Và điều lo lắng nhất hiện nay của giáo viên, phụ huynh và học sinh là cấu trúc đề thi vì đây là yếu tố quan trọng quyết định tới kết quả kỳ thi.

Góp ý về cấu trúc đề thi THPT quốc gia

Hiện tại, phương án cấu trúc đề thi do Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục đưa ra với các câu hỏi phục vụ việc xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ được trộn lẫn với nhau. Ưu điểm của phương án này là các kiến thức phục vụ cho 2 mục đích được phối hợp chặt chẽ trong một đề thi hoàn chỉnh. Song, thí sinh bị phân tán về nội dung khó - dễ để có thể nhanh chóng làm bài có hiệu quả. Thí sinh chỉ có nguyện vọng xét tốt nghiệp phải làm những phần nâng cao phục vụ cho việc tuyển sinh ĐH, CĐ; thí sinh chỉ có nguyện vọng tuyển sinh ĐH (vì đã tốt nghiệp THPT) phải làm những phần phục vụ cho việc xét tốt nghiệp THPT. Đối với thí sinh học lực yếu thì việc phân biệt câu dễ để làm trước, câu khó làm sau rất mất thời gian, ảnh hưởng tới tâm lý thi cử và tiến độ làm bài. Về tổng thể, thí sinh sẽ vất vả để làm hết cả đề thi và như vậy sẽ ảnh hưởng tới kết quả.
Để tạo thuận lợi cho thí sinh, tôi đã đề xuất và báo cáo lên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT một phương án cấu trúc đề thi khác. Với phương án này, đề thi tách thành 2 phần độc lập: Phần 1 dành cho mục đích xét tốt nghiệp THPT, nội dung đề thi ở mức cơ bản phù hợp với yêu cầu xét tốt nghiệp THPT, tương tự đề thi tốt nghiệp THPT năm 2014; Phần 2 dành cho mục đích xét tuyển sinh năm 2015, nội dung đề thi nâng cao phù hợp với yêu cầu xét tuyển sinh ĐH, CĐ, tương tự đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014. Dung lượng đề thi mỗi phần thực hiện trong khoảng 50% thời gian của thời gian làm cả bài thi. Ưu điểm của phương án này là thuận lợi cho việc làm bài của thí sinh. Thí sinh có nhu cầu xét tốt nghiệp THPT chỉ tập trung làm phần 1, thí sinh có nhu cầu xét tuyển ĐH, CĐ chỉ tập trung làm phần 2, thí sinh vừa có nhu cầu xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH, CĐ làm cả 2 phần. Cấu trúc đề như vậy tạo điều kiện thuận lợi về tâm lý, HS sẽ tập trung làm bài vào phần đúng với mục đích thi của mình nên kết quả kỳ thi sẽ được đảm bảo hơn. Hơn nữa, dạng đề thi này còn thuận lợi cho việc chấm thi và xử lý kết quả thi mà vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của Quy chế thi THPT quốc gia và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cho đến thời điểm này.
Về mặt kỹ thuật, việc chuyển cấu trúc đề thi từ phương án 1 sang phương án 2 không có gì khó khăn phức tạp, vì theo chỉ đạo của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục: Tỷ lệ điểm dành cho mức độ cơ bản chiếm khoảng 60% tổng số điểm và cho mức độ nâng cao chiếm khoảng 40% tổng số điểm. Như vậy có thể hiểu trong đề thi đã có tới 60% nội dung kiến thức cơ bản phục vụ xét tốt nghiệp và 40% kiến thức nâng cao phục vụ cho việc xét tuyển ĐH, CĐ. Phương châm chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong kỳ thi này là tạo thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh, vậy nếu việc chuyển cấu trúc đề thi sang phương án 2 mà thuận lợi hơn cho thí sinh thì tại sao không lựa chọn?
Thời gian hiện nay rất cấp bách, vì vậy cần có quyết định phù hợp của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về cấu trúc đề thi THPT quốc gia để định hướng kịp thời cho người ra đề và người dự thi, nhằm đảm bảo thành công của kỳ thi THPT quốc gia.
Theo báo Kinh tế Đô thi, tin gốc: http://www.ktdt.vn/xa-hoi/giao-duc/2015/05/8102bec1/gop-y-ve-cau-truc-de-thi-thpt-quoc-gia/

Tuyển sinh, tuyển sinh 2015, điểm thi đại học, tra điểm thi tốt nghiệp, kỳ thi THPT quốc gia