Thí sinh ảo: Cần nhìn nhận thấu tình đạt lý

Quy chế tuyển sinh 2016 đã được các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng thảo luận, góp ý và đồng thuận trước khi chính thức ban hành. Việc lựa chọn đưa vào Quy chế phương án cho thí sinh đăng ký đồng thời 2 trường ngay trong đợt 1 (để tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh), thì vấn đề “thí sinh ảo” đã được dự báo là một khó khăn mà các trường sẽ đối mặt.

Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp phân tích: Con số thống kê 75% thí sinh đăng ký cùng một lúc vào 2 trường đại học trong đợt 1 cho thấy xu hướng chọn ngành nghề đã thay đổi.

Nhiều thí sinh đã xác định được rõ nguyện vọng, sở thích, nên rất quyết tâm và kiên trì lựa chọn vào học ngành, trường yêu thích.

Bên cạnh đó, nếu như năm 2015, khi chốt đợt xét tuyển, mỗi thí sinh chỉ được xác định 1 trường; còn năm nay, thí sinh có thể đăng ký tại 2 trường khác nhau ở đợt 1 và 3 trường ở đợt bổ sung; nên chắc chắn đang có một số lượng thí sinh lựa chọn nhiều trường, nhiều ngành nghề khác nhau, song song với ngành nghề yêu thích. Điều này cũng là tâm lý chung của nhiều thí sinh và phụ huynh.

“Tôi được nghe đồng nghiệp ở nhiều trường chia sẻ: Một số thí sinh đã nộp giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia để xác nhận nhập học vào các trường khối dân sự, nhưng giờ lại xin rút hồ sơ. Đây cũng là một thách thức mới nảy sinh của kỳ tuyển sinh năm nay.

Chúng tôi cho rằng: Thí sinh cần có trách nhiệm với sự lựa chọn của mình, chia sẻ khó khăn với các trường, và đặc biệt là cần thực hiện đúng các quy định của Quy chế tuyển sinh” - PGS Nguyễn Văn Đệ nêu quan điểm.

Tác động từ công tác hướng nghiệp

Tiếp tục phân tích về hiện tượng “ảo”, theo PGS Nguyễn Văn Đệ, trên thực tế, công tác phân luồng sau THPT đã đạt được những kết quả nhất định.

Thông tin về thị trường lao động, về tình trạng thất nghiệp đối với người tốt nghiệp đại học (trên nhiều phương tiện truyền thông), dự báo nguồn nhân lực, hướng nghiệp của các trường… là những kênh tham khảo tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến thí sinh.

Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ đại học của các đơn vị tuyển dụng vẫn còn ở mức hạn chế, thông tin về thị trường lao động nước ngoài với nhiều tiềm năng trong những năm gần đây cũng đã tác động ít nhiều đến quyết định tham gia xét tuyển đại học và nhập học của thí sinh.

Một điều đáng lưu ý nữa là nhiều trường đã có đề án tuyển sinh riêng. Trong thực tế, nhiều thí sinh đã có kết quả trúng tuyển các ngành theo đề án tuyển sinh riêng vẫn tìm kiếm thêm cơ hội trúng tuyển nên tranh thủ nộp thêm hồ sơ xét tuyển ở những trường khác.

Số học sinh lớp 12 giảm mạnh

Hiện tượng nhiều trường ĐH, trong đó có một số trường top trên năm nay khá vất vả tuyển sinh có nguyên nhân từ số học sinh lớp 12 giảm so với năm trước.

Nhắc đến nguyên nhân này, PGS Nguyễn Văn Đệ nói rõ: Tổng số học sinh lớp 12 tốt nghiệp năm 2016 của cả nước giảm rất nhiều so với 2015, với tỉ lệ giảm hơn 25%, do đặc điểm về dân số; cộng với việc có đến 32% học sinh lớp 12 đăng ký thi THPT quốc gia 2016 chỉ để xét tốt nghiệp THPT. Đó có thể nói là một nguyên nhân khá đặc biệt tác động tới “bức tranh” chung tuyển sinh năm nay.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cũng nhắc tới việc với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, Hội đồng xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đã phân tích kỹ và quyết định ở mức 15 điểm.

Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639, hệ số dư là 1,27; nên số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH ở đợt 1 năm nay đạt tỉ lệ không cao như năm 2015 là một điều có thể dự đoán được.

Theo GDTĐ, nguồn: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/thi-sinh-ao-can-nhin-nhan-thau-tinh-dat-ly-2230034-v.html