Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 đã kết thúc vào chiều 4/6, đại diện Bộ GD-ĐT cũng đã khẳng định kỳ thi năm nay diễn ra “cơ bản an toàn và nghiêm túc”. Tuy nhiên, bên cạnh những “an toàn, nghiêm túc” ấy, còn khá nhiều điều đáng để bàn.

Thiết bị ghi âm, ghi hình: Có chăng chỉ dọa?

Sau “scandal giáo dục” tại trường THPT DL Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang), vấn đề thí sinh mang thiết bị ghi hình, ghi âm vào phòng thi đã tạo nên sự tranh luận dữ dội giữa các nhà quản lý giáo dục.

Và trong Hội nghị “Công tác thi và tuyển sinh 2013”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã thông báo quyết định của Bộ GD-ĐT về việc cho phép thí sinh mang các thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi với tác dụng giám sát những tiêu cực kỳ thi. Bản thân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã khẳng định: “Scandal Đồi Ngô, nếu không phải các cháu thì ai có thể phát hiện ra?”.

Quyết định này của Bộ GD-ĐT đã gây là làn sóng dữ dội trong dư luận, người đồng tình, kẻ phản đối và vấn đề này được nhắc đến liên tục cho tới trước khi kỳ thi tốt nghiệp THPT bắt đầu vào ngày 2/6. Người đồng tình cho rằng đây là hình thức giám sát kỳ thi một cách thiết thực nhất; kẻ phản đối thì cho rằng Bộ GD-ĐT đang “đẩy” gánh nặng cho thí sinh một cách không cần thiết và gây khó khăn cho đội ngũ giám thị.

Đọng lại gì sau khi kết thúc kỳ thi tốt tốt nghiệp THPT | Diem thi

 

Việc mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi chỉ mang tính cảnh báo.


Tuy nhiên, khi thực sự bước vào kỳ thi, những thiết bị ghi âm, ghi hình này không được phát huy nhiệm vụ của nó, bởi phần đông thí sinh đều cho rằng “không cần thiết” và “không quan tâm” đến việc sử dụng nó trong phòng thi. Và cho đến khi kỳ thi kết thúc, Bộ GD-ĐT cũng khẳng định không nhận được bất kỳ chứng cứ hay clip nào tố cáo tiêu cực liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013.

Trong buổi họp báo cuối kỳ thi, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định: “Việc cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi chỉ có tác dụng ngăn chặn tiêu cực chứ không phải để phát hiện tiêu cực”. Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Ai cũng có quyền giám sát cơ quan, cán bộ nhà nước, những người công quyền khi thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, trách nhiệm buộc có phải giám sát hay không là vấn đề hoàn toàn khác. Học sinh không buộc phải làm nhiệm vụ giám sát, việc của các em vào phòng thi là làm bài, nếu có điều kiện thì các em giám sát. Đối với giám thị nếu lơ là và nghiệp vụ kém thì quy định này cũng là điều cần thiết để họ có trách nhiệm hơn”.

Như vậy, việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi chỉ mang tính chất cảnh báo, ngăn chặn chứ không thực sự phát huy được tác dụng phát hiện tiêu cực. Không thể khẳng định kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay đã thực sự an toàn và chất lượng bởi hiệu quả của việc cho phép thí sinh giám sát kỳ thi, nhưng việc Bộ GD-ĐT đột ngột đưa ra những quyết định gây tranh cãi như vậy rõ ràng không nên chỉ dừng lại ở mức cảnh báo từ xa.

Đề thi Văn: Cần ủng hộ, không nên phủ nhận

Đề thi môn thi Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 là một trong số ít đề thi được các nhà quản lý giáo dục và thí sinh đánh giá là “gần gũi, thời sự và thiết thực”, trong đó, câu 2 của đề thi thể hiện tính nhạy cảm của những người ra đề trước thông tin mà báo chí kịp thời chuyển tải. Hành động quên mình cứu sống năm em nhỏ của em Nguyễn Văn Nam từ một vùng quê xa xôi.

>> Xem thêm: Đề thi tốt nghiệp môn Văn

Nội dung của câu hỏi như sau: Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam từ thông tin sau:

"Chiều 30/4/2013, bên bờ sông Lam, đoạn chảy qua xã Trung Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Nam (học sinh lớp 12T7 Trường trung học phổ thông Đô Lương 1) nghe tiếng kêu cứu có người đuối nước dưới sông, em liền chạy đến. Thấy một nhóm học sinh đang chới với dưới nước, Nam đã nhảy xuống lần lượt cứu được ba học sinh lớp 9 và một học sinh lớp 6. Khi đẩy được em thứ năm vào bờ thì Nam đã kiệt sức và bị dòng nước cuốn trôi".

Tuy nhiên, bên cạnh những ý kiến khen ngợi, ủng hộ, một cô giáo tiếng Anh chia sẻ rất thật: “Đề Văn rất hay nhưng có chút gì đó buồn quá. Vẫn còn những điều trăn trở từ chính sự hi sinh đầy ý nghĩa của Nam (nhân vật trong câu 2, đề thi tốt nghiệp THPT môn ngữ văn 2013). Nam cứu được nhiều em nhỏ, mang lại cho cha mẹ niềm tự hào nhưng có cả nỗi đau mất con. Chúng ta ngợi ca, nêu gương về lòng dũng cảm của Nam nhưng có hướng các em sẽ làm như Nam trong hoàn cảnh tương tự không?

Suy ra, cô giáo tiếng Anh ấy đã chỉ ra rằng: Liệu chúng ta (giáo viên và cả các bậc phụ huynh) có dám nói với học trò, con em mình rằng: cần noi theo tấm gương của Nam, sẵn sàng hi sinh bản thân để cứu người lúc hoạn nạn dù sẽ phải đối diện với cái chết?

Cá nhân người viết bài này cảm thấy đây là tín hiệu buồn, nếu đây thực sự là suy nghĩ của một giáo viên – người ngày ngày đứng trên bục giảng và nói những điều tốt đẹp tới học sinh.

Sự hi sinh của Nam khiến Chủ tịch nước và cả xã hội, đặc biệt là giới trẻ, vô cùng đồng cảm, chia sẻ và xúc động. Thêm một tấm gương nữa cho các em học sinh soi lại mình khi xã hội còn ngổn ngang những điều không đẹp như câu nghị luận xã hội của đề thi năm trước: “Thói đạo đức giả là biểu hiện của sự suy đồi đạo đức”.

Vẫn biết rằng sự hi sinh của Nam để lại quá nhiều nỗi tiếc thương và đau buồn, không phải chỉ gia đình em mà còn của cả xã hội. Thế nhưng nếu cho Nam chọn lại, có lẽ em vẫn lao xuống dòng nước xiết ấy để cứu người mà chẳng vương vấn chút trăn trở nào cả. Hành động dũng cảm của em khiến cho nhiều người sống chạnh lòng và tự nhủ phải sống tốt hơn, sống đẹp hơn, và bởi “sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình”.

Cũng như hành động lao vào đám cháy dập lửa của những người lính cứu hỏa trong vụ hỏa hoạn chiều 3/6, đó là hành động dũng cảm của những con người dũng cảm. Đó không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là trách nhiệm và thể hiện tình yêu thương với cộng đồng, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng mình. Những tấm gương dũng cảm đó, chúng ta khâm phục và tự hào!

Trước những con người quả cảm quên mình ấy, lẽ nào chúng ta đi dạy con em mình rằng không được “bắt chước”, không được làm theo? Tôi cho đó là suy nghĩ quá thiển cận và nông nổi của một người giáo viên nhân dân.

Nhờ những con người quả cảm ấy, nhờ những đề thi Ngữ văn “gần gũi, thời sự” ấy, có lẽ thế hệ trẻ sẽ có cái nhìn thực tế và biết yêu thương cuộc sống này hơn. Đó là điều đáng quý, đáng ủng hộ, sao nỡ phủ nhận nó?

Tin bài gố: petrotimes

 

Thông tin liên quan:

 

Kenhtuyensinh

Theo: petrotimes