Bộ GD-ĐT ban hành hai dự thảo Quy chế tổ chức kì thi THPT quốc gia và Quy chế tuyển sinh ĐH - CĐ. Sau một tháng lấy ý kiến, các đóng góp chủ yếu tập trung vào những điểm mấu chốt như thang điểm 20 sẽ thay cho thang điểm 10, tổ chức cụm thi do trường Đại học tổ chức, sau khi có kết quả thi thí sinh mới đăng ký tuyển sinh vào các trường ĐH-CĐ và sẽ có 4 đợt xét tuyển...

Về những thay đổi trong kỳ thi năm nay, phóng viên Đài trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Bùi Văn Ga.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga: Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh

Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: infonet

* Thưa ông, Bộ dự kiến sử dụng thang điểm 20 cho kỳ thi THPT quốc gia, như vậy cấu trúc đề thi có thay đổi để đáp ứng được một kì thi với hai mục đích?

Cấu trúc đề thi không thay đổi khi thay đổi thang điểm 20. Bộ thay đổi thang điểm 20 nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, trước đây thang điểm 10 mỗi bậc 0,25 điểm là 40 bậc còn thang điểm 20 mỗi bậc 0,25 điểm là 80 bậc chi tiết hơn. Trước đây, thí sinh làm một ý trung gian thì không có điểm còn bây giờ thì các em có thể có điểm. Sau khi thí sinh, chuyên gia đóng góp ý kiến, Bộ sẽ cân nhắc, phân tích xem có thật sự phù hợp để ban hành quy chế cuối cùng.

* Năm 2014 khi đăng ký chọn môn thi tốt nghiệp tỉ lệ học sinh chọn các môn khoa học tự nhiên áp đảo hẳn so với môn khoa học xã hội, như vậy trong kì thi năm 2015 có giải quyết được tình trạng mất cân đối này không?

Trong năm 2015 là kì thi quốc gia chung, ngoài các môn tự nhiên, các em chọn thêm các môn xã hội sẽ có nhiều cơ hội xét tuyển hơn. Trước đây, có những trường chỉ xét các môn tự nhiên thì nay cũng kèm theo các môn xã hội, Bộ cũng yêu cầu trong các tổ hợp xét tuyển bắt buộc có môn toán và môn văn. Năm nay đăng kí của thí sinh sẽ thay đổi, không xảy ra tình trạng như trước đây.

* Theo dự thảo sẽ có 4 đợt xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ kéo dài tổng cộng hơn ba tháng. Có ý kiến cho rằng, những trường tốp trên sẽ chỉ xét tuyển đợt một mà không nhận xét những đợt tiếp theo khiến thí sinh thiệt cơ hội. Ý kiến của ông như thế nào ?

70% thí sinh trúng tuyển đợt 1 trong kì thi ba chung cũng như kì thi quốc gia chung sắp tới cũng vậy. Còn lại 30 % có thể dịch chuyển qua các trường. Các trường tự chủ trong xét tuyển chứ không phải tất cả các trường đều kéo dài đủ ba tháng, Bộ mở ra các đợt xét tuyển để thí sinh có cơ hội chọn được trường phù hợp và các trường có nguồn tuyển đủ chỉ tiêu.

* Kì thi quốc gia chung sẽ được giao cho các trường ĐH chủ trì, tuy nhiên chưa có trường nào được chỉ định đứng ra tổ chức cụm thi, như vậy có hay không sự ưu ái dành cho những trường tổ chức thi trong việc tuyển sinh ?

Bộ đang quy hoạch và điều chỉnh phân bố các cụm thi cho phù hợp. Năm nay thí sinh có kết quả rồi mới tuyển sinh nên trường tổ chức thi và không tổ chức thi như nhau trong xét tuyển. Có trường có nguyện vọng xung phong tổ chức thi để thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội và uy tín của trường trong việc tổ chức những sự kiện lớn.

* Thưa ông, có ý kiến băn khoăn nếu chỉ dựa vào lệ phí thi của thí sinh thì các trường ĐH không đủ chi trả tổ chức thi trong khi dự thảo chưa để cập nguồn kinh phí hỗ trợ cụm thi?

Những em chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT không phải nộp lệ phí, thí sinh sử dụng kết quả để xét tuyển vào đại học – cao đẳng thì nộp lệ phí tương ứng với các môn lựa chọn như kì thi ba chung trước đây và Bộ cố gắng không tăng lệ phí. Về kinh phí hỗ trợ, Bộ đang trình đề án lên Bộ Tài Chính bổ sung kinh phí cho các trường tổ chức thi như trường hợp cụm thi chỉ sử dụng kết quả để xét tốt nghiệp THPT. Bộ điều động các trường đại học đến tổ chức thì đây là kinh phí phát sinh.

* Cám ơn ông!

Theo Đài tiếng nói TP.HCM, tin gôc: http://www.voh.com.vn/khoa-hoc-va-giao-duc/thu-truong-bo-gd-dt-bui-van-ga-tao-dieu-kien-thuan-loi-nhat-cho-thi-sinh-173744.html

Tuyển sinh đại học, cao đẳng, xét tuyển, Kỳ thi THPT quốc gia 2015