Theo số liệu của Bộ lao động - Thương binh và Xã hội, đến hết quý III-2014, cả nước có 174.000 người có bằng đại học trở lên thất nghiệp, tăng 12.000 người so với quý II. Chiếm gần 17% tổng số lao động thất nghiệp của cả nước.

Dồi dào nhưng chưa hiệu quả

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cả nước ta hiện nay có  khoảng 2.204.000 sinh viên (tăng 143% so với năm 2008), đạt tỷ lệ 250 sinh viên/1 vạn dân. Có số lượng đông, được đào tạo chính quy tại các trường đại học, cao đẳng với chương trình bài bản, tuy nhiên, trên thực tế chất lượng đội ngũ sinh viên hiện nay lại chưa thể đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng dù nhiều trường có khuyến khích sinh viên đi làm thêm.

Đào tạo nhân lực sinh viên phù hợp với yêu cầu xã hội

Sinh viên là nguồn nhân lực đáng giá. Ảnh: ST

Tại DN thường có rất nhiều việc “đơn giản” như soạn thảo văn bản, lưu trữ tài liệu, liên lạc với nhà cung cấp, đối tác, khách hàng… và nhiều việc khác mang đặc thù công việc của một cộng tác viên hay thực tập sinh dành cho sinh viên năm cuối nhưng hiện nay vẫn chỉ có một số ít DN đang hướng tới đội ngũ lao động này. Ông Trần Trung Đức (Giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Bảo Kim) cho biết: “Sinh viên là một nguồn lao động tuy chưa có nhiều kinh nghiệm làm việc nhưng lại có sự trẻ trung, nhiệt huyết và đặc biệt là tinh thần ham học hỏi. Mặt khác, khi sử dụng lao động dưới dạng cộng tác viên bán thời gian là sinh viên cho những ca trực như buổi tối, cuối tuần, Công ty sẽ tiết kiệm được một khoản không nhỏ cho quỹ tiền lương. Tuy nhiên, đến nay lượng lao động là sinh viên mà Công ty đang sử dụng vẫn chỉ chiếm một con số nhỏ bởi Công ty sẽ mất nhiều thời gian và công sức để đào tạo lực lượng này”.

Theo đánh giá của nhiều nhà tuyển dụng, lao động đang là sinh viên vẫn còn rất nhiều hạn chế so với với những lao động khác. Đầu tiên phải nói về chất lượng. Không có kinh nghiệm, chưa có bằng cấp, trình độ không phù hợp, thiếu kĩ năng thực tế là tình trạng chung của rất nhiều sinh viên hiện nay. Nhận định về chất lượng lao động là sinh viên, PGS.TS Phạm Thanh Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Cung ứng và Đào tạo nhân lực cho rằng: “Thế mạnh của sinh viên là chịu khó nhưng hạn chế lại là thiếu tính sáng tạo. Học gạo thì tốt nhưng kĩ năng thực hành lại kém. Đây là lỗi của hệ thống giáo dục và đào tạo nghề”. Đặc biệt theo đánh giá của một số DN nước ngoài tại Việt Nam, khả năng giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ chuyên môn của sinh viên đại học hay thậm chí đã tốt nghiệp đại học vẫn đang dưới mức trung bình.

Cần sự hợp tác nhiều bên

Để sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường trở thành nguồn lao động chất lượng cho DN, theo PGS.TS Phạm Thanh Sơn, cần có sự vào cuộc của nhiều bên, trong đó có sinh viên, DN, nhà tuyển dụng và vai trò của các trung tâm giới thiệu, cung ứng việc làm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để làm cầu nối kết nối các bên với nhau, tạo thành một chuỗi liên hoàn, thống nhất.

Theo bạn Nguyễn Đức Tiến Anh (thành viên Câu lạc bộ Nguồn nhân lực, đại học Ngoại thương): “Khả năng thành công chỉ thực sự đến với những sinh viên có chí hướng, thái độ làm việc nghiêm túc, đặt ra mục tiêu rõ ràng, biết cách tổ chức thời gian của mình, để cân đối quỹ thời gian cho học tập, làm việc và nghỉ ngơi”. Mặt khác, về phía DN, vấn đề đặt ra là DN có sẵn sàng tạo các cơ hội cho sinh viên đến thực tập và làm việc (bán thời gian) hay không. Thiện chí của DN chỉ có thể biến thành hiện thực nếu người đứng đầu DN và các bộ phận, phòng ban cũng như các nhân viên quan tâm đến lực lượng lao động trẻ, tạo điều kiện cho họ phát triển.

Quan trọng nhất là các nhà trường. Chưa bàn đến nội dung và chất lượng đào tạo của nền giáo dục, Nhà trường có tác động rất lớn đến định hướng nghề nghiệp và cách thức tiếp cận của sinh viên với công việc. Hiện nay, tại nhiều trường đại học lớn luôn đẩy mạnh công tác hỗ trợ việc làm cho sinh viên. Ví dụ như Câu lạc bộ Nguồn nhân lực (HRC) của đại học Ngoại Thương, Câu lạc bộ việc làm (HJC) của đại học Hà Nội… Các loại hình câu lạc bộ này đóng vai trò rất lớn trong việc là cầu nối giữa DN với sinh viên, tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội rèn luyện kỹ năng mềm thông qua hoạt động câu lạc bộ, nắm bắt các cơ hội việc làm mà DN đem lại cho họ.

Thiết nghĩ, các DN nếu thực sự cầu hiền, cầu tài hãy marketing một cách thân thiện, mạnh mẽ tới giới sinh viên, tìm ra những sinh viên có tố chất phù hợp với nghề để đào tạo, truyền đam mê nghề nghiệp khi họ sắp ra trường, khi đó sinh viên rất cần môi trường làm việc thực tế nên được “chăm sóc” như vậy sẽ cảm thấy muốn gắn bó, trung thành, lâu dài với DN ấy hơn”, thầy Đàm Văn Hường, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Thương mại và Du lịch Hà Nội chia sẻ.

Bài toán về nguồn nhân lực, việc làm cho sinh viên hiện nay là bài toán khó và cũng không thể một sớm một chiều mà chúng ta giải quyết ngay được. Để làm được điều này cần phải đồng bộ ở nhiều phương diện: Đơn vị đào tạo, người lao động, đơn vị sử dụng lao động… và còn cần tới một cơ chế, một sự hỗ trợ lớn từ Nhà nuớc. Đặc biệt, xã hội nên có cái nhìn “mở” trước việc sinh viên đi làm, tích lũy kinh nghiệm, đặc biệt trong các môi trường dịch vụ.

Theo Báo Hải quan, tin gốc: http://www.baohaiquan.vn/pages/tao-cau-noi-tan-dung-nguon-lao-dong-sinh-vien.aspx