Tỉ lệ thất nghiệp Việt Nam thấp chỉ 1,84%?

Đã có nhiều cách lý giải về tỉ lệ thất nghiệp rất thấp: 1,84% - một con số khi đưa ra đã có tranh cãi.

Chúng tôi giới thiệu một góc nhìn khác của ông Bùi Sỹ Lợi - phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Bệnh đã được chẩn đoán và “bắt” trúng, nhưng còn chữa bằng những giải pháp đột phá thì rất cần có thật sớm, ngõ hầu nâng chất lượng và năng suất lao động người Việt, từ đó nâng chất lượng cuộc sống của người lao động Việt

Đặc điểm của thị trường lao động nước ta là năng suất lao động rất thấp, so sánh với các nước tiên tiến trong khu vực thì năng suất lao động của chúng ta chỉ bằng 30%.

Nguyên nhân của điều này là chất lượng lao động thấp, tỉ lệ người lao động đã qua đào tạo và đặc biệt là đào tạo nghề thấp.

Và khi người lao động mất việc ở nhà máy, công sở, họ lại trở về nông thôn hoặc tìm một công việc tạm bợ. Nếu tính theo tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thì chỉ cần một giờ làm việc có thu nhập trong một tuần trước điều tra được coi là có việc làm thì những người lao động này không bị xem là thất nghiệp, điều này dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp thấp như báo cáo là 1,84% làm xã hội bất bình.

Có ý kiến cho rằng tỉ lệ thất nghiệp thấp, chỉ 1,84%, là do người VN năng động, thất nghiệp ở nhà máy, công sở thì về quê trở lại làm nông dân hoặc tìm công việc gì khác để kiếm sống. Tuy nhiên nếu có việc làm mà việc làm thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống thì không khác gì thất nghiệp.

Mặt khác, con số 1,6 triệu lao động thất nghiệp là con số ảo, bởi cách tính tỉ lệ thất nghiệp đang áp dụng là cách tính của nước ngoài không phù hợp với VN, nơi có đến 67% người lao động làm việc trong môi trường không có quan hệ lao động (làm việc tự do).

Tỉ lệ thát nghiệp Việt Nam hiện nay

Loại hình việc làm tạm bợ và thu nhập thấp (kiểu như bán xôi, bán rau ngoài chợ) cũng không đảm bảo đầu tư cho phát triển nguồn nhân lực giai đoạn tới.

Thực tế đang có một vòng luẩn quẩn việc làm ở nước ta. Tuy tỉ lệ thất nghiệp (kể cả tính đúng theo chuẩn quốc tế) là rất thấp nhưng chất lượng nhân lực thấp, năng suất thấp, lương thấp và không có khả năng để đầu tư cho phát triển, chất lượng nhân lực sẽ tiếp tục thấp và năng suất lao động thấp.

Xem lại hoạt động đào tạo trong những năm qua, con em chúng ta chủ yếu vào đại học, nhưng học xong đại học mà công việc phù hợp ít, lương thấp, trình độ của các em cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, đó chính là căn nguyên của chuyện tỉ lệ lao động có trình độ đại học, trên đại học thất nghiệp cao thời gian qua.

Về mặt chính sách, rất cần có những giải pháp tích cực, đột phá để nâng cao chất lượng nhân lực mới có thể giúp người Việt thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” như nhiều người nói đến gần đây.

Giải pháp tích cực mà tôi muốn nói ấy là đào tạo nhân lực chất lượng cao theo nhu cầu thị trường. Không nhất thiết đưa tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông vào đại học mới là đào tạo nhân lực, mà nên phân luồng từ giai đoạn các em đang là học sinh phổ thông theo hướng phân nhóm đào tạo nghề, đào tạo công nhân kỹ thuật, thợ giỏi, bên cạnh nhóm học đại học theo nhu cầu xã hội.

Nếu làm thợ giỏi có việc làm, thu nhập cao thì không phải học đại học mới trở thành nhân lực chất lượng. Nhu cầu thị trường - đầu ra của lực lượng nhân lực ấy  - phụ thuộc vào từng địa phương và ngành nghề, nhưng có sự định hướng và đánh giá, phân luồng của ngành giáo dục và dạy nghề.

Theo TTO, http://tuoitre.vn/tin/ban-doc/chung-toi-co-y-kien/20141003/vong-luan-quan-viec-lam/653404.html