>> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Tuyển sinh 2015: Thuê trọ dài ngày cho chắc ăn!

Sau khi nhận được giấy báo kết quả kỳ thi THPT quốc gia, ngày 4/8, thí sinh ở vùng miền núi Đặng Văn Tài (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) vội bắt xe xuống Đà Nẵng để nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng một. Tuy nhiên, sau một tuần ở Đà Nẵng, thí sinh này vẫn chưa thể yên tâm bắt xe trở lại nhà. Tài cho biết, đã làm nguyện vọng vào ngành Sư phạm Địa lý, trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng với số điểm 18,5. Năm nay, ngành Sư phạm Địa lý lấy 50 chỉ tiêu.

Tuy nhiên, sau ba ngày xem trên hệ thống mạng, Tài đứng thứ tự 299. Đến chiều 10/8, Tài đến ĐH Đà Nẵng để rút hồ sơ. “Tạm thời em vẫn phải ở lại thành phố để tiện theo dõi các thông tin, quê em ở vùng núi nên nếu muốn xem cập nhật tình hình hồ sơ xét tuyển, phải chạy xe gần 20 km, rất bất tiện nên chịu khó ở nhờ nhà người quen. Sáng nay em có gọi điện cho các thầy cô thì được tư vấn nộp vào ĐH Quảng Nam nhưng em vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng” - Tài nói.

Thí sinh Nguyễn Ngọc Ngoan (quê ở Quảng Trị) lo lắng: “Em nộp hồ sơ vào ngành sư phạm tiểu học – ĐH Sư phạm Đà Nẵng với số điểm 21. So với các năm trước thì cao nhưng khi theo dõi số thứ tự bảng điểm, có khoảng 300 thí sinh khác đã vượt điểm mình nên em đến rút hồ sơ. Lúc đầu em cũng có lựa chọn dự phòng nhưng giờ nhìn bảng điểm, em thấy cần suy nghĩ lại để chọn được một trường chắc chân”.

Theo Ngoan, để tiện cho việc theo dõi diễn biến xét tuyển, đề phòng việc rút hồ sơ khi bị “loại”, hai mẹ con em đã phải thuê trọ 4 ngày nay tại quận Liên Chiểu, mỗi ngày mất 120 ngàn tiền trọ. Nhiều ngày qua, hai mẹ con Ngoan phải ngồi trực trước mạng để xem thông tin cập nhật số lượng thí sinh nộp hồ sơ nhưng vẫn chưa thể đưa ra quyết định cuối cùng nộp trường nào.

Vượt 400 km xuống thành phố vì chuyển hồ sơ đường bưu điện

Đó là trường hợp hy hữu của phụ huynh Nguyễn Thị Quỳnh Nga (quê ở Gia Lai) khi phải lặn lội hơn 400 km từ Gia Lai xuống ĐH Đà Nẵng chiều ngày 9/8 để kiểm tra hồ sơ cho con gái. Theo đó, con gái bà Nga nộp hồ sơ qua đường bưu điện vào ĐH Kinh tế Đà Nẵng hôm 5/8 nhưng mãi đến cuối ngày 8/8 vẫn chưa thấy tên con mình được cập nhật trên hệ thống của trường.

Lo lắng, ngày 9/8, bà Nga bắt xe từ Gia Lai ra Đà Nẵng để phản ánh. Tuy nhiên, khi đến nơi thì bà lại nhận được thông tin từ nhà trường thông báo rằng trường đã cập nhật thông tin của con gái. Lý giải vấn đề này, bộ phận tiếp nhận hồ sơ trường ĐH Đà Nẵng cho rằng, theo quy định của Bộ, cứ ba ngày sẽ cập nhật thông tin thí sinh nộp hồ sơ một lần. Trường hợp của con gái bà Nga do chuyển theo đường bưu điện nên có thể hồ sơ bị chậm hơn một ngày dẫn đến tình trạng trường chưa kịp cập nhật thông tin cho thí sinh.

Sau 10 ngày vật vã với việc nộp hồ sơ xét tuyển, nhiều phụ huynh cùng thí sinh có mặt tại trường ĐH Đà Nẵng đều tỏ ra khá mệt mỏi: “Không chỉ thí sinh, nhiều ngày nay phụ huynh chúng tôi như ngồi trên đống lửa. Việc chọn ngành, chọn trường, nộp rồi rút hồ sơ..., đau hết cả đầu. Cứ tưởng cải cách sẽ đỡ vất vả chứ thế này, phụ huynh, thí sinh xoay vù vù như đang lâm vào “ma trận” vậy”- một phụ huynh nói.

Tuyển sinh ĐH 2015: Thí sinh có thể kiện các trường nếu trượt oan

Trong kỳ tuyển sinh ĐH 2015, thí sinh có thể kiện các trường nếu điểm cao hơn điểm chuẩn các nguyện vọng đăng ký mà vẫn bị đánh trượt.

Hiện nay, đông đảo các thí sinh đã nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1 vào các trường ĐH. Vấn đề mà các em đang quan tâm là các trường sẽ xử lý như nào.

Trả lời về vấn đề này, TS Trần Văn Nghĩa, phó Cục trưởng cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết: “Năm nay Bộ có quy định thí sinh có thể đăng ký 4 ngành theo thứ tựu ưu tiên để xét tuyển và việc xét 4 nguyện vọng này là bình đẳng.

Quy định này rất thuận lợi cho thí sinh, cụ thể thí sinh chỉ cần có điểm lớn hơn hoặc bằng điểm trúng tuyển của ít nhất 1 trong 4 ngành đã đăng ký sẽ trúng tuyển. Tuy nhiên việc xác định danh sách trúng tuyển sẽ phức tạo hơn. Vì vậy, Bộ đã cung cấp miến phí cho các trường phần mềm để xét tuyển đồng thời cung cấp cả thuật toán để các trường tự xây dựng phần mềm tuyển sinh. Còn trường nào không sử dụng thuật toán này thì sẵn sàng đối mặt với khiếu kiện của thí sinh”.

Vật vã chuyện rút, nộp hồ sơ
Tuyển sinh ĐH 2015: Thí sinh có quyền kiện các trường nếu làm sai

Như vậy, nếu thí sinh có điểm thi cao hơn điểm chuẩn của 1 trong 4 ngành mà các em đăng ký thì hoàn toàn có thể khiếu kiện các trường.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, khi thí sinh đăng kí nhiều ngành (hoặc nhóm ngành) và xếp theo thứ tự ưu tiên, chẳng hạn lần lượt là: 1a, 1b, 1c, 1d. Trước hết các trường phải xét nguyện vọng 1a của tất cả các thí sinh và bắt đầu xét đối với ngành có điểm trúng tuyển cao nhất từ đó xác định được thí sinh trúng tuyển và không trúng tuyển vào ngành này.

Những thí sinh đã trúng tuyển sẽ không được xem xét các nguyện vọng tiếp theo (1b, 1c, 1d); còn thí sinh không trúng tuyển, nguyện vọng 1b của thí sinh sẽ được xem xét một cách bình đẳng cùng với các thí sinh có nguyện vọng xét tuyển vào cùng ngành đó.

Quá trình trên sẽ được lặp lại để tìm ra ngành có điểm trúng tuyển cao thứ hai, sau đó là thứ ba và đến ngành cuối cùng. Khi đó, các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1b sẽ được xem xét nguyện vọng 1c và cuối cùng là 1d.

Theo ghi nhận của PV, nhiều trường hiện nay đang gặp rắc rối với việc xác định điểm chuẩn, do chưa hiểu hoặc chưa sử dụng phần mềm của Bộ GD-ĐT.

Trong khi đó, lý giải việc rút-nộp hồ sơ, Bộ trường Phạm Vũ Luận cho biết, những năm trước, thí sinh nộp hồ sơ trước, sau đó mới thi. Việc nộp hồ sơ khi chưa biết kết quả, chưa biết tương quan về điểm dẫn đến cảm tính, nhiều thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học.

Năm nay, thí sinh nộp hồ sơ sau khi đã biết kết quả thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT cũng đã công bố đầy đủ tổ hợp các môn xét tuyển sinh để thí sinh tự cân nhắc, lượng sức đăng ký; đồng thời cho phép thí sinh được thay đổi nguyện vọng. Điều này, tránh hiện tượng thí sinh điểm cao vẫn trượt đại học, trong khi điểm thấp lại đỗ và các trường cũng chọn được thí sinh giỏi nhất.

Có thể nói, Bộ GD-ĐT đã tạo cơ hội cho thí sinh tự cân nhắc tương lai của mình dựa trên các thông số rõ ràng nhất có thể. Các thầy cô và cả hệ thống phải làm nhiều việc khó khăn hơn các năm trước để học sinh được thuận lợi nhất có thể.

Theo:

  • Tiền Phong, tin gốc: http://www.tienphong.vn/giao-duc/vat-va-chuyen-rut-nop-ho-so-894981.tpo
  • Vietq, tin gốc: http://vietq.vn/tuyen-sinh-dh-2015-thi-sinh-co-the-kien-cac-truong-neu-truot-oan-d68064.html