> Điểm thi tốt nghiệp 2015 >> Điểm thi đại học 2015 >> Điểm chuẩn đại học 2015


Thí sinh không cần đến rút hồ sơ xét tuyển trực tiếp tại trường đại học

Bộ Giáo dục - Đào tạo cho phép thí sinh có thể thay đổi nguyện vọng xét tuyển ngay tại địa phương


Theo văn bản trên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh, nhất là các thí sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển (ĐKXT), Bộ GD - ĐT đề nghị các sở GD - ĐT phối hợp với các đại học, học viện, trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) tiếp tục cho thí sinh đăng ký xét tuyển và thay đổi nguyện vọng theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy.
Đồng thời, tạo điều kiện cho các thí sinh thay đổi nguyện vọng ĐKXT với sự phối hợp của các sở GD - ĐT theo quy trình: Thí sinh có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT và nộp vào trường khác sẽ trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành) hoặc có thể tới sở GD - ĐT địa phương, hoặc tới các trường trung học phổ thông (THPT) do sở GD - ĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT.
Hồ sơ gồm: Đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng ĐKXT (theo mẫu 1 kèm theo công văn này), Giấy biên nhận thu hồ sơ của trường cũ hoặc Phiếu báo phát chuyển Hồ sơ ĐKXT của Bưu điện.
Đối với các sở GD - ĐT, Bộ yêu cầu đến hết ngày 20.8.2015, tổ chức thu nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng ĐKXT của thí sinh; cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh các thông tin thay đổi nguyện vọng của thí sinh; gửi về Bộ qua hộp thư [email protected] danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ (theo mẫu).
Các sở GD - ĐT có trách nhiệm lưu giữ đơn đề nghị thay đổi nguyện vọng ĐKXT, giấy biên nhận thu hồ sơ của trường cũ hoặc phiếu báo phát của bưu điện đến hết tháng 12.2015.
Bộ GD - ĐT đề nghị các trường ĐH, CĐ thường xuyên cập nhật thông tin điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT do sở GD - ĐT chuyển lên hệ thống phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ. Tiếp nhận danh sách thí sinh đề nghị rút hồ sơ và cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ để đưa thí sinh ra khỏi danh sách ĐKXT của trường; lưu giữ giấy chứng nhận kết quả thi của các thí sinh này; đồng thời, nhập thông tin của thí sinh vào dữ liệu ĐKXT của trường mình.

Thí sinh có 2 cách để rút hồ sơ xét tuyển như sau:

1. Thí sinh phải đến trực tiếp trường để rút hồ sơ, thí sinh phải mang theo chứng minh thư nhân dân.

2. Hoặc viết giấy ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút hồ sơ (Người được ủy quyền phải mang theo giấy tờ ủy quyền có xác nhận của ủy ban nhân dân hoặc công an địa phương kèm theo chứng minh nhân dân của mình)

3. Một số giấy tờ cần mang thêm do đặc thù quy định mỗi trường để tránh mất thời gian các em cần chuẩn bị.

- Đối với Thí sinh phải nộp tại trường thì đem biên lai đóng lệ phí và giấy biên nhận để rút hồ sơ,

- Đối với thí sinh nộp qua đường bưu điện phải có giấy báo phát (Hóa đơn chuyển hồ sơ xét tuyển do bưu điện cung cấp khi gửi hồ sơ) trường mới trả hồ sơ

Vậy nên, đối với các em khi đi nộp hồ sơ trực tiếp tại trường cần giữ lại biên lai đóng lệ phí xét tuyển, những em gửi hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện chuyển phát nhanh phải giữ lại bill để nếu trường nào yêu cầu sẽ nộp để rút hồ sơ sang trường khác.

Cơ sở nào để quyết định rút hồ sơ?:
Học sinh cần theo dõi liên tục 3 ngày một lần trường sẽ cập nhật danh sách học sinh đã nộp hồ sơ vào trường, dựa vào chỉ tiêu của trường và điểm số của bản thân so với các bạn cùng nộp vào trường để có quyết định thông mình và sáng suốt.

Tin liên quan:

Rút hồ sơ xét tuyển đại học: Nỗi khổ ải cho thí sinh lẫn phụ huynh

Càng đến những ngày cuối, đợt xét tuyển nguyện vọng 1 vào đại học càng trở nên căng thẳng khi nhiều thí sinh đang chờ chốt điểm trúng tuyển để liệu đường rút HS hoặc chuyển nguyện vọng. Không cách nào khác, cả thí sinh và phụ huynh đều ngồi chờ thông báo của nhà trường, nghe ngóng thông tin để xoay chuyển tình hình. Điều này càng gian nan đối với các thí sinh ở tỉnh xa về Hà Nội, TPHCM để nộp đơn xét tuyển.

Muôn kiểu chờ rút hồ sơ

Sáng 11.8, ĐH Bách Khoa Hà Nội có khá đông thí sinh (TS) đã nộp HS nhưng vẫn đến để nghe ngóng tình hình và chờ đợi thời điểm thích hợp để rút HS. Trương Dũng Hùng cùng hai chị gái vượt gần 400km từ Hà Tĩnh ra Hà Nội thấp thỏm trông chờ kết quả xếp hạng để quyết định rút hay giữ HS. Hùng cho biết em được 22,5 điểm và đăng ký NV1 vào ngành KT12; NV2, 3 các ngành KT13 và KT14 của trường.

Ngày nào em cũng lên mạng hơn chục lần để xem khả năng trúng tuyển của mình, nhưng do sốt ruột quá nên Hùng… xin tiền mẹ mua vé tàu ra tận trường thuê phòng trọ để “ăn chực nằm chờ”. Mỗi ngày, chi phí đi lại, ăn ở của ba chị em tầm hơn 1 triệu, gia đình không có người thân ở Hà Nội.

Đồng cảnh ngộ, một phụ huynh từ Yên Dũng (Bắc Giang) lặn lội hơn 30km đi xe máy đưa con đến trường từ sáng sớm. Nóng lòng ngồi ở ghế đá đợi con vào hỏi thông tin, chị cho biết con mình được 24 điểm, nhưng nhìn số lượng HS nộp vào trường khá lớn nên rất… run. “Tâm trạng rất khó chịu!” - vị phụ huynh thốt lên như vậy khi phải chờ đợi thông tin. Theo chị, muốn rút HS thì phải lên trường lấy giấy hẹn và quay trở lại rút vào ngày sau.

Tại TPHCM, không khí không kém phần ngột ngạt khi có khá nhiều TS đến trường chờ chực thông tin sau khi đã nộp HS. Nhiều TS đến từ các tỉnh xa, mặc dù trường tạo điều kiện rút trong ngày nhưng vì chưa tính toán kỹ nên đã quyết định không rút nữa, khiến câu chuyện rút và nộp HS càng rối rắm.

Khánh Linh (quê Bình Dương, đi cùng với ba mẹ đến rút HS tại ĐH Sài Gòn) cho biết, điểm thi của mình là 29,5 điểm (đã nhân môn chính), trong khi điểm xét tuyển dự kiến là 28,5. “Định rút nhưng sau khi được tư vấn, thầy cô khuyên em nên đợi thêm thời gian nữa vì điểm của em vẫn an toàn, hơn nữa số lượng thí sinh ảo khá nhiều. Tầm vài ngày nữa em sẽ xem lại điểm để cân nhắc việc rút HS”. Tại ĐH Sư phạm TPHCM, đầu giờ chiều 11.8 có rất nhiều TS xếp hàng đợi nhận HS.

Có thể ủy quyền rút HS

Trước tình hình lo lắng của TS, nhiều trường ĐH đã đăng tải hướng dẫn rất cụ thể về các bước rút HS khi cần thiết của TS, đăng trên website hoặc hướng dẫn trực tiếp tại bàn tư vấn. Ths Trần Văn Châu - Phó Trưởng phòng Đào tạo ĐH Sư phạm TPHCM - cho biết, những TS trong địa bàn TP đăng ký rút HS sau 1 ngày. Trường sẽ tổng hợp lại dữ liệu để xóa thông tin của TS trên hệ thống, tránh trường hợp mã số ở trường cũ vẫn còn, trường mới không nhận. “Đối với TS ở tỉnh xa, từ ngày hôm nay chúng tôi sẽ lập danh sách riêng để tìm kiếm và cố gắng trả ngay trong ngày” - ông Châu cho biết.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho TS, một số trường ĐH ở Hà Nội cho biết, TS có thể ủy quyền cho người thân đến rút HS bằng giấy ủy quyền. ĐH Bách Khoa cho biết, TS ở xa có thể viết giấy ủy quyền (bằng văn bản) cho người thân đến trường rút HS. Người được ủy quyền phải mang theo giấy tờ ủy quyền có xác nhận của UBND hoặc CA địa phương kèm theo CMND của mình.

Thời gian tối đa trả HS xét tuyển là 1 ngày kể từ sau khi nộp đơn xin rút HS. Với trường có lượng TS đăng ký xét tuyển lớn là ĐH Công nghiệp Hà Nội, nhà trường cũng chấp nhận hình thức rút HS bằng giấy ủy quyền của TS. Đề phòng trường hợp TS đến rút HS ồ ạt vào thời điểm cuối đợt xét tuyển, nhiều trường bố trí thêm bàn tiếp nhận HS.

Chiều 11.8, Bộ GDĐT có văn bản gửi các trường ĐH, các sở GDĐT chỉ đạo hỗ trợ TS thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ. Theo đó, bộ đề nghị các sở GDĐT phối hợp với các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ tiếp tục cho TS ĐKXT và thay đổi nguyện vọng theo quy định. TS có thể trực tiếp rút hồ sơ tại trường (theo quy định hiện hành) hoặc có thể tới sở GDĐT địa phương hoặc tới các trường THPT do sở GDĐT quy định để nộp hồ sơ đề nghị điều chỉnh nguyện vọng ĐKXT. Các sở GDĐT đến hết ngày 20.8 tổ chức thu nhận hồ sơ thay đổi nguyện vọng ĐKXT của TS.

Theo
  • Thanh Niên, tin gốc: http://www.thanhnien.com.vn/giao-duc/thi-sinh-khong-can-den-rut-ho-so-xet-tuyen-truc-tiep-tai-truong-dai-hoc-595784.html
  • Lao động, tin gốc: http://laodong.com.vn/xa-hoi/rut-ho-so-xet-tuyen-dai-hoc-noi-kho-ai-cho-thi-sinh-lan-phu-huynh-363837.bld