>> Giáo dục, tuyển sinh, hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh, học đường

Chú trọng giáo dục (GD) lý tưởng, đạo đức, nhân cách sống, coi trọng kỹ năng thực hành, là mục tiêu và cũng là giải pháp quan trọng trong lộ trình đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TƯ. Đó cũng là vấn đề được ngành GD-ĐT Hà Nội tập trung thảo luận tại buổi tọa đàm diễn ra vào cuối tuần qua.

Coi trọng việc dạy làm người

Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân lập Marie Curie Nguyễn Xuân Khang cho rằng, nói đến đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT tức là đã "đụng" đến toàn bộ các vấn đề cốt lõi của ngành GD, vì vậy, nhiệm vụ của ngành GD-ĐT nói chung và của từng nhà trường nói riêng đều rất quan trọng. Thế nhưng, dù là nhiệm vụ gì thì cũng phải hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng "sản phẩm" GD. Điều này cần được cụ thể hóa ngay trong việc đổi mới nội dung, chương trình sách giáo khoa. Hiện nay, nội dung, chương trình sách giáo khoa còn nặng tính hàn lâm, vừa thừa, vừa thiếu và ít quan tâm đến HS. HS lớp 7 đã phải học về thơ Đường, đó là điều không hợp lý.

Đổi mới giáo dục: Băn khoăn chất lượng giáo viên

Đổi mới giáo dục: Băn khoăn chất lượng giáo viên

Nói về độ khó của kiến thức, thầy Nguyễn Xuân Khang dẫn chứng, năm 2013, có 49/50 người tham gia chương trình "Ai thông minh hơn học sinh lớp 5" không vượt qua phần thi liên quan đến kiến thức dành cho HS tiểu học. Cũng theo thầy Khang, việc tổ chức các hoạt động giáo dục quốc phòng - an ninh, hướng nghiệp, mỹ thuật, thể dục… cũng cần được điều chỉnh ngay, nhằm hạn chế tính hình thức như hiện nay, vừa gây lãng phí, vừa không đạt mục tiêu GD toàn diện.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm bày tỏ sự tâm đắc đối với mục tiêu GD toàn diện cho HS, coi đó là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của một trường, kể cả trường công lập và ngoài công lập. Thực tế 17 năm hoạt động của Trường Đoàn Thị Điểm đã chứng minh điều đó. Đến nay, trường đã có quy mô gần 5 nghìn HS ở cả ba cấp học. Theo bà Hiền, trong trường học, việc dạy người được thực hiện tốt sẽ tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của HS, giúp các em có điều kiện để trở thành công dân có ích, tạo thói quen học tập suốt đời.Đọc thêm bài viết :  Đổi mới thực chất thì nên quyết tâm làm

Với những trường có "đầu vào" thấp thì việc dạy làm người càng cần thiết hơn. Theo kinh nghiệm của giáo viên (GV) Trường THPT Bình Minh, việc đầu tiên cần làm đối với HS mới vào trường là khơi gợi cho các em tình yêu trường lớp, kính trọng người lớn, có trách nhiệm với bản thân… Tức là phải dạy cho HS cách sống, sau đó mới dạy cho HS cách học. Chính vì vậy, nhà trường luôn quan tâm tổ chức đời sống học đường phong phú, từ đó kích thích HS phấn đấu trong việc học.

Dạy trò bằng chính gương thầy

GD là một ngành đặc thù mà ở đó người thầy giữ vai trò then chốt trong việc tạo ra "sản phẩm" GD chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp CNH - HĐH và hội nhập quốc tế của đất nước. Điều này được khẳng định trong dự thảo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TƯ của TP Hà Nội. Mối lo chung của các cấp quản lý, nhà trường hiện nay là làm thế nào để vượt qua rào cản về chất lượng đội ngũ nhà giáo, trang bị cho đội ngũ này khối lượng kiến thức, kỹ năng cần thiết, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD. Rào cản ấy, theo quan điểm chung của đại diện các nhà trường, chính là sức ì, tâm lý ngại đổi mới của GV.

Thầy Nguyễn Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho rằng, hiện nay, nhiều GV trẻ (dưới 40 tuổi) được đào tạo cơ bản, có khả năng đổi mới, tiếp thu nhanh trước yêu cầu cải cách và có khả năng thực hiện những đổi mới căn bản ở một chừng mực nào đó, nhưng tỷ lệ này ở các trường là không lớn. Tại Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, tỷ lệ này là 55%. Thực tế cho thấy GV từ 40 tuổi trở lên chủ yếu dạy theo những gì tích lũy được, sức ì lớn, có hạn chế về khả năng vận dụng thực tế. Việc bồi dưỡng, nếu có, chỉ phát huy tác dụng trong một thời gian ngắn, sau đó đâu lại vào đấy. Vì vậy, nếu không có sự thay đổi quyết liệt và giải pháp cơ bản về đội ngũ thì hiệu quả đổi mới GD sẽ khó bền vững, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng "sản phẩm" GD.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý GD Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, dù là mô hình trường công lập hay ngoài công lập, trường có chất lượng "đầu vào" cao hay thấp thì người thầy vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc GD nhân cách HS. Với ngôi trường từng được mệnh danh "Đinh Kinh Hoàng", vai trò, sự gương mẫu của người thầy càng được coi trọng. Quan điểm được ban giám hiệu nhà trường quán triệt tới toàn thể GV nhà trường trong hai chục năm qua là "HS có thể còn yếu, nhưng thầy nhất định phải giỏi". Điều ấy kích thích GV luôn nỗ lực tự hoàn thiện, dạy học trò không chỉ bằng kiến thức của mình mà còn bằng chính tấm gương sống của mình.

Thực tế hiện nay, việc đào tạo GV ở trường sư phạm chưa gắn kết chặt chẽ với thực tế GD ở các trường phổ thông. Kết quả là nhiều GV tỏ ra quá phụ thuộc vào nội dung sách giáo khoa, xa lạ với những vấn đề, mục tiêu cốt lõi của GD và ít coi trọng vấn đề dạy người. Vì vậy, trong lộ trình triển khai đổi mới GD, việc đào tạo GV thế nào để hướng đến mục tiêu dạy người đang là vấn đề khiến nhiều cán bộ quản lý trường học trăn trở.

Theo tác giả Thống Nhất, Báo Hà Nội Mới, link gốc: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/657955/ban-khan-chat-luong-giao-vien-