Những điểm cần lưu ý xét tuyển nguyện vọng bổ sung năm 2014
Quy chế tuyển sinh Đại học và Cao đẳng hệ chính quy - Văn bản hợp nhất ban hành ngày 25/04/2014, nhiều điểm mới xét tuyển nguyện vọng bổ sung mà thí sinh cần biết trong năm 2014.
Ngoài những quy định về thủ tục xét tuyển, hồ sơ xét tuyển, thời gian..điểm khác biệt nhất năm nay đó là xét tuyển nguyện vọng tại trường xét tuyển riêng và thi đại học 3 chung như thế nào?
Quy định xét tuyển đối với trường tuyển sinh riêng
Theo quy định của Bộ Giáo dục kết quả thi của thí sinh thi vào trường tổ chức tuyển sinh riêng chỉ có giá trị xét tuyển vào trường đó, không có giá trị xét tuyển sang trường khác. Nghĩa là thí sinh không thể lấy kết quả thi tại trường tuyển sinh riêng đăng ký xét tuyển trường khác
Các trường tổ chức tuyển sinh riêng có thể kết hợp xét tuyển những thí sinh dự thi kỳ thi chung có kết quả thi đáp ứng các tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào do Bộ GD&ĐT quy định
Đối tượng thí sinh nào được đăng ký xét tuyển?
- Thí sinh dự thi đại học theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi đại học ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển và có yêu cầu điều kiện đầu vào phù hợp
- Những thí sinh nộp hồ sơ dự thi tại trường ĐH không tổ chức thi tuyển sinh hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH chỉ được xét tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường không tổ chức thi hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ CĐ của trường ĐH
- Thí sinh dự thi vào ngành năng khiếu, nếu không trúng tuyển vào trường đã dự thi, được đăng ký xét tuyển vào đúng ngành đó của những trường có nhu cầu xét tuyển, nếu đúng vùng tuyển quy định của trường và có các môn văn hoá thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT.
Những điểm cần lưu ý xét tuyển nguyện vọng 2 năm 2014
- Thí sinh dự thi CĐ theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, nếu không trúng tuyển theo nguyện vọng đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi, có kết quả thi từ mức điểm tối thiểu quy định trở lên (không có môn nào bị điểm 0), được sử dụng giấy chứng nhận kết quả thi CĐ ngay năm đó để nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển vào các trường cao đẳng hoặc trường CĐ thuộc ĐH hoặc hệ cao đẳng của các trường đại học còn chỉ tiêu xét tuyển, cùng khối thi và trong vùng tuyển quy định.
Lưu ý: Thí sinh đã trúng tuyển vào một trường (hoặc một ngành, nếu trường xét tuyển theo ngành) không được xét tuyển vào trường khác (hoặc ngành khác).
Hồ sơ đăng ký xét tuyển gồm có:
- Giấy chứng nhận kết quả thi do các trường tổ chức thi cấp;
- Một phong bì đã dán sẵn tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc của thí sinh để trường thông báo kết quả xét tuyển.
Theo đúng thời hạn quy định của các trường, thí sinh nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc chuyển phát ưu tiên.
Thí sinh cũng có thể nộp hồ sơ ĐKXT và lệ phí ĐKXT trực tiếp tại trường, Hiệu trưởng các trường chịu trách nhiệm trong tất cả các khâu: tổ chức thu nhận, vào sổ, quản lí, cấp biên lai cho thí sinh.
Hồ sơ và lệ phí đăng ký xét tuyển của thí sinh dù nộp qua đường bưu điện chuyển phát nhanh hoặc dịch vụ chuyển phát ưu tiên hoặc nộp trực tiếp tại các trường trong thời hạn quy định của trường, đều hợp lệ và có giá trị xét tuyển như nhau.
Nếu không trúng tuyển hoặc có nguyện vọng rút hồ sơ ĐKXT đã nộp, thí sinh được quyền rút hồ sơ ĐKXT. Lệ phí ĐKXT đối với thí sinh rút hồ sơ và thí sinh không trúng tuyển do Hiệu trưởng các trường xem xét, quyết định.
Thời hạn kết thúc việc xét tuyển theo quy định từng trường cụ thể, nhưng phải đảm bảo theo quy định chung của Bộ Giáo dục là ngày 31 tháng 10 đối với trường đại học và 15 tháng 11 hàng năm đối với trường cao đẳng.
>> Bạn đọc có thể tham khảo chi tiết Quy chế tuyển sinh Đại học và Cao đẳng hệ chính quy mới nhất năm 2014 tại ĐÂY
Tổng hợp