., người có văn bằng cần gửi kèm theo hồ sơ các tài liệu liên quan như chứng chỉ ngoại ngữ, các văn bằng, chứng chỉ có liên quan”.

Vì vậy, theo yêu cầu của học viên, trung tâm đã phối hợp, tổ chức lớp ôn và thi chứng chỉ B1, B2 theo khung tham chiếu châu Âu.

 

Bằng tiến sĩ chỉ để “tham khảo”

Tháng 11-2014, hiệu trưởng Trường CĐ Công thương TP.HCM ra quyết định bổ nhiệm phó trưởng khoa quản trị kinh doanh đối với ông V.N.T..
Việc bổ nhiệm này gây xôn xao trong khoa bởi ông T. lấy bằng tiến sĩ của ĐH Bulacan.
Tuy nhiên, khi trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thanh Bình - hiệu trưởng nhà trường - cho biết trường chỉ lưu bằng tiến sĩ này để tham khảo bởi theo quy định, tất cả bằng nước ngoài đều phải được Bộ GD-ĐT công nhận mới có giá trị.
Ông T. hiện mới có bằng thạc sĩ được trường công nhận.

Không công nhận

Liên quan đến chương trình tiến sĩ của ĐH Bulacan, tháng 10-2013 Tuổi Trẻ đã có bài phản ánh.

Trao đổi với chúng tôi vào thời điểm đó, đại diện Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục - Bộ GD-ĐT cho biết có một số người mang bằng tiến sĩ của ĐH Bulacan với hình thức đào tạo như Tuổi Trẻ phản ánh đến cục để công nhận văn bằng. Cục đã kiểm tra và phát hiện đây là hình thức đào tạo từ xa, có hướng dẫn.

Theo khoản 2 điều 3 quyết định 77 của Bộ GD-ĐT, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình giáo dục từ xa để cấp văn bằng đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT VN cho phép đào tạo hoặc liên kết đào tạo tại VN.

Chương trình này chưa được phê duyệt tại VN nên bằng cấp sẽ không được công nhận.

 

Theo báo Tuổi Trẻ, tin gốc: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20150123/hoc-tien-si-chop-nhoang/702342.html