"Khát" thi thử đại học

Ngay sau khi thi xong môn cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013, chiều 4/6, hai mẹ con Nguyễn Thanh Thủy (Nam Định) đã tay xách, nách mang bắt ô tô lên Hà Nội thi thử ĐH. Tìm được nhà trọ ở khu vực gần ĐH Bách khoa, Thủy liền tìm đến trung tâm tổ chức thi thử ĐH, cô cho biết: "Ở quê, em và các bạn trong lớp cũng đã thi thử ĐH ba bốn lần khối A. Em thi ba lần, lần có điểm cao nhất cũng chỉ được 13 điểm. Vì vậy, từ giờ đến lúc thi thật, em dự tính sẽ thi thử thêm vài lần nữa để xem điểm thi có khá hơn không. Mong muốn của em là thi đỗ vào ĐH Xây dựng Hà Nội".

thi thử đại học

 

Nhiều TS có học lực khá, đã thi thử ĐH nhiều lần, đạt điểm tương đối cao, nhưng vẫn không từ bỏ mong muốn thi thử. Lý do được Nguyễn Việt Hoàng, trường THPT Đoàn Kết (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đưa ra là: "Em đăng ký thi khối A của ĐH Thủy lợi. Em đã thi thử ở Trung tâm Học mãi 3 - 4 lần, mỗi lần thi mất phí 50.000 đồng/môn. Lần thi thử gần đây nhất em đạt 7 điểm, nhưng em sẽ thi thêm để biết khả năng của mình đến đâu". Trong khi đó, Nguyễn Quý An, trường THPT Trần Nhân Tông lại cho rằng: "Em đăng ký thi khối C và D1. 3 lần thi trước, em đạt từ 19 - 22 điểm/3 môn. Em thấy cách trình bày bài thi và kinh nghiệm làm bài chưa tốt nên sẽ thi thử tiếp".

Tuy nhiên, lại có TS coi việc thi thử như là "phong trào". Như một học sinh trường THPT Nhân Chính (quận Thanh Xuân) cho biết "nhiều bạn trong lớp em đã thi thử ĐH nhiều lần. Có những bạn đạt điểm rất thấp nhưng chưa tin vào năng lực học của mình. Thế là, mỗi lần thi thử, các bạn lại tìm đến một trung tâm khác. Lại có trường, thi thử thấy đạt điểm sàn ĐH khối A của năm ngoái thì yên trí sẽ đỗ ĐH, nên thời gian này nghỉ "xả hơi".

Quan trọng là nắm vững kiến thức

Thi thử ĐH để biết năng lực của mình là rất cần thiết. Qua thi thử, TS sẽ rút ra bài học trong cách trình bày bài làm, biết mình còn hổng kiến thức gì, cách phân bổ thời gian làm bài đã hợp lý chưa. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục, TS chỉ nên thi thử từ 1 - 2 lần để được cọ sát làm quen với không khí thi cử trước khi thi thật. Cô Đào Ngọc Tuyết, giáo viên dạy Toán, trường THPT Đại Mỗ (huyện Từ Liêm) cho rằng: "Thi thử ĐH nhiều lần là không cần thiết. Việc của các em là chuẩn bị kiến thức để bước vào kỳ thi. Các em chỉ cần nắm vững kiến thức cơ bản và xuyên suốt 3 năm học THPT, thì khả năng đỗ ĐH rất cao".

Đồng tình với quan điểm này, cô Trịnh Thu Tuyết, giáo viên dạy chuyên Văn, trường THPT Chu Văn An (quận Tây Hồ) khuyên: Từ nay đến ngày thi ĐH lần đầu tiên, nếu các em có tham gia thi thử ĐH thì chỉ nên thi một lần nữa và chọn trung tâm uy tín. Còn lại, các em tự kiểm tra kiến thức của mình bằng cách: Sau khi đã học ôn kiến thức cơ bản và nâng cao, hãy làm đề thi ĐH của những năm trước. Khi làm đề thi, hãy ấn định thời gian và đối chiếu đáp án. Đây là một phương pháp không mất thời gian, sức lực và tiền bạc. Nếu không có thời gian, các em có thể đăng ký tham gia các lớp chuyên đề thi thử trực tuyến. Việc thi thử ở các trung tâm không có uy tín chưa chắc đã tốt bởi tính khoa học, tính sư phạm của các đề thi không được kiểm chứng.

"Việc thi thử chỉ có ý nghĩa khi mình đã học để đánh giá mình học đến đâu. Quan trọng là phải tự học, tự rút ra những vấn đề. Nếu không làm được việc này thì thi thử mấy lần cũng vô ích. Các môn trắc nghiệm không cần thiết phải thi thử, chỉ cần nắm vững bản chất vấn đề, hiểu sâu các nguyên lý để lựa chọn các phương án đúng. Các môn thi tự luận cũng phải học để nắm chắc, trình bày vấn đề".

TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội.


Thông tin mùa thi:

Kênh tuyển sinh: Nguồn tin Kinh tế đô thị