Trung tâm dạy nghề 32 tỉ đồng: Hoành tráng nhưng hoang vắngDù được đầu tư đến 32 tỉ đồng và rất khang trang nhưng Trung tâm Dạy nghề huyện Trà Bồng đang bị hoang hóa và không thu hút học viên - Ảnh: Trần Mai

Thế nhưng từ khi đưa vào hoạt động, trung tâm luôn nằm trong cảnh vắng học viên, nhà xưởng, phòng học trong tình trạng bụi phủ, nhện giăng.

Trung tâm được phép đào tạo khoảng 32 nghề khác nhau, với tổng số học viên khoảng 400 em/khóa (ba tháng) và 1.200 em/năm. Dù được phép đào tạo số lượng học viên rất lớn như vậy nhưng gần ba năm hoạt động, trung tâm đào tạo chưa đầy 1.450 học viên, trong đó số học viên trực tiếp đến trường học nghề chỉ khoảng 400 học viên. Số lượng học viên nghề năm sau luôn thấp hơn năm trước (năm 2013 đào tạo 606 học viên, năm 2014 đào tạo 552 học viên, năm 2015 đào tạo 294 học viên).

Do ngành nghề không phù hợp?

Trong năm 2015, tất cả học viên được đào tạo nghề nông nghiệp tại cơ sở, không có học viên nào đến trung tâm học nghề phi nông nghiệp khiến phòng học lý thuyết, xưởng thực hành liên tục bỏ trống.

Ông Trình Công Đường, phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp và dạy nghề (TTGDTX-HN&DN) huyện Trà Bồng, phân trần: “Nhiều người lên đây hỏi tại sao ngôi trường hoành tráng như thế lại trống vắng. Thực tế chỉ tiêu sở giao vẫn làm được nhưng phải đưa về tận cơ sở bởi hầu hết là đào tạo trồng trọt, phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Những ngành nghề như may, điện, cơ khí phải đưa về trường dạy nhưng học viên lại không có nên chỉ tiêu hoàn thành mà trường vẫn vắng”.

Trung tâm quá rộng lại trong cảnh vắng học viên triền miên nên tháng 5-2015, sau nhiều cuộc họp bàn, chính quyền huyện Trà Bồng và các sở ngành đã chuyển TTGDTX huyện Trà Bồng sáp nhập với Trung tâm dạy nghề thành TTGDTX-HN&DN, cơ quan chủ quản cũng chuyển từ huyện Trà Bồng sang Sở GD-ĐT.

Ông Đường cho biết: “Lý do sáp nhập vì thấy Trung tâm dạy nghề cơ sở vật chất rộng rãi và để trường có người học, chứ dạy nghề không thì quá hoang vắng”. Trong năm 2015 ngoài 150 học sinh học chữ, không có học viên nào đến TTGDTX-HN&DN học nghề.

Ghi nhận tại trung tâm, dù là ngày giữa tuần nhưng không một bóng người, vài chiếc xe máy để ở góc trường, nhiều phòng học lâu ngày không sử dụng mối làm ổ lên tận các bức tường, vài cuốn vở để lâu ngày nhũn ra ngay trên bàn.

Theo ông Đường, nguyên nhân không thu hút được học viên khiến trung tâm được đầu tư tiền tỉ phải nằm trong cảnh hoang vắng do nhiều ngành nghề không phù hợp với tình hình kinh tế của địa phương. Ở miền núi không thể đưa vào các nghề gò hàn, điện được mà phải áp dụng thực tế là nông nghiệp, lâm nghiệp, dù đào tạo được cũng khó kiếm đầu ra.

“Giờ đại học, cao đẳng ra quá trời, Nhà nước cũng chưa chắc sắp xếp được hết việc làm nói chi đào tạo sơ cấp” - ông Đường giải thích.

Trung tâm dạy nghề 32 tỉ đồng: Hoành tráng nhưng hoang vắngXưởng thực hành may để lâu ngày bụi bám đầy máy móc - Ảnh: Trần Mai

Máy móc hư hỏng thì xin sửa

Ba xưởng thực hành may, điện, cơ khí luôn nằm trong tình trạng đóng cửa. Tại xưởng may, do lâu ngày không sử dụng nên bụi phủ dày trên từng bàn máy, lá cây, nhện giăng tơ khắp phòng. Nhiều chi tiết máy móc để lâu không sử dụng có dấu hiệu hư hỏng.

Ông Đường cho rằng: “Thật ra hư hại hay không hư hại không nói được đâu, nhưng máy móc thì phải hư hại, trong trung tâm có dạy hay không dạy cũng dọn vệ sinh. Nói chung dọn miết cũng mỏi, xung quanh cây cối gió bụi, nhiều lúc anh em vào thấy bụi bặm cứ quét dọn miết, cho dầu cho mỡ miết. Nếu sau này có hư hỏng phải xin sửa thôi”.

Trong các phòng thực hành, trung tâm lo lắng nhất là máy móc tại xưởng may vì chi tiết nhiều. Khi hoạt động bình thường đã hư rồi, để lâu khó tránh khỏi hư hỏng. Từ khi đi vào hoạt động, xưởng may chỉ thực hiện đúng công năng của mình là đào tạo hai khóa đầu tiên, sau đó phải đóng cửa vì không có học viên.

Năm nay Sở LĐ-TB&XH có giao chỉ tiêu nghề may nhưng xét thấy tình hình không thực tế nên trung tâm đã xin chuyển đổi sang dạy ngành nghề khác.

“Vừa rồi hai ba công ty may lên đặt hàng trường đào tạo học viên may nhưng trường không đào tạo được bởi mình không có chỉ tiêu. Trước kia cũng từng cho các em sau khi học may xuống làm việc nhưng sau đó bỏ về hết. Ngành điện dân dụng mấy năm nay đào tạo ra không tìm được chỗ làm nên sở không cho chỉ tiêu về trường” - ông Đường thú thật.

Để tìm một phương hướng hoạt động hiệu quả hơn cho trung tâm, ông Nguyễn Xuân Bắc - chủ tịch UBND huyện Trà Bồng - cho biết thực tế thời gian qua việc đào tạo nghề tại trường chỉ phần nào đáp ứng phát triển kinh tế tại địa phương, chưa thể đủ trình độ cạnh tranh với sinh viên ra trường khác nên việc tìm đầu ra tại các công ty, xí nghiệp rất khó.

“Đào tạo nghề phải gắn với tìm đầu ra, còn trung tâm hiện tại chỉ đào tạo ngắn hạn, muốn thu hút học viên phải đào tạo dài hạn hơn. Đồng thời phải liên hệ với các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp và công ty may, điện... rồi liên kết đào tạo, khi học viên ra trường thấy có hiệu quả mới thu hút học viên trở lại trường” - ông Bắc nói.

Tiếp tục chờ... xử lý

Ông Đoàn Dụng, giám đốc Sở GD-ĐT (chủ quản TTGDTX-HN&DN sau sáp nhập), cho biết: “Trước kia trung tâm thuộc quyền quản lý của huyện Trà Bồng, do không thu hút được học viên nên trường liên tục hoang vắng. Chính vì để lâu quá, tôi thấy lãng phí cơ sở vật chất mấy chục tỉ đồng của Tổng công ty Lương thực Miền Nam, trong khi học sinh Trường THCS Trà Sơn lại không có phòng học vì chung với TTGDTX nên sở mới đề nghị sáp nhập. Về tình trạng để quá lâu các xưởng thực hành, không sử dụng sẽ hư hỏng, sở có phương án để các xưởng hoạt động hiệu quả hơn”.

Ông Dụng nói thêm: “Tôi đã nghe báo cáo tình hình tại trung tâm rồi nhưng vì mới có nghị định 39, đến ngày 15-12 đổi tên các trung tâm đào tạo nghề thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và giao cho huyện quản lý, mà thủ tục chuyển đi hay chuyển đổi mục đích sử dụng không dễ bởi đây là tài sản của Nhà nước nên đành phải chờ hai tuần nữa chuyển lại cho huyện xử lý”.


Theo Tuổi trẻ, nguồn: http://tuoitre.vn/tin/giao-duc/20151201/trung-tam-day-nghe-32-ti-dong-hoanh-trang-nhung-hoang-vang/1012534.html